Nhiều tỉnh trên cả nước, trong đó có TP.HCM có mức sinh quá ít, số con trung bình ở mức “báo động đỏ” chỉ đạt 1,3 con.
Nhiều hệ lụy khi mức sinh quá thấp
TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng Cục dân số KHHGĐ, Bộ Y tế cảnh báo, khi mức sinh xuống quá thấp 1,3 như TPHCM là rất đáng lo ngại. Bởi theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới khi mức sinh giảm xuống ngưỡng 1,3 thì rất khó tăng lên. Mức sinh thấp dưới con số 2 thì dân số đó sẽ không phát triển, dẫn đến một loạt các hệ quả xấu.
Mức sinh hợp lý Đối lập với TP.HCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ, khu vực miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu và các tỉnh Tây Nguyên, 1 số tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung mức sinh lại cao trên 2.5. các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng đa số ở mức sinh 2-2,2. Mức sinh hợp lý là ở mức 1,8-2. |
“Sự ổn định, phát triển dân số thực chất là sự phát triển dân tộc, giống nòi. Nếu quy mô dân số ngày càng thu hẹp lại thì dân tộc ấy, giống nòi ấy cũng ngày càng thu hẹp . Mức sinh thấp khiến TPHCM đối mặt với nguy cơ già hóa dân số, thiếu hụt lực lượng lao động, nhiều vùng sẽ chỉ còn người già, trẻ em. Việc tỷ suất sinh thấp còn tác động đến vấn đề di cư và chính sách nhập cư. Hiện nay, ở TPHCM rất đông người di cư đến từ châu Phi, từ các quốc gia kém phát triển hơn nên có nguy cơ dẫn tới xung đột văn hóa, an ninh trật tự… “, TS Dương Quốc Trọng nói.
Điều đáng lo ngại là không chỉ có TP.HCM, một số tỉnh khác vùng Đông và Tây Nam Bộ, mức sinh cũng đang khá thấp chỉ như Đồng Tháp 1,57; Cần Thơ 1,58; Cà Mau 1,62; Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu 1,70 …
Sợ bị đuổi việc nhiều phụ nữ không dám sinh con
TS Dương Quốc Trọng lý giải nguyên nhân khiến TPHCM cũng như một số tỉnh khác có mức sinh quá thấp là do phụ nữ hiện nay đang chịu sức ép lớn về việc làm trong quá trình sinh đẻ, nhiều trường hợp bị nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng hoặc sau sinh khó tìm việc mới …
Sức ép này đang đè nặng lên một bộ phận không nhỏ chị em, khiến nhiều chị em không dám có đẻ sau khi kết hôn. Mức độ chia sẻ, gánh vác vai trò của nam giới đối với phụ nữ trong việc sinh đẻ, nuôi dạy con cái còn hạn chế cũng khiến nhiều chị em sợ sinh. Ngoài ra, sức ép về kinh tế, tốc độ hóa đô thị, đặc biệt ở các thành phố lớn, chi phí sinh đẻ, nuôi dạy trẻ em giờ quá cao, nỗi lo về nhà cửa, việc làm cho con sau này … là những yếu tố khiến mức sinh ngày càng thấp.
Vì sợ bị mất việc làm khi mang thai nhiều chị em không dám đẻ (Ảnh minh họa)
Trước tình trạng một số địa phương có mức sinh rất thấp, nhiều ý kiến đưa ra mới đây là nên cân nhắc tăng mức sinh, để người dân đẻ theo ý muốn. Ông Trọng cho rằng, việc này cần xem xét tổng thể và kỹ lưỡng. Tổng cục dân số đã đưa ra 3 "kịch bản": Thứ nhất là để tốc độ sinh tăng cao thì dân số đạt cực đại vào năm 2060 với khoảng 120 triệu dân. Thứ hai là để mức sinh thấp, thì dân số Việt Nam đạt 100 triệu dân năm 2040. Thứ ba là để mức sinh trung bình, mức sinh thấp hợp lý thì quy mô dân số cực đại năm 2050 là 110 triệu.
Phương án thứ nhất không được chọn vì Việt Nam là một trong những nước đông dân, đứng thứ 14 về quy mô dân số nhưng có mật độ thuộc diện cao trên thế giới, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, gấp 1,8 lần Trung Quốc - nước đông dân nhất thế giới. Nếu dân số tăng cao, mật độ tiếp tục tăng, tạo sức ép rất lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội: việc làm, an ninh lương thực, chăm sóc y tế.
Theo Tổng cục dân số, phương án 2 cũng bị loại trừ vì mức sinh thấp sẽ khó vực lại được, rút ngắn thời gian già hóa dân số, tạo ra sức ép về chăm sóc y tế cho người cao tuổi. Theo quy luật, sau khi đạt cực đại, dân số quay đầu giảm. “Bài học của nước bạn Trung Quốc thi hành chính sách một con đã gây ra “căn bệnh” hiện tại là 4-2-1, tức 4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ xoay quanh 1 đứa trẻ. Đứa trẻ như ông vua con đó được 6 người lớn phục vụ hết, có thể trở thành người không biết làm gì, và 20 năm sau chúng sẽ phải quay lại chăm sóc 6 người già. Đây là một thảm họa. Vì thế, chúng tôi đề xuất mức sinh thấp hợp lý, chấp nhận quy mô dân số tăng đến năm 2020 để có cơ cấu dân số hợp lý giữa trẻ em với người lao động và người già", TS Trọng cho biết.
Theo ông Trọng, tốt nhất với các địa phương có mức sinh quá thấp nhà nước nên đẩy mạnh chính sách “khuyến sinh” như thưởng tiền, hỗ trợ việc làm cho những đối tượng sinh 2 con; Làm việc với các cơ sở sử dụng lao động để có sự thay đổi trong chính sách đối với bà mẹ, ông bố khi sinh con’ Miễn phí chi phí sinh đẻ, nuôi dạy con cái đến độ tuổi nhất định; Hỗ trợ kinh tế, nhà cửa, giảm thuế; Kêu gọi vai trò, sự chia sẻ của nam giới; Phát triển các vấn đề về an sinh xã hội, quỹ phúc lợi, giảm các sức ép. Bên cạnh đó, nhà nước có thể thay đổi khẩu hiệu “2 con là đủ” thành “2 con tốt hơn”.