30 năm tuổi đời, 7 năm tuổi nghề nhưng Nguyễn Khắc Đạt đã trang bị cho mình khối lượng kiến thức đáng nể...
30 năm tuổi đời, 7 năm tuổi nghề nhưng Nguyễn Khắc Đạt đã trang bị cho mình khối lượng kiến thức đáng nể liên quan đến kỹ thuật tàu bay. Anh cũng là một trong những kỹ sư trẻ nhất được tiếp cận kỹ thuật, công nghệ của dòng máy bay siêu hiện đại Airbus A350 mới được Vietnam Airlines tiếp nhận, khai thác.
Kỹ sư Nguyễn Khắc Đạt đã có 7 năm “làm bạn” với máy móc tàu bay
“Kiến thức tàu bay mênh mông càng thôi thúc tôi khám phá”
Tiếp xúc với Nguyễn Khắc Đạt (Trung tâm Bảo dưỡng ngoại trường - Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay VAECO), dễ dàng cảm nhận được nhiệt huyết, sự đam mê với công việc của kỹ sư trẻ này.
“Tôi học chuyên ngành Kỹ thuật hàng không (ĐH Bách khoa Hà Nội). Tốt nghiệp ĐH năm 2009 với tấm bằng Giỏi, tôi được tuyển dụng vào Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) - đúng công ty tôi luôn mơ ước khi ngồi trên ghế nhà trường”, Khắc Đạt chia sẻ. “Vào VAECO, tôi được đào tạo khóa cơ bản nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay. Lúc này tôi mới nhận ra kiến thức học được trên ghế nhà trường chỉ một phần, kiến thức tàu bay thật mênh mông, rộng lớn. Nhưng điều đó càng thôi thúc tôi khám phá”.
Ít ai biết, môi trường làm việc của các kỹ sư sửa chữa máy bay vô cùng khắc nghiệt. Những trưa hè, khi mọi người tìm nơi tránh nóng những kỹ sư như Khắc Đạt lại ở giữa sân bay, trong thân máy bay với nhiệt độ lên đến 40 - 500C. Những ngày đông khi mọi người hạn chế ra đường thì những “bác sĩ của máy bay” vẫn miệt mài ngoài phi trường giữa mưa phùn, gió bấc. |
“Những ngày đầu làm việc ở Trung tâm Bảo dưỡng ngoại trường, tôi có cảm giác rất phấn khích vì được trực tiếp làm việc với máy bay - cỗ máy hiện đại nhất thế giới, như câu nói của thày tôi: “Con người thật vĩ đại vì đã phóng một cục sắt hàng trăm tấn lên bầu trời và bắt nó hạ xuống đất an toàn”, Khắc Đạt nói.
Thực tế, nghĩ đến nghề bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, mọi người thường chỉ nghĩ đơn giản như bao nghề sửa chữa khác và “chắc là rất phức tạp”. “Biết là khó, là khổ đấy nhưng đã trót đam mê chả khó khăn nào cản bước được. Khó khăn bao nhiêu, vất vả bao nhiêu nhưng chỉ cần xử lý được các hỏng hóc của máy bay, đảm bảo máy bay trở lại hoạt động an toàn thì tất cả tan biến hết. Cảm giác vẫy tay chào tạm biệt hành khách lên máy bay, đảm bảo tuyệt đối an toàn kỹ thuật hay đón hành khách sau một chuyến bay thoải mái luôn là khoảnh khắc tuyệt vời nhất, khiến tôi quên đi chiếc áo đồng phục đang ướt đẫm vì mồ hôi hay những bữa trưa ăn vội để đi đón tàu”, anh Đạt chia sẻ.
Airbus A350 và thách thức đam mê
Đầu tháng 7 năm ngoái, Vietnam Airlines chính thức tiếp nhận và đưa vào khai thác máy bay Airbus A350 XWB. Đây là dòng máy bay thân rộng, có tầm hoạt động xa, hiện đại bậc nhất hiện nay.
Chuẩn bị cho việc khai thác dòng máy bay này, song song với việc đào tạo phi công, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch cử nhân viên kỹ thuật đi học tập, chuyển giao công nghệ. Nguyễn Khắc Đạt là một trong số ít các kỹ sư trẻ được tin tưởng lựa chọn đi học để tiếp cận với máy bay thế hệ mới A350.
“Tôi thật vinh dự khi được các chuyên gia hàng đầu của Airbus, các nhà thiết kế sản xuất A350 truyền đạt kinh nghiệm, chia sẻ những công nghệ mới, những sự thay đổi trong hệ thống của dòng máy bay mới này”, kỹ sư trẻ chia sẻ và cho biết thêm bản thân đã phải nỗ lực rất nhiều để tiếp nhận những kiến thức vô cùng mới mẻ về dòng máy bay siêu hiện đại này.
“Thời gian đầu, chúng tôi phải vừa làm vừa trao đổi với các chuyên gia để xử lý công việc. Những bỡ ngỡ ban đầu cũng qua đi, kinh nghiệm được tích lũy và giờ đây, chúng tôi đã đủ tự tin khi tiếp cận những chiếc A350 không những rất đẹp mà còn vô cùng tinh vi” - Khắc Đạt nói và cho biết thêm: “Với những nhân viên kỹ thuật máy bay, mỗi lần đặt bút ký vào sổ nhật ký kỹ thuật là một lần khẳng định với trách nhiệm rất lớn, đảm bảo mọi việc đã được hoàn thành đúng dữ liệu bảo dưỡng và quy trình, đủ điều kiện cho máy bay khai thác”.