Trong nhiều vụ việc, dưới định kiến dư luân xã hội, nạn nhân bạo lực tình dục lại được nhìn như tội nhân.
Nhiều phụ nữ đau đớn, ê chề khi bị chính người chồng của mình đánh đập (ảnh: Báo Giao thông)
Nỗi đau ít phụ nữ dám chia sẻ
Theo công bố của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ngày 24/11, hiện có 10% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực tình dục. Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên bên lề Hội nghị Quốc gia về tình dục, sức khỏe và xã hội ngày 28/11, bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến, sức khỏe và dân số cho rằng, con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Bà Tú Anh lý giải, bản thân người bị bạo lực tình dục không nghĩ là họ đang bị bạo lực tình dục, bản thân họ vẫn nghĩ chồng đòi hỏi chỉ là đòi hỏi thôi, không coi đó là bạo lực tình dục, có nhiều người vẫn phải cố “chiều chồng”.
Câu chuyện của một phụ nữ ở Nam Định có một đứa con, gia đình sống bằng nghề mò cua bắt ốc. Vì chồng mong muốn có con trai nên ngày nào anh ta cũng “đòi hỏi”. Nếu không đáp ứng là “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, nên phải cố chiều. Những lúc mệt mỏi, chị không đồng ý thì bị chồng vác dao đuổi đánh.
Một phụ nữ tại Hòa Bình cũng đau đớn kể: “Anh ta thường xuyên say xỉn, đánh tôi và ngay sau đó lại ép tôi quan hệ tình dục. Tôi từ chối, anh ta tiếp tục chửi bới thô tục hơn”.
Một phụ nữ ở Thái Bình kể trong nỗi đau ê chề: “Bất kể ngày hay đêm hễ anh ta về nhà là trống ngực tôi đập dồn dập. Anh ta đè, giật tung quần áo ra ngay cả trước mặt con”.
Từ những câu chuyện đau lòng này, bà Hoàng Tú Anh cho biết, hầu hết người bị bạo lực đều tiết lộ các hành vi thường xảy ra bởi người chồng dùng sức mạnh để gây sức ép, đe doạ buộc họ phải quan hệ tình dục ngoài ý muốn, trong khi đó họ lại có tư tưởng cam chịu: “Đã là phụ nữ thì phải chiều chồng, chồng đòi một tí thì có sao đâu”.
Bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến, sức khỏe và dân số.
Giám đốc Trung tâm Sáng kiến, sức khỏe và dân số cũng cho biết, đây là nỗi đau mà ít phụ nữ dám chia sẻ vì xấu hổ.
“Phụ nữ đang chịu sức ép vô hình từ những quan niệm sai lầm về tình dục ngay cả khi chồng đòi quan hệ nhưng vợ không đồng ý cũng được coi là hành vi bạo lực tình dục)”, bà Hoàng Tú Anh nhận định.
Ngoài ra, cùng với những định kiến và khuôn mẫu giới bất bình đẳng, cộng đồng, gia đình và bản thân nạn nhân đôi khi cũng chấp nhận cam chịu. Nạn nhân phải tự tìm cách đương đầu với hậu quả bạo lực, lạm dụng và quấy rồi tình dục hơn là lên tiếng đòi lại công bằng.
Bạo lực tình dục là tội ác nghiêm trọng
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) nói: “Bạo lực tình dục là tội ác nghiêm trọng chống lại phụ nữ và trẻ em. Nó chà đạp quyền cơ bản nhất của con người là được sống an toàn và được tôn trọng nhân phẩm”.
Bà Hồng cũng lưu ý, bạo lực tình dục xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào chứ không chỉ với những phụ nữ trẻ, ăn mặc gợi cảm hoặc có cử chỉ hớ hênh như nghiều người vẫn lầm tưởng. Nhiều nạn nhân và gia đình phả vật lộn với việc thay đổi sinh kế do phải chuyển nơi sinh sống để tránh bị kì thị. Thậm chí không ít người đã phải tìm đến cái chết để thoát khỏi ám ảnh và bế tắc sau khi bị bạo hành tình dục. Tuy nhiên, trong nhiều vụ việc, dưới định kiến dư luân xã hội, nạn nhân bạo lực tình dục lại được nhìn như tội nhân!
Để chứng minh, bà Hồng dẫn ra thông tin trong số 322 vụ bạo lực tình dục có tới 32% là các vụ bạo lực kép (bị cưỡng hiếp, cướp tài sản, thậm chí bị giết).
“Thực tế vấn nạn bạo lực tình dục xảy ra còn nghiêm trọng hơn rất nhiều những gì chúng ta biết, bởi đa phần vụ việc bị chìm trong yên lặng...”, bà Hồng chia sẻ.
Theo các chuyên gia, chính quan niệm “tình dục là chuyện riêng tư” hay tư tưởng lạc hậu “trọng nam khinh nữ”...là nguyên nhân khiến nỗi đau bạo lực tình dục vẫn còn nhức nhối.
Mặt khác, về thể chế, quy trình tố tụng và thực thi pháp luật chưa bắt kịp với những thay đổi nhanh chóng của xã hội nên chưa thực sự giải quyết bạo lực tình dục một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, sự chậm trễ của cơ quan hành pháp, thái độ bàng quang, dung túng của cán bộ công quyền đã khiến bạo lực và lạm dụng tình dục bị xem nhẹ hoặc rơi vào im lặng.
Trưởng đại diện cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, bà Astrid Bant cũng bày tỏ: “Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái không phải là một căn bệnh mà là vấn nạn. Vấn nạn này xuất phát từ quan niệm của nam giới và trẻ em trai về phụ nữ và trẻ em gái. Vì thế, phải thay đổi cấu trúc quyền lực để đảm bảo rằng có sự bình đẳng thực sự giữ phụ nữ và nam giới”.