Bùi Đăng Tuấn, 14 tuổi, ở huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk được phát hiện có ổ áp-xe lớn trong não. Việc điều trị tưởng chừng đi vào ngõ cụt nhưng sau đó em đã được cứu sống mà không cần phẫu thuật.
Ông Bùi Đăng Chính, ông nội của bé Tuấn cho biết, khi bé Tuấn được 1 tuổi đã phát hiện bị tim bẩm sinh nhưng từ đó đến nay vẫn sinh hoạt, đi học bình thường. Thời gian gần đây, cháu Tuấn bỗng dưng đau đầu dữ dội, sốt cao và được chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương.
Các bác sĩ đã chẩn đoán cháu bị áp-xe não và điều trị một tháng nhưng cháu vẫn sốt, đau đầu. Bệnh viện cũng có hội chẩn ngoại định mổ nhưng do cháu quá yếu, lại bị tim bẩm sinh nên không thể mổ được.
Thấy con chữa mãi không đỡ, gia đình mới xin cho con về nhà người quen ở tạm Hưng Yên. Được 2 ngày, cháu lại sốt cao, đau đầu, nôn liên tục và chuyển lên khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.
Ngày 1/10, PGS-TS.Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoa đã tiếp nhận bệnh nhân Bùi Đăng Tuấn trong tình trạng sốt cao liên tục, đau đầu dữ dội, cả đêm không ngủ được mà chỉ nằm co quắp ôm lấy đầu.
Nhìn hình ảnh phim chụp cho thấy rõ ổ áp-xe lớn trong não tồn tại gần 2 tháng, kích thước khoảng 4cm-5cm. Khoa Nhi đã hội chẩn với khoa Ngoại 2 lần để xem có thể can thiệp mổ, dẫn lưu ổ áp-xe nhưng không được vì trẻ có tiền sử bệnh tim. Trước đó từng được gây mê để chuẩn bị mổ, nhưng bị rối loạn nhịp tim nên không thể phẫu thuật, chỉ có thể để lại chữa bằng thuốc.
Sau 1 tháng điều trị tích cực, Tuấn đã có thể xuất viện. Ảnh: Hà Linh.
“Khoa Nhi đã quyết định thay đổi chiến lược điều trị. Thứ nhất là dùng kháng sinh chuẩn, vì đã chữa trị hơn 1 tháng nên nếu làm các xét nghiệm thì cũng không thể tìm thấy vi khuẩn. Vì thế, phải khám kỹ, tiên lượng xem có thể do vi khuẩn gì. Ngoài tim bẩm sinh, các bác sĩ phát hiện trẻ còn bị viêm xoang mãn tính. Điều này đặt giả thiết ngoài vi khuẩn thông thường trong bệnh não, vi khuẩn có thể từ xoang đi lên não.
Chúng tôi đã dùng kết hợp 3 loại kháng sinh để cùng lúc diệt được hầu như tất cả các loại vi khuẩn. Theo dõi trẻ từng ngày, từng giờ, cách 3 giờ lại đo nhiệt độ 1 lần. Bên cạnh đó cần tính toán liều lượng cho phù hợp với thân thể gầy gò của trẻ, dù 14 tuổi nhưng chỉ nặng 24kg kèm theo nuôi dưỡng cho trẻ khỏe lên, chống phù não”, TS. Dũng chia sẻ.
Áp dụng phác đồ điều trị này, trong tuần đầu diễn biến bệnh của trẻ giảm chậm. Các bác sĩ khoa Nhi lại tiếp tục hội chẩn lần 2 với khoa Ngoại xem có mổ được không, nhưng sợ tử vong nên không thể mổ. Tuy nhiên, đến ngày thứ 10 tình trạng bệnh bắt đầu khá hơn, bệnh nhi đỡ đau đầu, đỡ sốt. Sau 1 tháng điều trị tích cực, đến nay trẻ có thể xuất viện, đi lại bình thường và ổ áp-xe chỉ còn hơn 1cm, sẽ tự tiêu cùng với thời gian.
Theo y văn thế giới, những ổ áp-xe quá 2 tuần thì phải phẫu thuật kết hợp điều trị nội khoa, dù vậy tiên lượng cực kỳ nặng, cứu sống rất khó. Trong khi trường hợp này ổ áp-xe đã gần 2 tháng, TS. Dũng cho biết.
Theo TS. Dũng, có nhiều nguyên nhân gây ổ áp xe ở não, ở trẻ này chủ yếu là do 3 nguyên nhân: Tim, tình trạng nhiễm trùng chung và ổ xoang mãn tính. Với trường hợp này lúc đầu các bác sĩ cực kỳ bi quan vì phân loại áp-xe của thế giới những trường hợp nào quá 14 ngày rất khó chữa, ca này kỷ lục 2 tháng. Việc quyết định không mổ ổ áp-xe là quyết định cực chẳng đã, do thể trạng của trẻ quá yếu, tim bẩm sinh nặng với nhiều dị tật, không bác sĩ nào dám phẫu thuật, gây mê sợ tử vong. Để chữa triệt để cho trường hợp này, trẻ cần được mổ để sửa dị tật tim bẩm sinh.