Để sử dụng hợp lý và không lãng phí khẩu trang bác sĩ kêu gọi mọi người khi ra khỏi đường chỉ cần dùng khẩu trang vải là đủ, không nhất thiết phải là khẩu trang y tế.
Mới đây, chia sẻ của bác sĩ Trần Xuân Bách (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) về việc các cán bộ y tế, bác sĩ đang phải dùng khẩu trang một cách hết sức “tiết kiệm” nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.
Theo chia sẻ của vị bác sĩ này, đây là tình trạng chung ở nhiều cơ sở y tế chứ không riêng bệnh viện nơi bác sĩ Bách công tác. Bởi vậy, rất mong cộng đồng chia sẻ, không nên tích trữ khẩu trang, dùng lãng phí để dẫn đến tình trạng khan hiếm, khiến các bác sĩ là người cần khẩu trang nhất lại phải dùng “tiết kiệm” hoặc dùng khẩu trang vải nhiều lần.
Bác sĩ kêu gọi hạn chế dùng khẩu trang y tế khi ra khỏi nhà, hãy dùng khẩu trang vải
"Xin đừng phát chẩn khẩu trang y tế ngoài vỉa hè, giữa chợ, giữa công viên nữa! Hãy phát xà phòng, nước rửa tay và cung cấp đủ nước sạch để rửa tay thường xuyên là đủ ổn rồi.
Xin đừng bắt tất cả các cháu học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo, nhân viên các công sở... phải dùng khẩu trang y tế khi đến trường học, nơi làm việc nữa! Khẩu trang vải thông thường là đủ ổn rồi.
Xin đồng bào đừng đeo khẩu trang y tế mỗi khi ra khỏi nhà nữa! Khẩu trang vải thông thường là đủ ổn rồi.
Không nên vì chống giặc mà mỗi người dân tích trữ riêng cho mình vài ba "viên đạn" trong khi "súng" của bộ đội lại đang hết đến những viên đạn cuối cùng. Như ở đây là đã bắt đầu phải dùng đến đạn nhựa ở súng đồ chơi trẻ con. Đừng để bộ đội đánh giặc bằng đạn giấy.
Các bạn biết thương các nhân viên y tế, dành cho họ những vũ khí để họ chống dịch thì họ mới đủ khả năng bảo vệ các bạn và gia đình của bạn thoát dịch!", bác sĩ Bách chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội - đơn vị thường xuyên phải đón những trường hợp nghi nhiễm bệnh, đi về từ vùng có dịch - cho biết hiện nay trung tâm vẫn đang được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cung cấp khẩu trang và chưa xảy ra tình trạng thiếu.
“Do là đơn vị đặc thù nên chúng tôi vẫn được cấp phát khẩu trang theo quy định, tuy nhiên khi sử dụng chúng tôi luôn nhắc nhở anh em phải dùng sao cho hợp lý, không dùng lãng phí khẩu trang để tránh tình trạng thiếu”, vị lãnh đạo này chia sẻ.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, lãnh đạo bệnh viện này cho biết hiện khẩu trang dùng 1 lần không đủ để nhân viên y tế sử dụng. Vì thế, bệnh viện phải dùng khẩu trang nhiều lần. Tuy nhiên, việc sử dụng khẩu trang vẫn phải đảm bảo đúng quy định phòng dịch.
“Tại các khu đón tiếp, khám bệnh chúng tôi vẫn cho nhân viên y tế dùng khẩu trang vải và dùng nhiều lần. Tuy nhiên, mỗi khi sử dụng xong chúng tôi tập trung về nơi đã quy định, sau đó giặt và hấp khử khuẩn theo đúng quy định, rồi lại phát cho nhân viên sử dụng tiếp trong quá trình làm việc. Tất nhiên, mỗi người được phát vài chiếc để thay đổi chứ không phải chỉ có 1 cái, đợi giặt xong dùng luôn”, lãnh đạo Bệnh viện Thạch Thất chia sẻ.
PGS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho rằng, người dân hoàn toàn có thể sử dụng khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang vải để phòng bệnh. Sau khi sử dụng có thể giặt sạch phơi khô và sử dụng lại, chứ không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế về việc dùng khẩu trang, đối với những người khỏe mạnh không mắc bệnh về đường hô hấp thì không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế. Chỉ dùng khẩu trang khi đến các cơ sở khám chữa bệnh, nơi tập trung đông người, nơi đang có dịch hoặc tiếp xúc với vùng dịch.
Hơn nữa, việc dùng khẩu trang phòng bệnh cần kết hợp với nhiều biện kháp khác như rửa tay bằng xà phòng, nước rửa tay theo quy định. Thường xuyên để nhà cửa thông thoáng, vệ sinh các thiết bị trong gia đình, đặc biệt là tay nắm cửa và đồ chơi trẻ em.