Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi, Uỷ viên Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai cho biết: VN chưa từng công bố thiên tai cấp quốc gia và tại VN cũng chưa từng xảy ra thiên tai ở mức độ rộng nên các quy định về ban bố thiên tai quốc gia cũng chưa có quy định cụ thể.
Những ngày qua, nhiều nước trên thế giới như Anh, Pháp, Pakistan đã ban bố tình trạng khẩn cấp về nắng nóng toàn quốc gia. Đặc biệt ở Pakistan, nắng nóng đã khiến hơn 1.000 người chết. Ở Việt Nam, chúng ta đã từng công bố tình trạng thiên tai trên toàn quốc chưa?
Theo tôi được biết, Việt Nam chưa từng công bố tình trạng thiên tai trên toàn quốc. Hiện nay, nước ta có nhiều vùng đang bị nắng nóng và hạn hán khốc liệt. Tình trạng này chỉ diễn ra ở một số tỉnh và diễn ra ở phạm vi vùng. Do đất nước ta trải dài từ Bắc vào Nam với chiều dài hơn 2.000 km nên có rất nhiều vùng khí hậu khác nhau, dù Hà Nội đang nắng nóng nhưng tại một số nơi như Đà Lạt hay TP.HCM thì thời tiết lại mát mẻ và nhiệt độ ở mức bình thường. Do đó, việc công bố thiên tai trên phạm vi toàn quốc ở nước ta là chưa từng xảy ra.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, việc công bố thiên tai trên phạm vi toàn quốc ở nước ta là chưa từng xảy ra
Thực tế Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đang phải trải qua đợt nắng nóng đạt “đỉnh” trong lịch sử, trong khi nhiều tỉnh miền Trung như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà… cũng phải chịu đựng nắng nóng và khô hạn. Theo ông, chúng ta có nên ban bố tình trạng thiên tai theo từng vùng để có các biện pháp phù hợp?
Đúng là ở Việt Nam hiện nay có nhiều vùng đang phải trải qua thời tiết nắng nóng và hạn hán rất khốc liệt. Ngay từ đầu năm, các cơ quan chức năng đã đưa ra dự báo là có khả năng bị ảnh hưởng bởi El Nino. Đến thời điểm này có thể khẳng định tình trạng khô hạn và nắng nóng đạt đỉnh ở nhiều tỉnh trong những ngày qua, có nơi lên tới hơn 41 độ C chính là do ảnh hưởng của El Nino và biến đổi khí hậu.
Tình trạng hạn hán, nắng nóng hiện nay không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều nước khác. Anh, Pháp đều phải ban bố tình trạng thiên tai. Nhiều nơi tại Mỹ cũng bị nắng nóng, hạn hán tới mức phải sơ tán người dân. Dù tình trạng hạn hán, nắng nóng diễn ra khốc liệt nhưng là chúng ta đang thiếu những quy định cụ thể về ban bố tình trạng thiên tai khẩn cấp, nhất là ở cấp vùng, cấp quốc gia.
Nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội đo được lúc 14h chiều 1.7 là 44 độ C (Ảnh: Tất Định)
Tức là Việt Nam chưa có quy định cụ thể về mức độ cần ban bố thiên tai trên toàn quốc, thưa ông?
Như tôi đã nói, hiện Việt Nam đã có một số văn bản quy định về ban bố tình trạng thiên tai như quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Theo đó sẽ quy định ở mức độ thiệt hại bao nhiêu, các tỉnh có thể ban bố tình trạng thiên tai để căn cứ vào đó có chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.
Tuy nhiên, quyết định này cũng chỉ nói chung chung và chủ yếu là hướng dẫn ban bố thiên tai ở cấp tỉnh chứ không nhắc tới cấp quốc gia.
Ngoài ra, còn một số quyết định và các văn bản khác nhưng cũng vẫn chỉ quy định chung chung, không rõ ràng đối với việc công bố thiên tai cấp quốc gia.
Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của El Nino và hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, tôi cho rằng cần xây dựng các quy định về ban bố tình trạng thiên tai khẩn cấp một cách cụ thể, nhất là thiên tai cấp vùng và cấp quốc gia. Trong đó, phải quy định cụ thể ở cấp độ nào thì ban bố và khi ban bố cũng sẽ đưa ra thiên tai ở cấp độ 1, 2, 3 tuỳ vào mức thiên tại xảy ra để Chính phủ và người dân có thể đưa ra những biện pháp phòng chống phù hợp, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xin cảm ơn ông!
“Quốc hội đã phê duyệt Luật Phòng chống thiên tai. Căn cứ vào luật này, tôi nghĩ tới đây cũng cần phải xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể về ban bố tình trạng thiên tai khẩn cấp”. Ông Nguyễn Văn Tỉnh Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuỷ lợi, diện tích phải dừng sản xuất do không có nước tại Hà Tĩnh là 1.513ha; tại Quảng Trị diện tích hạn hán thiếu nước là 1.070ha; Bình thuận, diện tích chưa có nước để gieo cấy còn 8.950ha; Bình Định, diện tích cây trồng đang bị hạn là 8.500ha; Khánh Hoà, diện tích lúa đang phải dừng sản xuất là 10.439ha và 1.400ha chuyển đổi cây trồng từ lúa sang cây trồng cạn; Ninh Thuận, diện tích đang phải dừng sản xuất do chưa có nước gieo cấy là 10.229ha. |