“Mẹ đẻ của bé Ngân có thể bị áp dụng biện pháp xử lý không được phép trông nom, chăm sóc, giáo dục bé Ngân hoặc đại diện hợp pháp cho bé Ngân trong thời hạn từ 1 năm đến 5 năm”.
Bé Nguyễn Thị Kim Ngân (4 tuổi, ở Bình Dương) bị mẹ ruột và cha dượng đánh đập, tra tấn dã man khiến rất nhiều người tỏ ra bức xúc về cách “dạy con” đầy bạo lực này. Rất may, bé Ngân đã được những người hàng xóm cứu giúp và hiện đang được điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương với rất nhiều thương tích trên cơ thể. Và cơ quan CSĐT công an thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã quyết định tạm giữ hình sự Đỗ Trọng Minh (27 tuổi, ngụ TP Biên Hoà, Đồng Nai) và Nguyễn Thị Thuỳ Trang (26 tuổi, quê Vĩnh Long) để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi của 2 đối tượng này.
Liên quan đến vụ việc này, Chúng tôi đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội.
Bé Nguyễn Thị Kim Ngân hiện đang được theo dõi tại bệnh viện đa khoa Bình Dương.
PV: Với hành vi đánh đập, hành hạ dã man bé Ngân của đối tượng Minh và Trang, họ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh gì? Mức án thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo như thông tin ở trên thì, trước tiên hành vi của Minh và Trang có dấu hiệu trực tiếp xâm phạm quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình, hình phạt được quy định như sau:
"Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm."
Hành vi “ngược đãi” được hướng dẫn cụ thể tại Điểm 7.1 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC: “7.1. Hành vi ngược đãi, hành hạ thông thường được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm,... làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần.”
Hành vi này không chỉ được quy định tại Hiến pháp mà nó được quy định cụ thể trong Luật hôn nhân và gia đình: “Cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con, ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con” (khoản 2 Điều 34).
Trường hợp trên, hai đối tượng Minh và Trang đã có hành vi ngược đãi, đánh đập đối với cháu Ngân – chính là con ruột của mình, dẫn đến những thương tích và tổn hại cả về sức khỏe và tinh thần cho cháu Ngân. Hành vi này của hai đối tượng trên cần phải điều tra, xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự.
Nếu trong quá trình điều tra, xác minh mà có căn cứ xác định hành vi của những đối tượng trên có thể dẫn đến hậu quả chết người, họ biết hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng vẫn thực hiện hành vi đánh đập, hành hạ và sẵn sàng đón nhận hậu quả chết người có thể xảy ra thì có thể xử lý về tội giết người (chưa đạt, đã hoàn thành) theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự. Hành vi ngăn cản mọi người cứu giúp là căn cứ để điều tra theo hướng này.
PV: Đối tượng Trang đã có hành vi đánh đập con gái ruột dã man. Theo Luật sư, Trang có bị truất quyền nuôi con sau này không?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định tại Điều 41 Luật hôn nhân gia đình thì: “Khi cha, mẹ đã bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; phá tán tài sản của con; có lối sống đồi trụy, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì tùy từng trường hợp cụ thể Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 42 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ một năm đến năm năm.”
Ứng với trường hợp trên, Minh và Trang do có hành vi bạo hành đối với bé Ngân nên ngoài trách nhiệm pháp lý như đã nêu ở trên, mẹ đẻ của bé Ngân có thể bị áp dụng biện pháp xử lý không được phép trông nom, chăm sóc, giáo dục bé Ngân hoặc đại diện hợp pháp cho bé Ngân trong thời hạn từ 1 năm đến 5 năm. Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con và quản lý tài sản riêng của Ngân được giao cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật hôn nhân gia đình. Minh và Trang mặc dù đã bị Tòa án hạn chế quyền đối với bé Ngân nhưng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Đồng thời, tại Điều 10, Thông tư số 23/2010 quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục có nêu rõ quá trình giúp trẻ em thoát khỏi nạn bạo hành sau khi được can thiệp:
Điều 10. Rà soát, đánh giá nguy cơ sau can thiệp, trợ giúp và báo cáo kết quả can thiệp, trợ giúp:
1. Cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã chịu trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tiến hành rà soát, đánh giá nguy cơ đối với trẻ sau khi thực hiện hoạt động can thiệp, trợ giúp.
2. Việc đánh giá nguy cơ đối với trẻ sau khi thực hiện kế hoạch can thiệp, trợ giúp nhằm đưa ra các nhận định, kết luận về tình trạng của trẻ, làm cơ sở đề xuất các giải pháp tiếp theo:
a) Nếu trẻ không còn nguy cơ bị bạo lực, bị xâm hại tình dục, các yếu tố về thể chất, tâm lý, nhận thức và tình cảm của trẻ ổn định, cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã lưu hồ sơ và báo cáo theo quy định;
b) Nếu trẻ vẫn có nguy cơ bị bạo lực, bị xâm hại tình dục hoặc các yếu tố về thể chất, tâm lý, nhận thức và tình cảm của trẻ chưa ổn định, cần tiếp tục rà soát, đánh giá nguy cơ, kết quả can thiệp, trợ giúp lần trước và xây dựng kế hoạch can thiệp trợ giúp tiếp theo.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
PV: Trên thực tế từ trước đến nay đã xảy ra rất nhiều vụ việc liên quan tới vấn nạn bạo hành trẻ em. Vậy theo Luật sư, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau lòng này ở nước ta?
Luật sư Đặng Văn Cường: Từ đầu năm đến nay, qua báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta đã bao phen phẫn uất với những vụ bạo hành trẻ em đủ mọi lứa tuổi. Chưa bao giờ dư luận xã hội lại thấy bức xúc trước vấn nạn bạo hành trẻ em như lúc này. Có một điều không thể phủ nhận là, những đứa trẻ bị bạo hành chịu ảnh hưởng rất lớn về tinh thần lẫn thể chất.
Chiếu theo công ước về Quyền trẻ em, Luật Chăm sóc bảo vệ trẻ em Việt Nam nhiều nghiên cứu, thống kê liên quan bạo lực trẻ em đã được đưa ra. Mới đây, tháng 4.2014 tổng cục thống kê dưới sự trợ giúp của tổ chức Unicef đã công bố số liệu khiến dư luận phải giật mình, gần 75% số trẻ em từ 2-14 tuổi ở Việt Nam từng bị cha mẹ, người chăm sóc và các thành viên khác trong gia đình bạo hành.
Chúng ta có thể kể đến một số vụ bạo hành mà nạn nhân đáng thương chính là các em nhỏ:
Hà Nội: Em Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ quán phở trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân dùng nhục hình, đánh đập từ lúc 10 tuổi đến nay.
TP.HCM:
+ Em Hồ Thị Bông (9 tuổi) bị mẹ nuôi bắt đi ăn xin. Do không kiếm đủ số tiền như quy định, Bông đã bị bà mẹ này đổ nước sôi lên người làm phỏng nặng.
+ Em Nguyễn Hữu Lợi (9 tuổi) bị mẹ nuôi dùng roi đánh khắp người và búa đánh vào đầu chỉ vì ăn hết thức ăn để phần đến chiều.
Đồng Tháp: Bé Như Ý mới 9 tháng tuổi đã bị cha dượng đánh đập dã man trong khi mẹ ruột dùng điện thoại quay phim lại. Giám định pháp y kết luận Như Ý bị nhiều sẹo và vết thương phần mềm ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ, tỉ lệ thương tật 25%, loại thương tật vĩnh viễn.
Đây là những sự việc đau lòng, điển hình cho nạn bạo hành trẻ em đang diễn ra hiện nay. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bạo hành trên?
Thứ nhất, đó là quan niệm của người lớn về giáo dục trẻ bằng roi chính là mắt xích gây ra những sự việc này. Cách giáo dục, dạy dỗ kiểu này đã rất lạc hậu so với sự phát triển, văn minh của xã hội hiện thời. Chính sự thiếu hiểu biết và lạm dụng quyền làm bố mẹ của người lớn đã gây tổn hại đến trẻ nhỏ. Từ quan niệm “Phải đánh mới nên người”, nhiều bậc cha mẹ đánh đòn con mình như một biện pháp trừng phạt giúp trẻ không mắc lỗi lần sau. Ngoài ra, trong vụ án trên còn có thể do sự thiếu văn hóa, "giận cá, chém thớt" của người đàn bà độc ác đó, sự vô cảm vô tâm, thiếu nhân cách của hai con người đó cũng là lý do trực tiếp dẫn đến hậu quả đáng lên án như vậy.
Thứ hai, có thể hình phạt theo quy định hiện nay chưa đủ răn đe những người có hành vi bạo lực đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là đối với con cái trong gia đình như Điều 151 Bộ Luật hình sự quy đinh: “Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”. Mức án như vậy là chưa phù hợp, chưa đủ răn đe với những hành vi tàn bạo như trên. Pháp luật về bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống, chưa có quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng… Vì vậy, nếu hậu quả nghiêm trọng, xác định rõ mục đích của hành vi phạm tội thì có thể chuyển sang tội danh cố ý gây thương tích hoặc tội giết người thì mới có mức hình phạt tương xứng, đủ sức răn đe, phòng ngừa giáo dục với các đối tượng trên và phòng ngừa chung cho xã hội.
Thứ ba, mặc dù đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhưng thực hiện chưa nghiêm túc. Tiếng nói và cách xử lý của chính quyền với các vụ cha, mẹ bạo hành con cái còn yếu. Cùng với thái độ thờ ơ, vô cảm của cộng đồng đã dẫn tới nhiều trẻ em bị bạo lực nhiều lần. Thực tế có những hành vi gây hậu quả khá nghiêm trọng mà vẫn không bị xử lý trong khi Nghị định 167/2013 NĐ-CP đã quy định mức phạt rất cụ thể.
Thứ tư, môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo lực trẻ em như: cha mẹ bị cuốn vào tệ nạn xã hội, nghiện hút, cờ bạc, rượu chè; cha mẹ mâu thuẫn hoặc ly hôn, lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với con cái. Sự lan truyền của văn hoá bạo lực, đồi truỵ qua nhiều kênh, đặc biệt là qua Internet… dẫn đến các hành vi, hành xử tiêu cực, bạo lực mà nạn nhân thường là trẻ em và lẽ tất nhiên sẽ tác động tới tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách của trẻ em.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ hoàn cảnh gia đình: Gia đình nghèo, kinh tế khó khăn sẽ gây ra nhiều áp lực, căng thẳng, bế tắc, dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình, "ngứa ghẻ, hờn ghen", "giận cá, chém thớt", ích kỉ, thiển cận của cha mẹ khiến hậu quả trẻ em phải hứng chịu.
PV: Theo Luật sư, Nhà nước nên có biện pháp, chế tài gì để có thể ngăn chặn, loại bỏ được vấn nạn bạo hành gia đình, bạo hành trẻ em?
Luật sư Đặng Văn Cường: Để hạn chế tiến tới ngăn chặn, loại bỏ bạo lực gia đình, bảo vệ bà mẹ, trẻ em.... có thể thực hiện một số giải pháp sau:
+ Các cơ quan, tổ chức, đoàn thể chức năng cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng pháp luật về chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em nói chung và phòng chống bạo hành trẻ em nói riêng đến mọi vùng miền đất nước, đến từng gia đình, nhà trường, khu dân cư.
+ Với từng vụ bạo hành, vi phạm quyền trẻ em, các cơ quan chức năng cần xử lý toàn diện, tận gốc. Việc xét xử lưu động các vụ án cha mẹ vi phạm nghĩa vụ của mình đối với con cái, đồng phạm (giúp sức...) với những người khác bạo hành con mình cần được thực hiện thường xuyên nhằm mục đích phòng ngừa chung đối với xã hội.
+ Các cơ quan chức năng, đoàn thể nên có những biện pháp giáo dục, xóa bỏ tư tưởng ở một số bộ phận gia đình coi con cháu như là một cái gì đó thuộc “quyền sở hữu” của mình, coi việc giáo dục con cái bằng roi vọt là biện pháp hiệu quả nhất.
+ Cần xem xét cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và người đứng đầu như: Ủy ban dân số - gia đình và trẻ em, cơ quan lao động – thương binh và xã hội, ủy ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc các cấp nơi xảy ra nạn bạo hành trẻ em, chứ không chỉ là kết luận, kiểm điểm chung chung.