Kể từ năm học 2014, đối với lớp 1, giáo viên sẽ không chấm điểm trong suốt kỳ học mà chỉ nhận xét năng lực học tập của học sinh.
Đây là nội dung trong văn bản hướng dẫn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2013 – 2014 đối với hệ giáo dục trung học Bộ GD-ĐT vừa ban hành.
Theo Công văn, đối với học sinh lớp 1, khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không chấm điểm học sinh. Nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình học sinh. Giáo viên tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào.
Ngoài ra, các trường đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh. Thực hiện đánh giá học sinh theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày của từng học sinh, giúp học sinh cảm thấy tự tin và vui thích với các hoạt động học tập. Đặc biệt, các trường thường xuyên đánh giá bằng nhận xét, trong đó chú trọng nhận xét cụ thể của giáo viên về sự tiến bộ của học sinh hoặc những điểm học sinh cần cố gắng để có kế hoạch động viên, giúp đỡ học sinh kịp thời.
Mặt khác, trường phải tích hợp dạy học tiếng Việt và các nội dung giáo dục (bảo vệ môi trường; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; quyền và bổn phận của trẻ em; bình đẳng giới; an toàn giao thông; phòng chống tai nạn thương tích; phòng chống HIV/AIDS...) vào các môn học và hoạt động giáo dục. Việc tích hợp cần đảm bảo tính hợp lí, hiệu quả, không gây áp lực học tập đối với học sinh và giảng dạy đối với giáo viên.
Học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 1 trường Lê Quý Đôn, huyện Từ Liêm, Hà Nội
Các trường, lớp dạy học 1 buổi/ngày, thời lượng tối đa 5 tiết/buổi, tối thiểu 5 buổi/tuần; trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày thời lượng tối đa 7 tiết/ngày.
Hiệu trưởng chủ động xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu: Học sinh được tự học có sự hướng dẫn của giáo viên để hoàn thành yêu cầu học tập trên lớp, sử dụng có hiệu quả các tài liệu bổ trợ, không giao bài tập về nhà cho học sinh. Nơi có điều kiện thì tổ chức cho học sinh để sách, vở, đồ dùng học tập tại lớp. Bồi dưỡng học sinh năng khiếu; dạy học các môn học tự chọn; tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ, hoạt động ngoại khoá…
Khuyến khích tổ chức bán trú cho học sinh một cách linh hoạt, đa dạng hoạt động bán trú, có thể tổ chức các hoạt động như xem phim, xem tivi, đọc sách, tham gia các trò chơi dân gian… cùng với nghỉ trưa trong thời gian giữa hai buổi học…