Trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2013 vừa qua, riêng Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai đã tiếp nhận 7 trường hợp cấp cứu vì ngộ độc rượu.
Từ bàn tiệc đón năm mới đến thẳng bệnh viện
Để chào đón năm mới, Đỗ Quang H., 22 tuổi (Long Biên, Hà Nội) cùng bạn bè tổ chức ăn nhậu. Sau chầu rượu, H. trở về nhà trong trạng thái ngất ngây, nôn rất nhiều. Người nhà nghĩ H. bị say thông thường như những lần trước nên chỉ dìu anh vào giường nằm rồi lấy khăn ấm lau qua mặt. Nhưng vừa nằm xuống giường vài phút, H. bị nôn thốc nôn tháo ra máu, lượng máu nôn ra đến nửa thau nhỏ. Sợ quá người nhà H. vội vàng đưa anh đến Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai. Tại đây, sau khi thăm khám bác sĩ cho biết, do uống quá nhiều rượu nên H. bị ngộ độc rượu, tình trạng ngộ độc dẫn tới xuất huyết tiêu hóa, khiến bệnh nhân nôn ra máu.
Cũng vì vui tiệc cuối năm đêm ngày 30.12 mà một sinh viên ở Ứng Hòa, Hà Nội cũng phải tức tốc đi thẳng từ bàn tiệc đến Trung tâm chống độc. Sau khi tỉ thí cùng 3 người bạn hết vài chai rượu mua ở quán cóc vỉa hè, cậu sinh viên gục luôn tại bàn tiệc rồi nôn dữ dội. Sau vài phút nôn, sinh viên này có biểu hiện co quắt chân tay, lên cơn co giật và dần rơi vào trạng thái hôn mê. Quá sợ hãi, bạn bè vội vàng đưa cậu đến cấp cứu tại Trung tâm Chống độc.
Trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, Trung tâm cũng tiếp nhận 3 trường hợp bị ngộ độc rượu ở các tỉnh khác chuyển về, trong đó nặng nhất là bệnh nhân 36 tuổi ở Hòa Bình. Được biết, trong đêm 31.12, bệnh nhân đi uống rượu với bạn, uống say tới mức bị ngã bất tỉnh trên đường về nhà. Bệnh nhân được người dân đưa vào BV tỉnh Hòa Bình. May mắn không bị chấn thương do ngã nhưng bệnh nhân bị bất tỉnh, hôn mê vì ngộ độc rượu nặng. Bệnh nhân đã được chuyển xuống cấp cứu tại Trung tâm Chống độc ngay trong đêm.
Một trường hợp đang điều trị tại BV vì ngộ độc rượu (ảnh minh họa)
Đừng chủ quan với rượu
BS Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết say rượu không đơn giản như nhiều người nghĩ, uống say, mệt chỉ 1-2 ngày là hết, sức khỏe sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, ngộ độc rượu dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc như suy gan, suy thận, tiêu cơ vân, thậm chí tử vong. Nhiều trường hợp dù được cấp cứu kịp thời, thoát khỏi tử thần nhưng lại bị di chứng suốt đời như bị suy thận phải chạy thận nhân tạo cả quãng đời sau này.
Theo BS Chính, uống rượu trong dịp lễ, tết, trong những cuộc vui là phong tục truyền thống rất khó cấm được. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe người dân nên uống chừng mực, đừng để đến mức say bí tỉ, nôn. Tùy từng cơ địa của mỗi người mà có những ngưỡng khác nhau, tuy nhiên không nên uống quá 30ml/ngày đối với rượu mạnh và 700ml/ngày đối với bia.
Để phòng tránh ngộ độc rượu, các BS khuyến cáo khi uống rượu phải ăn cơm và các thức ăn khác, tránh để bụng đói, gặp lạnh dễ bị cảm lạnh, nguy hiểm đến tính mạng. Khi uống cũng nên chọn rượu có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Bởi có những bệnh nhân dù chỉ một một lượng nhỏ rượu mà vẫn bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu do uống phải rượu pha cồn công nghiệp, không đảm bảo chất lượng.
Các bác sĩ cũng lưu ý người thân cần biết chăm sóc người say rượu đúng cách, đề phòng biến chứng nặng. Khi thấy người sau khi uống rượu có các biểu hiện của việc say rượu như nói nhiều, nôn, đi lại loạng choạng, không làm chủ được hành vi của mình … người nhà cần tìm cách để người say rượu nôn hết, rồi xát mạnh hai bên má. Sau đó, đặt người say rượu nằm ở nơi thoáng mát (tránh gió lùa) trong tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái. Nên cởi hết khuya cổ áo, tháo thắt lưng và cà vạt cho thoải mái. Sau vài tiếng thì gọi bệnh nhân dậy cho ăn sữa hoặc cháo. Nếu bệnh nhân có biểu hiện co giật, thở không đều, chân tay co quắt, ngã chảy máu tai, loạn nhịp tim thì cần đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu, để được điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng hoặc tử vong đáng tiếc.