Dù có gia cảnh hết sức khó khăn nhưng khi nhặt được số tiền lớn, Dân An đã không tham lam giữ làm của riêng mình mà tìm và trả lại người đánh mất.
Nguyễn Dân An - học sinh lớp 6A10, trường THCS Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mới đây khi tan học đã nhặt được chiếc ví bên trong có 70 triệu đồng. Sau đó, em đã tìm bằng được chủ nhân thật sự của chiếc ví và trả lại.
Với hành động đẹp đó, em được tuyên dương toàn trường và nhận được giấy khen "Người tốt việc tốt" do UBND quận Bắc Từ Liêm trao tặng. Điều khiến mọi người trân trọng và xúc động hơn cả chính là Dân An có hoàn cảnh gia đình khó khăn và éo le nhưng em đã không tham lam giữ lấy số tiền đó làm của riêng mình.
Cậu bé Dân An, người vừa có hành động đẹp nhặt được của rơi trả người đánh mất số tiền lớn.
Nhiều người không phải tiền của mình nhưng nổi lòng tham muốn nhận
Chiều một ngày giữa tháng 4/2020, chúng tôi tìm đến căn nhỏ của Dân An ở phường Cổ Nhuế 1, khi hỏi người dân về câu học trò này không ai là không biết. Nơi Dân An và gia đình sinh sống chỉ rộng khoảng 30m2, ngôi nhà cũ, chật hẹp, trong nhà cũng chẳng có đồ vật gì giá trị.
Chị Chu Thị Hoài Thu (mẹ của Dân An) cho biết, dù nhà chật hẹp nhưng sống mãi thành quen nên 3 mẹ con cứ dựa vào nhau sống suốt hơn 10 năm qua. Các con chị cũng chẳng bao giờ ca thán nửa lời.
Ngoài Dân An, chị Thu còn một con trai nữa hiện đang học lớp 11, còn chồng chị đã mất cách đây 11 năm, khi Dân An còn chưa chào đời. Suốt 11 năm qua, chị Thu ở vậy nuôi con khôn lớn, trưởng thành và dạy con những điều hay, lẽ phải và mong muốn sau này lớn lên các con sẽ là người có ích cho xã hội.
An cho rằng việc làm của mình là nhỏ bé, không có gì đáng để nhắc tới.
Chia sẻ về hành động nhặt được của rơi trả người đánh mất, Dân An bịn rịn ngồi bên cạnh mẹ, ngượng ngùng nói: “Chuyện có gì đâu ạ. Đó không phải tiền của cháu, cháu phải trả lại thôi”.
An kể rằng, sự việc đó đã xảy ra vài ngày trước khi giờ tan học buổi trưa trên đường về nhà, em thấy một chiếc ví màu đen nằm ở lề đường. Khi nhặt chiếc ví lên An không mở ra xem mà đừng tại chỗ chờ một lúc xem có ai đến tìm không.
Chờ mãi chẳng thấy ai đi tìm, cậu học trò nhỏ quyết định mở chiếc ví xem bên trong có gì. Thật bất ngờ, An thấy trong có rất nhiều tiền và cả giấy tờ quan trọng mang tên Nguyễn Thị Thỏa. “Khi thấy số tiền lớn ấy, cháu cũng không có đếm mà hồi hộp, lo lắng và suy nghĩ nhất định phải trả người mất”, An chia sẻ.
An kể rằng, có không ít người khi biết em nhặt được ví đã nhận là của mình.
Do có giấy tờ tùy thân của người mất ví nên An quyết định hỏi thăm để tìm người mất trả lại. Dọc tuyến đường An đi, trong khi hỏi thăm đường, có nhiều người biết em nhặt được ví nên đã nhận là của mình. Tuy nhiên, khi An hỏi thông tin trong giấy tờ và so mặt thì không khớp nên em đã không trao trả.
Không bỏ cuộc, An tiếp tục tìm kiếm và cuối cùng đã tìm được chủ nhân của chiếc ví là bà Nguyễn Thị Thỏa, khi đó cũng đã đi tìm đồ vật mình đánh rơi. “Khi gặp bác ấy, cháu phải so sánh, đối chiếu thông tin ở chứng minh thư, đối chiếu khuôn mặt và thấy đúng là người trong hình thì mới trao trả”, Dân An kể lại.
Ngay khi nhận được tài sản của mình với số tiền hơn 70 triệu và nhiều giấy tờ quan trọng khác, bà Thỏa đã tặng tiền và quà cho Dân An. Thế nhưng cậu học trò nhỏ nhất định từ chối tiền mặt, em chỉ nhận chiếc cặp sách mới và đôi giày thể thao để làm hành trang đến trường hàng ngày.
Nén nỗi đau mất chồng để sinh con và nuôi con khôn lớn
Ngồi bên cạnh con trai, khi được hỏi về hành động đẹp của con, chị Chu Thị Hoài Thu trả lời ngắn gọn: “Đó là việc nên làm”. Người mẹ này cho rằng, dù gia đình khó khăn, nhưng vẫn phải cố gắng vươn lên bằng sức lao động của mình, chứ không thể lấy của người khác để làm của riêng mình.
Chị Thu hạnh phúc khi thấy con trai mình làm được điều tốt, có ích cho xã hội.
Chia sẻ về cuộc sống của 3 mẹ con, chị Thu tâm sự rằng, từ khi chồng mất cuộc sống chị gặp nhiều khó khăn khi chị vừa phải làm mẹ, vừa thay trách nhiệm làm cha. Bản thân chị rất thương Dân An, vì từ khi chào đời An đã không còn được nhìn thấy mặt cha.
Cách đây 11 năm, khi đó chị Thu đang mang thai Dân An tháng thứ 8, trong một lần bị cảm chồng chị đã mãi mãi ra đi. Chồng mất, đứa con đầu lên 5, đứa thứ 2 vẫn đang trong bụng, chị Thu đau đớn vô cùng, nhưng rồi chị phải gượng dậy, nén nỗi đau vào trong để gắng gượng nuôi 2 con khôn lớn đến ngày hôm nay.
Anh là cậu bé bị thiệt thòi từ khi sinh ra khi không có tình thương của bố.
“Chồng mất, rồi bố mẹ chồng cũng mất sớm, tôi thương các con tôi còn nhỏ mà đã thiếu thốn tình cảm của những người thân yêu, ruột thịt. Các con chỉ còn mẹ là chỗ dựa duy nhất, vì thế tôi dành tất cả mọi thứ cho con, nuôi dạy con.
Cũng có người hỏi tôi, còn trẻ sao không đi bước nữa để có người cùng chăm lo cuộc sống, sẻ chia những vui buồn. Bản thân tôi chưa bao giờ có suy nghĩ này, điều quan trọng nhất với tôi là nuôi và dạy hai con khôn lớn, trưởng thành. Đó mới là niềm vui, niềm hạnh phúc nhất cuộc đời tôi”, chị Hoài Thu chia sẻ.
Nhìn vào những tấm giấy khen của nhà trường cùng lãnh đạo các cấp tặng cho An do có hành động đẹp “Nhặt được của rơi trả lại người đánh mất”, ánh mắt chị Thu lại sáng lên niềm vui, sự xúc động và tự hào. Chị nói rằng, đó chính là món quà lớn nhất và chứng tỏ điều mình dạy con bấy lâu về đức tính thật thà, trung thực đã biến thành việc làm tốt và được mọi người ghi nhận.
Hành động đẹp của An được bạn bè, thầy cô tuyên dương và được chính quyền khen thưởng.
Thầy giáo Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng trường THCS Cổ Nhuế 2 cho biết, hành động của Dân An là một bài học đạo đức thực tế về tính trung thực, thật thà đáng quý cần được lan tỏa.
“Bản thân tôi cảm thấy vô cùng vui mừng khi nhận được thông tin này. Với số tiền lớn như vậy, nhưng An không hề mảy may muốn giữ lại cho riêng mình mà nóng lòng muốn tìm cách trả lại người đánh mất. Đây thực sự là tấm gương điển hình về sự tử tế cần lan tỏa để cho thầy trò và xã hội noi theo”, thầy Tuấn nói.