Thấy con chậm phát triển, ăn hay nôn trớ người mẹ đưa đi khám những không tìm được nguyên nhân, đến 17 tháng đưa đến viện nhi làm xét nghiệm mới biết con mắc bệnh hiếm.
Sau nhiều năm lấy nhau anh Nguyễn Hoàng Tuấn và chị Lê Thị Phúc (ở Hà Nội) mới có một cô con gái, nhưng niềm vui được làm cha, làm mẹ của vợ chồng chị Phúc đã không trọn vẹn vì con mắc bệnh hiếm gặp. Do phát hiện muộn nên hiện tại cháu bé đã có những tổn thương ở não.
Chị Phúc cho biết, con gái chị tên là Phương Anh (17 tháng tuổi), khi sinh ra cháu hoàn toàn bình thường, nhưng càng lớn Phương Anh phát triển vận động càng kém, như 5 tháng tuổi mới biết hóng chuyện, 9 tháng tuổi mới biết ngồi…
Các bệnh nhi và gia đình được bác sĩ chuyên khoa Nội tiết tư vấn về cách chăm sóc, điều trị bệnh .
Đặc biệt, khi ăn cháu thường xuyên nôn trớ và thỉnh thoảng lại xuất hiện những con co giật, tím tái.
Thấy con có biểu hiện bất thường, lúc đầu chị Phúc chủ quan nghĩ rằng đứa trẻ nào cũng vậy, sau đó chị có đưa con đi khám dinh dưỡng, thần kinh tới phục hồi chức năng những đều không tìm ra nguyên nhân.
Mới đây, khi được bạn bè giới thiệu chị Phúc mới đưa con đến Trung tâm sàng lọc sơ sinh và quản lý các bệnh hiếm, Bệnh viện Nhi Trung ương để kiểm tra tổng thể. Tại đây, hai vợ chồng chị Phúc ngã ngửa khi biết con mắc bệnh Phenylketone niệu (PKU), một trong các bệnh rối loạn chuyển hoá axit amin.
TS.BS Vũ Chí Dũng – Phụ trách Trung tâm sàng lọc sơ sinh và quản lý các bệnh hiếm cho biết, trường hợp cháu Phương Anh các bác sĩ rất lấy làm tiêc, vì cháu được chuẩn đoán muộn, nên não xuất hiện những tổn thương và cần phải điều trị lâu dài, cơ hội hồi phục 100% là rất khó.
TS Dũng cho biết, căn bệnh bé Phương Anh hầu như không thể chẩn đoán trong thời kỳ mang thai, trừ trường hợp có các yếu tố nguy cơ rõ ràng, vì thế, việc chẩn đoán sớm bệnh sau khi sinh cũng khó khăn.
Lấy máu gót chân để chẩn đoán và sàng lọc các căn bệnh ngay từ khi mới chào đời.
“Hiện có tới 7000 bệnh di truyền hiếm gặp nhưng không phải tất cả bệnh lý của thai nhi đều được phát hiện từ trong bụng mẹ.
Trẻ mắc các bệnh này sinh ra thường không có biểu hiện gì cho đến khi bắt đầu tiếp nhận các chất dinh dưỡng từ bên ngoài. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến bệnh được phát hiện muộn và hầu hết đều không thể cứu sống”, TS Dũng cảnh báo.
TS Dũng chỉ dẫn các triệu chứng khi mắc phải căn bệnh này có thể bao gồm, co giật, buồn nôn và nôn, ban đỏ giống bệnh eczema, da và tóc nhạt màu hơn so với những người trong gia đình, hành vi hung hăng hoặc tự gây thương tích, tăng động và đôi khi có các triệu chứng tâm thần.
Trẻ không được điều trị thường cơ thể có mùi hôi như chuột và nước tiểu có mùi do xuất hiện sản phẩm phụ của phenylalanin (axít phenylacetic) trong nước tiểu và mồ hôi.
Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu trên, cần phải đưa đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa, từ đó trẻ được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.
TS Dũng cũng cho biết, cách phát hiện những căn bệnh hiếm gặp hiện nay là sau khi trẻ sinh ra, cần phải lấy máu gót chân trong vòng 36-72 giờ đầu để xét nghiệm, từ đó có thể sàng lọc, phát hiện sớm và có hướng điều trị kịp thời cho trẻ.
>>XEM THÊM|: Bé trai 27 tháng tưởng bị bệnh da liễu đơn giản, không ngờ mắc bệnh hiếm gặp