Hôm qua (21/8), bác sỹ người Mỹ Kent Brantly, một trong hai người đầu tiên sử dụng thuốc ZMapp trong giai đoạn thử nghiệm đã xuất viện.
Đây là bệnh nhân thứ hai ở Mỹ được điều trị khỏi Ebola sau hai tuần cách ly, điều trị tại bệnh viện Đại học Emory, bang Atlanta (Mỹ). Trước đó, bệnh nhân Nancy Writebol cũng đã được ra viện hôm 19/8.
Kent Brantly và Nancy Writebol đã bị nhiễm Ebola khi đang làm việc tại một bệnh xá của cơ quan truyền giáo bên ngoài thủ đô Monrovia của Liberia. Hai người này đã được đưa về Mỹ trên một chiếc máy bay đặc biệt với khoang cách ly, đi cùng có các nhân viên y tế trong trang phục bảo vệ tuyệt đối. Cả hai đều chữa trị và sử dụng thuốc thử nghiệm ZMapp trong quá trình điều trị.
Bác sĩ Kent Brantly cùng vợ trong ngày xuất viện.
Các bác sỹ tại bệnh viện Đại học Emory cho biết, Kent Brantly và Nancy Writebol được phép xuất viện sau một quá trình điều trị khắt khe, đồng thời khẳng định họ không còn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, hiện cả hai đều không còn dấu hiệu nào của virus Ebola.
Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Atlanta, bác sỹ Kent Brantly vui mừng nói: "Hôm nay là một ngày kỳ diệu. Tôi rất vui vì được sống, khỏe mạnh và được đoàn tụ với gia đình. Là một nhân viên y tế truyền giáo, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ ở trong tình trạng này".
Bác sỹ Brantly nhiều lần nghẹn ngào khi ngỏ lời cám ơn tổ chức thiện nguyện mà ông cộng tác, Samaritan’s Purse, có trụ sở đặt tại tiểu bang North Carolina, và các nhân viên y tế tại bệnh viện Emory.
Bác sĩ Kent Brantly khi làm việc ở Liberia.
Ngoài hai người này, vẫn còn một bệnh nhân người Mỹ khác đang được điều trị bằng thuốc ZMapp.
ZMapp là loại thuốc được bào chế từ lá cây thuốc lá biến đổi gen, do công ty dược phẩm Mapp của Mỹ sản xuất và hiện cũng đang được cung cấp cho một số ít bệnh nhân tại ổ dịch Tây Phi.
Hiện ba nhân viên y tế ở châu Phi cũng đang được điều trị bằng loại thuốc này và họ cũng đang có dấu hiệu hồi phục rất nhanh. Tuy nhiên công ty Mapp, hãng sản xuất loại thuốc này, cho biết hiện nguồn cung thuốc đã cạn kiệt.
Ngay sau khi xuất viện, bác sĩ Kent Brantly đã có buổi họp báo với truyền thông để chia sẻ cảm xúc và kể về những ngày dài chống chọi với bệnh tật.
Sự hồi phục của hai bác sỹ đã làm tăng thêm hy vọng cho những bệnh nhân đang phải chiến đấu với dịch bệnh Ebola lớn nhất trong lịch sử. Theo báo cáo mới nhất được công bố bởi Tổ chức Y tế Thế giới WHO hôm 20/8, kể từ khi dịch bệnh bừng phát hồi tháng 3, tính đến hôm qua đã có 2473 người nhiễm virus Ebola, trong đó có 1350 người tử vong.
Chưa có ca nhiễm Ebola nào được xác nhận ngoài lãnh thổ 4 nước Tây Phi là Guinea, Sierra Leone, Liberia và Nigeria dù có nhiều trường hợp nghi nhiễm ở một số nước.
Hiện virus này vẫn chưa có thuốc đặc trị và 90% trường hợp mắc phải bị tử vong.