Chồng vật vã chờ đợi vợ sinh, bà bầu đứng ngồi không yên vì nắng nóng là những hình ảnh đang diễn ra hàng ngày tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong những ngày này.
Theo ghi nhận của phóng viên trong sáng 3/7, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hình ảnh những người chồng, người bà trốn nắng nằm nghỉ dưới gốc cây hay trong gầm ghế diễn ra thường xuyên trong những ngày này.
Người nhà sản phụ tranh thủ ngủ dưới gầm ghế để tránh nóng. Ảnh ghi nhận tại BV Phụ sản Hà Nội.
Tại BV Phụ sản Trung ương hình ảnh vạ vật, ngủ dưới gốc cây không phải là hiếm trong những ngày này.
“Tôi ở viện hôm nay là ngày thứ 3 rồi, đẻ xong cháu bị băng huyết nên phải ở lại. Nhà có hai người xuống thay nhau chăm sóc, cứ người nọ ở trên phòng thì người kia lại tranh thù mang chiếu ra gốc cây nằm ngủ. Mà cũng chỉ ngủ được một lúc buổi sáng. Từ 9 giờ trở đi, nắng nóng không thể ngủ được”, bác Bùi Thị Ninh (Hòa Bình) tâm sự.
Đối với người nhà sản phụ là vậy, còn những nhân vật chính là bà bầu, dù đang đi khám thai hay đi chờ đẻ đều vật vã ở các phòng chờ. Tuy các bệnh viện đã tăng cường thêm số quạt, nhưng từng đó là chưa đủ để xua đi cái nắng, cái nóng gay gắt trên 40 độ trong những ngày này.
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Tố Uyên (Hà Nội) chia sẻ: “Mình mang thai được 34 tuần, nhưng do mấy hôm nay thời tiết nắng, nóng quá con đạp nhiều, mình thấy ra cả sản dịch nên phải đi khám gấp. Không ngờ vào đây, ngồi nói chuyện mới thấy có nhiều chị cũng bị tương tự như mình”.
Nhiều sản phụ vật vã chờ khám bệnh. Ảnh chụp tại BV Phụ sản Hà Nội.
Liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe cho bà bầu trong những ngày nắng nóng, BS Trần Danh Cường - Phó trưởng khoa Sản I - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, nhiệt độ môi trường thay đổi làm thay đổi sự chuyển hóa trong cơ thể, đặc biệt trong những ngày nắng nóng, cơ thể bị mất nước qua mồ hôi, qua hơi thở mà không được bồi phụ đủ dẫn đến rối loạn chuyển hóa muối và nước ở những phụ nữ bị bệnh thận, tăng huyết áp mang thai làm cho mạch máu bánh rau co lại, dẫn đến thiếu máu bánh rau, tiền sản giật và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho cả bà mẹ và thai nhi.
Bên cạnh đó, nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở phụ nữ có thai cũng được cảnh báo rất rõ do cơ thể không được bồi phụ đủ nước dẫn đến không bài tiết được nước tiểu gây ra hậu quả dọa đẻ non và đẻ non. Uống ít nước còn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiểu ối ở phụ nữ mang thai.
Để bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ có thai trong những ngày nắng nóng, BS. Cường khuyến cáo, vấn đề quan trọng nhất là uống đủ nước mỗi ngày nhằm bù vào lượng nước đã mất đi, tránh được những hậu quả do rối loạn chuyển hóa muối - nước gây ra vì đây là nguồn gốc gây ra tất cả những rối loạn ảnh hưởng đến bà mẹ và em bé.
Ngoài việc uống nhiều nước, khoảng 1,8 đến 2 lít nước/ngày, phụ nữ có thai cần có kế hoạch chăm sóc sức khỏe bản thân như chế độ làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý đảm bảo sức khỏe, không nên đi ra đường vào thời điểm nhiệt độ tăng cao như giữa trưa.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận được tại BV Phụ sản Trung ương và Hà Nội:
Tại BV Phụ sản Trung ương, sức nóng được thể hiện ngay từ ngoài cổng.
9 giờ sáng, khoa Khám bệnh còn rất đông bệnh nhân chờ đến lượt khám.
Bệnh nhân xếp hàng dài nộp sổ khám bệnh.
Sức nóng không chỉ ở ngoài phóng khám, mà tại các phòng chăm sóc sản phụ cũng hoạt động hết công xuất.
Bên ngoài phòng khám nhiều người nhà mệt mỏi trong thời tiết nắng nóng.
Những ông bố trẻ tranh thủ ngủ sau một đêm "trực chiến".
Người nhà sản phụ tranh thủ mọi bóng râm để được "ngon giấc" khi thời tiết còn mát mẻ.
Tại BV Phụ sản Hà Nội, tình trạng vật vã vì nắng nóng cũng không kém BV Phụ sản Trung ương.
Nhiều người phải chui xuống gầm ghế để ngủ.
Tại khu vực phòng khám, cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều tỏ ra rất mệt mỏi.
Các bà bầu cố gắng chờ đợi đến lượt vào khám.