Những chiếc bánh trung thu với tiêu chí “eat clean”, “healthy” với mẫu mã giống bánh truyền thống nhưng thành phần ít các chất béo hơn, được sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều người sợ tăng cân, dư thừa calo.
“Không ăn đâu mập lắm”, “Ăn một miếng nhỏ thôi”... có lẽ câu cửa miệng của nhiều người sợ tăng cân khi được mời ăn bánh trung thu. Đây là điều dễ hiểu khi bánh trung thu chứa rất nhiều năng lượng, calo khiến dễ tăng cân. Dù là món bánh không thể thiếu vào mỗi dịp Tết Trung thu, nhưng khi nghĩ về số calo khiến nhiều người ăn kiêng không khỏi “rùng mình”.
Theo các số liệu thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một chiếc bánh dẻo thập cẩm 170g cung cấp 566 calo, bánh dẻo một trứng đậu xanh và bánh nướng đậu xanh 176g chứa 648 calo, năng lượng cấp 2 - 2,5 lần bát phở bò, bánh nướng 176g chứa 706 calo… Lượng bột đường của một chiếc bánh dẻo hoặc bánh nướng bằng 2 - 3 bát cơm (mỗi bánh 258g), chủ yếu ở dạng hấp thụ nhanh, gây tăng đường huyết nhanh.
Ước tính một chiếc bánh trung Thu thập cẩm tương đương với lượng calo của 4 miếng đùi gà rán. Và để tiêu thụ hết lượng calo này thì cần phải chạy bộ trong vòng 1h30 phút.
Bánh trung thu là thức quà không thể thiếu vào mỗi dịp Tết Trung thu
Trước những nhu cầu về việc sử dụng bánh trung thu healthy hơn, phù hợp với ai đang ăn kiêng, những chiếc bánh đảm bảo tiêu chí thơm ngon tròn vị nhưng ít calo được sản xuất và bày bán rầm rộ vào mùa Trung thu, thu hút sự chú ý của khách hàng, đặc biệt với những yêu thích ăn “eat clean”.
Bánh trung thu healthy - lựa chọn cho những người ăn kiêng, sợ mập
Những nguyên liệu thường thấy trong bánh trung thu truyền thống như: bột mì, bơ, đường, sữa, trứng muối, lạp xưởng, gà xé... được thay thế bằng: bột mì nguyên cám, bột yến mạch, granola, mật ong, đường ăn kiêng,... Đây là các nguyên liệu được những người ăn kiêng yêu thích và sử dụng thường xuyên để giữ dáng, kiểm soát cân nặng. Cơ bản nó có thể sử dụng để làm bánh nhưng với mức calo, chất béo thấp hơn nhiều bánh Trung thu thông thường.
Một số hãng bánh trung thu đã nghiên cứu và sản xuất ra loại bánh sugar free, sử dụng đường không năng lượng Isomalt. Đây là loại đường tự nhiên được chế biến hoàn toàn từ củ cải đường, có năng lượng thấp (khoảng 2 kcal/g), có vị ngọt tinh khiết như đường bình thường nhưng độ ngọt chỉ bằng một nửa.
Bánh trung thu healthy được làm từ các nguyên liệu tốt cho sức khoẻ, hạn chế tăng cân
Ngoài việc phù hợp với những ai đang ăn kiêng, chế độ eat clean, bánh trung thu healthy còn phù hợp với người yêu thích các loại bánh có độ ngọt nhẹ, hương vị thanh hơn so với sự "xôi thịt" của các loại bánh trung thu truyền thống.
Bên cạnh các loại bánh bán sẵn, rất nhiều công thức làm bánh trung thu healthy được hội chị em chia sẻ cho nhau để có thể tự tay làm tại nhà, đảm bảo phù hợp với khẩu vị của từng cá nhân. Cách làm của bánh trung thu healthy giống với bánh truyền thống, chỉ khác ở phần nguyên liệu, không cần sơ chế hay chế biến quá nhiều mà đa số đã chín hoặc có nguồn gốc từ thực vật.
Bánh trung thu healthy có cạnh tranh được với bánh truyền thống?
Nhìn chung bánh trung thu healthy vẫn còn khá mới, chưa phải là loại bánh được phổ biến rộng rãi khi nhiều người vẫn yêu thích hương vị đặc trưng bánh trung thu truyền thống. Tuy nhiên có thể thấy loại bánh này được lòng một bộ phận khách hàng nhất định.
Về mặt giá cả, bánh trung thu healthy có giá không chênh lệch nhiều so với bánh truyền thống thông thường. Tại tiệm bánh chuyên về bánh ăn kiêng ở quận 3 (TP.HCM) báo giá cho 2 chiếc bánh trung thu healthy là 200.000 đồng và set 4 bánh là 380.000 đồng, được tặng kèm lồng đèn khi mua sản phẩm.
Một số cá nhân bán bánh trung thu healthy dạng handmade báo giá dao động từ 60.000 - 100.000 đồng cho một chiếc 150g tùy loại nhân.
Báo giá bánh trung thu healthy của một số cửa hàng
Nếu như trong bánh trung thu truyền thống, khách hàng sẽ quan tâm nhiều đến chất bảo quản thì với bánh healthy có lẽ là lượng đường. Đa phần bánh trung thu healthy được quảng cáo không sử dụng đường, dùng thay thế bằng mật ong hoặc đường ăn kiêng, không chất phụ gia, không chất bảo quản. Phần vỏ bánh được làm từ bột yến mạch nguyên cám lúa mạch cùng bột hạnh nhân. Phần nhân bánh gồm các nguyên liệu như: hạnh nhân, vừng, hạt điều cán vỡ với các loại nhân như đậu đỏ, đậu xanh, trà xanh hay hạt sen xay nhuyễn…. Hạn sử dụng với bánh trung thu healthy rơi vào khoảng 20 ngày.
Đáp ứng nhu cầu bánh trung thu không chỉ để ăn mà còn biếu tặng, các loại bánh healthy cũng được tạo nên với những khuôn hình bắt mắt, vỏ hộp thiết kế sang trọng, tỉ mỉ.
Chị Thu Uyên (30 tuổi, ở TP.HCM) chia sẻ, chị là người vốn rất chú trọng đến lượng calo nạp vào mỗi ngày nên rất lo ngại mỗi lần ăn bánh trung thu. Bình thường mỗi khi ăn bánh trung thu sẽ phải dành nhiều thời gian để chạy bộ, tập thể dục. Nhưng khi tìm mua được bánh healthy thì không còn “rón rén” mỗi khi ăn.
Khi được hỏi về việc chọn bánh trung thu truyền thống hay healthy, bạn Thu Hồng (27 tuổi, ở Đà Nẵng) chia sẻ vẫn yêu thích hương vị truyền thống nhiều hơn vì cảm nhận hết được không khí Tết Trung thu, nhưng vẫn sẽ cân nhắc lựa chọn các loại bánh healthy để ăn không lo ngại chuyện tăng cân.
Trong khi đó Trà Giang (24 tuổi, ở Hà Nội) cho biết bánh trung thu truyền thống vẫn là điều gì đó gắn liền với tuổi thơ, nên vào dịp Trung thu luôn muốn được thưởng thức hương vị này. Trong gia đình, Giang và chị gái thích bánh healthy để ăn mà không lo giữ dáng, còn bố mẹ và em trai vẫn mê bánh truyền thống.
Bánh trung thu healthy thu hút một lượng đối tượng khách hàng nhất định
Cách ăn bánh trung thu đảm bảo tính healthy
Bên cạnh các loại bánh được làm từ các nguyên liệu healthy, cách ăn bánh trung thu sao cho hạn chế tối đa lượng calo nạp vào người, tránh tình trạng tăng cân cũng là điều quan trọng. Cùng điểm qua một vài cách ăn bánh trung thu đầy healthy này nhé:
Chia nhỏ các mẩu bánh khi ăn
Đây là cách phổ biến nhất nhiều người vẫn làm khi ăn bánh trung thu, chia sẻ chiếc bánh ra làm nhiều phần, ăn từng phẩn nhỏ. Điều này sẽ góp phần làm giảm lượng chất béo, đường, calo nạp vào cơ thể cùng thời điểm.
Không ăn bánh trung thu khi đói
Khi đang đói, sức ăn sẽ nhiều hơn so với bình thường, khiến bạn muốn ăn nhiều và không kiểm soát được lượng bánh sử dụng.
Không ăn bánh trung thu vào buổi tối
Bánh trung thu có hàm lượng calo cao, nếu ăn vào buổi tối sẽ gây khó tiêu, dễ tăng cân và ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Ăn bánh trung thu cũng cần lưu ý không ăn quá nhiều để tránh nạp calo dư thừa vào cơ thể
Không ăn cùng đồ uống chứa nhiều calo, đường
Cần tránh tuyệt đối việc dùng bánh trung thu cùng các loại đồ uống như: nước ngọt, nước trái cây...thay vào đó là trà, nước lọc ấm, sữa đậu nành không đường...
Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn bánh trung thu với các loại trái cây có múi như: bưởi, cam, chanh...để có tác dụng tạo cảm giác no, hỗ trợ đốt cháy chất béo.
Tăng vận động và không ăn quá nhiều
Lượng calo trong bánh trung thu là khá lớn, nên sau khi ăn bạn nên tăng sự vận động bằng việc tập các bộ môn thể dục, chạy bộ...để đốt cháy bớt năng lượng dư thừa. Đồng thời không nên ăn quá nhiều bánh trung thu và kiểm soát tối đa có thể lượng bánh nạp vào hằng ngày.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Trung thu, bạn sẽ lựa chọn cho mình bánh truyền thống đậm hương vị hay sẽ theo “team” bánh healthy nhẹ nhàng, thanh đạm?