Nhiều người dân chia sẻ họ cảm thấy lo lắng khi mùa hè đến, nhu cầu sử dụng điện tăng cao và hoá đơn tiền điện thì ngày một tăng vọt. Trước vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu là ở sự bất hợp lý của biểu giá điện.
Công bố một đằng, tăng một nẻo
Giá điện tăng lên khoảng 8,36% kể từ ngày 20/3, nhiều người dân ở TP.HCM bày tỏ sự lo lắng, kèm với đó là chia sẻ hoá đơn tiền điện của gia đình mình những tháng trước. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng cách tính giá điện này tăng hơn nhiều chứ không chỉ dừng lại ở mức 8,36% như EVN công bố. Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, chị C.N (quận Thủ Đức) bày tỏ: “Cũng là dân phân tích số liệu mà tôi tính mãi không ra, khi số tiền điện trả từ khoảng 700 đến dưới 900.000 đồng những tháng trước mà tháng vừa rồi lên đến 1,3 triệu đồng”.
Bên cạnh đó, anh N.T.H (TP.HCM) cũng lo lắng trước sự nhảy múa của giá điện. Anh cho biết, gia đình anh gồm 4 người, không kinh doanh, chỉ sử dụng điều hoà, quạt, máy giặt, tivi, tủ lạnh mà tháng này tiền điện cũng lên tới cả triệu đồng. Trong khi đó, tháng trước anh chỉ mất vài trăm nghìn. Nếu tính theo giá điện bán lẻ bình quân như hiện nay thì không chỉ riêng gia đình anh, mà nhiều hộ dân khác cũng phải trả phí điện sinh hoạt ở mức cao. Như vậy là không hợp lý.
Cùng chung sự lo lắng, chị Đỗ Trang Ngân (Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Giá điện tăng ảnh hưởng rất lớn đến tất cả mọi người, đặc biệt là những công nhân như chúng tôi. Trời nóng, đi làm về mệt mỏi chỉ muốn mở điều hòa ngay cho mát. Nhà tôi ở 2 chị em, nấu nướng, quạt, điều hòa,... toàn bộ đều dùng điện, trung bình mỗi tháng mùa đông thì hết khoảng 250-300.000 đồng, mùa hè thì dao động khoảng 600.000 đồng, tháng nào cao lắm thì 800.000 (tháng 7, tháng 8 năm ngoái).
Vậy mà, vừa rồi thanh toán tiền điện tháng 3 hết gần 1 triệu đồng, hai chị em nhận hóa đơn mà hoảng hốt. Thấy bảo giá điện tăng theo định mức mới, tuy nhiên tăng như vậy là rất cao so với khả năng chi trả của những người mới đi làm như chúng tôi. Giờ mới đầu hè đã thế chứ vào hè như tháng 6, 7 năm ngoái thì tiền còn lên bao nhiêu nữa. Tăng giá cao như vậy khiến chị em tôi rất lo lắng”.
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng biểu giá điện hiện nay bất hợp lý.
Trong khi đó, bà Hà Thị Núi (52 tuổi hộ bán hàng nhỏ tại đường Hoàng Đạo Thuý, Hà Nội) chia sẻ: “Điện tăng giá gây khá nhiều khó khăn cho chúng tôi, buôn bán chẳng được mấy đồng chỉ cắm mỗi lò và quạt cho khách mà thường mỗi tháng hết đều đặn tầm 600.000 đồng, thế mà tháng này đã 900.000 đồng rồi. Vẫn biết tăng điện là do quy định chung, nhưng mong là mức tăng phù hợp vì bao nhiêu năm vẫn sản xuất điện như vậy mà giá ngày một tăng cao, hộ buôn bán chúng tôi phải đắn đo nhiều hơn”. Nhiều người băn khoăn và bày tỏ sự lo lắng về giá điện bình quân hiện nay đang gây thiệt thòi cho người sử dụng.
Điểm bất hợp lý
Chị Thùy Linh (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mặc dù biết thông tin tăng giá điện thêm 8,36% từ ngày 20/3 nhưng chị không nghĩ hóa đơn tiền điện lại nhảy vọt như vậy. Bởi trước đó, theo tính toán của bộ Công Thương, với việc điều chỉnh tăng thêm 8,36%, khách hàng hộ gia đình sử dụng dưới 50kWh mỗi tháng sẽ chỉ phải trả thêm khoảng 7.000 đồng; khách hàng sử dụng 51- 100kWh sẽ phải trả thêm khoảng 14.000 đồng; từ 101-200kWh phải trả thêm 31.000 đồng; 201-300kWh phải trả thêm trung bình khoảng 53.000 đồng; khách hàng sử dụng trên 400 kWh phải trả thêm từ 77.200 đồng/tháng.
Giải thích về việc hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt, đại diện tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tháng 3 và 4 tại miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nồm với độ ẩm cao và có ngày đã bắt đầu nắng nóng trên 30 độ C. Từ đó dẫn đến nhu cầu sử dụng điện của khách hàng dùng cho thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là máy lạnh tăng cao. Đơn vị này cũng dẫn một lý do khác là số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày, kéo dài từ ngày ghi chỉ số tháng 2 đến ngày ghi chỉ số tháng 3).
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nguyên nhân của việc tăng giá điện vừa qua ngoài những lý do trên thì chủ yếu là sự bất hợp lý của biểu giá điện. Ngoài mức tăng bình quân 8,36% thì giá điện chênh nhau giữa các bậc là không hề thấp. Cụ thể giá điện từ bậc 2 lên bậc 3 tăng đến 16,15%, giá điện sinh hoạt từ bậc 3 lên bậc 4 tăng gần 25,92%, từ bậc 4 lên bậc 5 tăng 11,75%.... Càng dùng nhiều điện mức chi trả càng cao.
Chỉ ra điểm bất hợp lý của biểu giá điện 6 bậc hiện nay, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết, chỉ có giá điện bán lẻ sinh hoạt bậc 1 (từ 0 -50kWh) và bậc 2 (từ 51-100kWh) là thấp hơn so với giá điện bán lẻ bình quân (1.864 đồng/kWh), còn lại từ bậc 3 đến bậc 6, giá điện bán lẻ lại cao hơn nhiều so với giá điện bình quân. Trong khi đó, hầu hết các hộ gia đình đều phải sử dụng điện trong mức từ trên 100kWh trở lên, nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay.
Với biểu giá 6 bậc như hiện nay thì người hưởng lợi chính là ngành điện. Chính vì thế, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, cần phải xây dựng lại biểu giá điện phù hợp hơn. “Nguyên nhân vì sao giá điện lại tăng đến như vậy, theo tôi có 3 nguyên nhân: Thứ nhất, do giá bán lẻ bình quân tăng lên 8,36%, thứ hai do mùa nắng nóng người dân dùng nhiều điện hơn, nhưng nguyên nhân cuối cùng, cũng là nguyên nhân cốt lõi nhất đó là biểu giá điện hiện nay bất hợp lý”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.
Cũng theo ông Long, bất hợp lý là ở biểu giá điện chứ không phải ở cách tính giá điện. Biểu giá điện này có từ năm 2014, sau một vài năm sử dụng người ta thấy bất hợp lý, yêu cầu phải sửa đổi nhưng họp 1, 2 năm không thay đổi. Bộ Công Thương cần phải xem xét lại, cách tính lại biểu giá điện cho phù hợp.