Theo tin mới nhất, 7h sáng nay bão Rammasun ( Thần Sấm) đã mạnh lên cấp 13-14, giật cấp 16 -17 cấp do được bổ sung năng lượng từ nước biển ấm, lệch hướng và có thể đổ bộ vào Quảng Ninh.
Sáng nay (18/7), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp, nghe báo phương án phòng chống bão Thần Sấm (Rammasun).
Ảnh chụp vệ tinh cơn bão Rammasun (Thần Sấm).
Tại cuộc họp, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, 4h sáng nay, bão Thần Sấm ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16, 17 do được bổ sung năng lượng từ nước biển ấm.
“Hiện nay các cơ quan khí tượng dự báo khá thống nhất là bão sẽ đi theo hướng Tây Tây Bắc qua giữa đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu ( Trung Quốc) vào Vịnh Bắc bộ. Khoảng 4 giờ sáng 19/7 bão vào phía Đông Bắc của Vịnh Bắc Bộ, lúc đó cường độ còn mạnh cấp 11-12 và đi lệch một chút về phía Nam. Dự kiến từ trưa 19/7 bão bắt đầu đổ bộ vào TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh với sức gió cấp 10-11 giật cấp 12- 13” – ông Hải nhận định.
Ông Hải cho biết thêm, thông thường với những cơn bão khác khi đi vào biển Đông thường giảm khoảng 2 cấp nhưng với bão Thần Sấm vẫn giữ nguyên cấp. Hiện tại bão đang hồi lại ở cấp 14, giật cấp 16, 17.
Lý giải về hiện tượng này, ông Hải cho rằng, bão Thần Sấm không giảm cấp sau khi vào biển Đông là do ở ngoài mặt nước biển nhiệt độ đang là 31 độ C. Như vậy, với nhiệt độ cao, lượng nước bốc hơi từ mặt biển lên khí quyển sẽ tiếp sức cho cơn bão mạnh lên.
Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TW, bão Thần Sấm là cơn bão mạnh nhất từ năm 2012 đến nay. Bão di chuyển nhanh, hướng đi phức tạp. Khi bão đổ bộ vào đất liền, tâm bão mạnh ở cấp 12 sẽ rất nguy hiểm cho người dân. Với sức gió cấp 12 ở trên biển sóng sẽ cao khoảng 7 m, còn ở đất liền, cây cối sẽ đổ hết. Nhà cấp 4 cũng sẽ bị đổ. Vì vậy, người dân phải hết sức đề phòng.
Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo PCLBTƯ cho biết, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đều đã có lệnh cấm biển từ sáng và đầu chiều 17/7. Riêng Nghệ An cấm biển từ 13h hôm nay.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khuyến cáo về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc.
Chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhận định, bão Thần Sấm là cơn bão rất mạnh, ngay cả khi đi vào đất liền vẫn còn mạnh. Dù bão di chuyển lệch về phía Quảng Ninh nhiều hơn nhưng ông Phát yêu cầu vùng trọng điểm ảnh hưởng trực tiếp của bão vẫn là Quảng Ninh – Hải Phòng và đề nghị Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đưa lực lượng, phương tiện quân đội trực Hải Phòng- Quảng Ninh để sẵn sàng ứng phó.
Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục tập trung kêu gọi tàu thuyền và ngư dân hoạt động trên biển vào bờ trong ngày hôm nay. Đặc biệt, phải vận động, giúp đỡ người lao động ở hàng ngàn lồng bè, chòi canh thủy sản từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh vào bờ tránh bão. Nếu đến 18h ngày hôm nay người nào không vào bờ thì thực hiện cưỡng chế.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, thì nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc có thể xảy ra rất cao. Vì vậy, các địa phương miền núi cần rà soát, di dời dân ở nơi xung yếu.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Thực tế những năm qua cho thấy bão vào thì trên biển, ven biển ít thiệt hại về người, có trận không chết ai nhưng lũ, lũ quét do bão gây ra ở miền núi lại làm chết hàng chục người nên phải hết sức đề phòng”.
Theo kế hoạch, chiều nay đoàn công tác của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ xuống Quảng Ninh chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai phòng chống bão. Theo báo cáo, các tỉnh, thành phố ven biển đã rà soát và có kế hoạch di dời 118.453 người tại các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão. Trong đó: Quảng Ninh 2.259 người, Hải Phòng 21.460 người, Thái Bình 89.086 người, Nam Định: 10.881 người, Ninh Bình 1.286 người. Đến hết ngày 17/7, các tỉnh đã tổ chức di dời 1.492 người (Quảng Ninh 1.342 người; Hải Phòng 150 người). Lực lượng Biên phòng cho biết , tính đến 6h sáng nay (18/7), Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 73.395 tàu, thuyền, lồng, bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản/236.676 lao động biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Đến sáng nay số tàu thuyền hoạt động ven biển và đang di chuyển vào bờ là 1.914 tàu/ 6.775 người. Cụ thể: Quảng Ninh 16 tàu/ 48 người đang trên đường vào đảo Ngọc Vừng, Hải Phòng 152 tàu/ 344 người hoạt động ở cửa sông Văn Úc (Cát Bà, Cát Hải), Thái Bình 23 tàu/ 50 người. |