Mới đây, bệnh nhân số 17 lại trở thành tâm điểm chú ý khi xuất hiện trong một bài báo trên tờ The New Yorker của Mỹ nói về việc bị cộng đồng mạng trong nước công kích khi nhiễm Covid-19.
Bài báo về bệnh nhân 17 khiến cư dân mạng Việt bức xúc
Ngày 21/9, tờ The New Yorker - một tạp chí khá nổi tiếng tại Mỹ về các vấn đề xã hội - đã có bài viết về vấn nạn "ném đá cộng đồng trong đại dịch", trong đó đăng tải nhiều nội dung phỏng vấn bệnh nhân thứ 17 của Việt Nam.
Câu chuyện về bệnh nhân số 17 nhiễm Covid-19 ở Việt Nam vào tháng 3 vừa qua dường như đã lắng lại thì giờ đây lại dậy sóng thêm một lần nữa sau bài báo trên và dòng chia sẻ của N. trên trang cá nhân.
Hình ảnh BN 17 khi đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Theo nội dung bài báo, N.H.N. về đến Nội Bài, qua vòng kiểm soát ở cửa sân bay vì không bị sốt nhưng đêm hôm đó cô có dấu hiệu bị ho. 4 ngày sau, kết quả xét nghiệm cho thấy N. dương tính với Covid-19, trở thành bệnh nhân đầu tiên ở Hà Nội và là bệnh nhân số 17 của Việt Nam.
Ngay lập tức, N. được đưa đi chữa trị và cách ly 2 tuần tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Sau khi khỏi bệnh, cô được đưa về nhà và tiếp tục cách ly. Cô ấy cũng đã bình phục và rất biết ơn các bác sĩ đã điều trị cho cô ấy.
Trước khi N. nhận kết quả dương tính, Việt Nam chỉ có một lượng nhỏ ca nhiễm Covid-19 và 22 ngày liên tiếp không xuất hiện ca lây nhiễm mới.
Bài báo sẽ không có gì đặc biệt nếu không nhấn mạnh việc cộng đồng mạng trong nước chỉ trích bệnh nhân thứ 17. Theo tờ The New Yorker, sự việc N. nhiễm Covid-19 khiến mọi người trong khu phố phải ở trong nhà cách ly trong vòng 14 ngày.
Chị của bệnh nhân 17 nhiễm Covid-19 điều trị tại nước ngoài và cho biết các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu có biện pháp bảo vệ quyền riêng tư rất chặt chẽ, không ai ngoài người thân và một số bạn bè biết biết cô mắc Covid-19. Tuy nhiên, riêng với bệnh nhân số 17, chỉ trong một thời gian ngắn, mọi người ai cũng biết N. là ai và tìm ra các tài khoản mạng xã hội của cô.
Trong vòng chưa đầy một ngày, tài khoản Instagram của N. đã có mười nghìn người theo dõi mới. The New Yorker đưa tin rằng mọi chuyện vượt quá tầm kiểm soát của N. và cô phải chuyển tài khoản cá nhân sang chế độ riêng tư. Dù cô đang cách ly tại bệnh viện nhưng người ta vẫn đổ lỗi cho cô vì lây bệnh cho cả thành phố, nhiều người trong số họ đã tấn công cô bằng lời nói và nhìn cô như là một "bệnh nhân siêu lây nhiễm", lan truyền những hình ảnh chưa kiểm chứng, cho rằng cô đi khắp thành phố, lây bệnh cho nhiều người.
Lý do như N. chia sẻ với The New Yorker là vì cộng đồng mạng Việt nhiều người "kỳ thị", vì cô có điều kiện "đi du lịch quá nhiều" nên bị ghét hơn những ca nhiễm khác.
"Chúng tôi có quá nhiều đặc quyền. Chúng tôi đi du lịch rất nhiều. Nếu đó là Paris Hilton bị nhiễm bệnh thì chắc người ta cũng chẳng tức giận đến thế đâu", một người được cho là chị gái của N. chia sẻ trên trang The New Yorker.
Dòng chia sẻ của BN 17 trên Instagram
Sau bài báo đó, trên Instagram, bệnh nhân 17 tên N.H.N viết: "Cám ơn The New Yorker đã làm sáng tỏ câu chuyện của chúng tôi giữa rất nhiều trường hợp khác trên thế giới. Những trải nghiệm lúc đó thật sự rất đau lòng, nhưng nhờ nó mà tôi trưởng thành, đã học được và tin rằng mình đã trở thành một người mạnh mẽ hơn. Gửi tới những ai đã từng cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng như tôi lúc đó rằng: Sẽ luôn có ánh sáng ở phía cuối con đường". Dòng trạng thái này đã được chuyển sang chế độ riêng tư.
Hiện bài viết đang nhận được sự quan tâm lớn của CĐM và khiến không ít người bất bình. "Không có gì ở đây được gọi là vi phạm quyền riêng tư cả. Tất cả người dân Việt Nam đều cố gắng chống dịch và mọi người khai báo thông tin cũng là để kiểm soát được dịch bệnh cho xã hội mà thôi", bạn Lan Anh bình luận.
"Trong bài báo này, bạn ấy nhận mình là nạn nhân bị CĐM tấn công nhưng lại không hề nhắc đến chi tiết đã khai báo y tế không trung thực. Văn hóa ở mỗi nơi một khác, mỗi nơi có 1 cách phòng chống dịch bệnh khác nhau. Chỉ tiếc là bạn BN 17 đã quên đi những sự hỗ trợ y tế miễn phí từ đội ngũ y, bác sỹ VN mà lại quay sang trách móc", một người khác bình luận.
Bệnh nhân số 17 là ai?
Tối ngày 6/3, Việt Nam công bố ca thứ 17 nhiễm Covid-19 - bệnh nhân N.H.N (26 tuổi), nữ quản lý khách sạn, trú tại 125 phố Trúc Bạch (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội).
Khu phố Trúc Bạch bị phong tỏa sau ca nhiễm số 17
Sau hơn nửa tháng đi du lịch ở Anh và Ý, có qua Pháp (từ ngày 15/2 đến 2/3), N. trở về Việt Nam trên chuyến bay số hiệu VN0054 của Vietnam Airlines. Thời gian này N. cũng tiếp xúc với nhiều người có biểu hiện ho, hắt hơi.
Sau khi về Việt Nam, N. tự cách ly trong phòng riêng trên phố Trúc Bạch. Ngày 3/3, N. xuất hiện sốt, ho, đau mỏi người. Đến ngày 5/3, N. sốt cao trở lại và được lái xe riêng của gia đình đưa vào Bệnh viện Hồng Ngọc khám, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Tại bệnh viện, N. đã được làm xét nghiệm cho kết dương tính với COVID-19.
Thông tin này khiến không ít người lo lắng bởi 22 ngày liên tiếp trước đó Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới. Ngay sau đó, các bộ ban ngành đã tổ chức họp khẩn ngay trong đêm và công bố ca bệnh. Ngay trong đêm 6/3, những hàng rào barrie đã được dựng lên tại con phố Trúc Bạch vốn được coi là nhộn nhịp nhất nhì Thủ đô. Và với hàng ngàn hàng triệu người dân Thủ đô, đêm đó lại là một đêm không ngủ.
Phố Trúc Bạch bị phong toả sau khi phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 ngày 7/3
Theo Công an cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Nội Bài, bệnh nhân N. không được phát hiện, cách ly kịp thời khi nhập cảnh là do có 2 hộ chiếu - hộ chiếu Việt Nam và hộ chiếu của Vương quốc Anh. Khi về Việt Nam, bệnh nhân này cũng không nhắc đến việc bản thân từng có thời gian đến Ý du lịch. Sau đó, ca nhiễm COVID-19 này đã lây nhiễm cho nhiều người, trong đó có bệnh nhân 19 (là bác ruột của N) từng rơi vào tình trạng nguy kịch.
Việc này khiến cộng đồng mạng phẫn nộ. Nhiều cư dân mạng đưa tin sai sự thật về lịch trình của N, lan truyền những hình ảnh và thông tin cho rằng bệnh nhân số 17 vẫn "tung tăng đi chơi, lên bar" dù đã có những triệu chứng nhiễm Covid-19 như việc cô đã đến Uniqlo, Times City, đến nhà người yêu, đi bar trên phố Tạ Hiển... nhưng những thông tin này ngay sau đó đã được đính chính là sai sự thật. Bên cạnh những thông tin được chia sẻ mạnh mẽ, một số cá nhân đã bình luận ý kiến cho rằng không nên xâm phạm tới đời tư của cô gái này.
Nhiều người cho rằng việc N. không nhắc tới thời gian đến nước Ý phải bị xử phạt vì gây ảnh hưởng tới cộng đồng. Về việc này, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích trên báo Pháp luật TP.HCM: “Để xác định hành vi của N. có vi phạm pháp luật hay không thì cần phải xác định vào thời điểm nhập cảnh vào Việt Nam (ngày 2-3-2020) thì N. có khai báo việc mình đã từng đến Ý không? Nếu N. khai báo không trung thực để nhằm tránh việc bị cách ly hoặc áp dụng biện pháp y tế để phòng dịch COVID-19 thì có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật”.
Bên cạnh đó, luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng nếu N. đã kê khai đúng thông tin, nhưng vì thời điểm nơi mà N. đến không nằm trong danh sách khoanh vùng dịch để áp dụng cách ly thì N. sẽ không vi phạm pháp luật. “Với những thông tin ban đầu mà báo chí nêu thì chưa đủ dữ liệu để khẳng định được việc N. đã cố tình che giấu bệnh của mình để xem xét xử phạt vi phạm hành chính. Theo tôi, để phòng chống được dịch bệnh tốt nhất, đầu tiên cần có sự khai báo trung thực của người dân và các cơ quan chức năng phải cập nhật tình hình các vùng dịch để từ đó áp dụng biện pháp cách ly phù hợp”.