Lúc đầu nói đến cách ly anh Long cũng sợ, nhưng rồi vì trách nhiệm với cộng đồng, anh đã tự nguyện cách ly. Dù anh mới ở đó 1 ngày nhưng ai nghe anh chia sẻ cũng thấy bất ngờ về sự tiện nghi và cách được phục vụ.
Việc đầu tiên khi phát hiện một ca nhiễm COVID-19 là phải tiến hành điều tra dịch tễ, cách ly với những người có tiếp xúc gần hoặc sinh hoạt ở cùng một cộng đồng dân cư trong phạm vi hẹp.
Tối 6/8, cô gái N.H.N. (26 tuổi, đang sinh sống tại phố Trúc Bạch) được phát hiện dương tính với COVID-19. Ngay sau đó, những người tiếp xúc gần với N.H.N. đã được cách ly, con phố Trúc Bạch cũng được phong tỏa, một số người đang sống gần nơi N. đang làm việc cũng nhận “lệnh” cách ly và anh Phạm Quang Long là một trong số đó.
Dưới đây là câu chuyện trong ngày cách ly đầu tiên của anh Phạm Quang Long (ở phố Trúc Bạch) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2:
Đêm 6/7, chính thức em đã được mời đi cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới Đông Anh.
Lúc đầu, khi nghe tin báo là có công an đến nhà, phản xạ tự nhiên là "trốn chạy", sợ tập trung. Một vài người bạn gọi điện hỏi thăm rồi bảo "né" đi. Em cũng điện cho em trai mới về nhà nói: Xem "né" được chỗ nào thì "né" nhanh đi. Tuy nhiên, em đã bình tĩnh suy nghĩ lại. 30 phút sau đó, khoảng chừng 9h30 tối (6/3) có người ở phường gọi điện hỏi em ở đâu, nói tình hình và mời về đi cách ly.
Em nói giải quyết xong việc sẽ về, sẽ làm đúng theo những gì được yêu cầu vì đây là trách nhiệm cá nhân với cộng đồng. Sắp xếp công việc xong, em giải thích với nhân viên là do nhà ở gần cô gái vừa nhiễm COVID-19 nên phải đi cách ly. Còn cơ hội em tiếp xúc với ca nhiễm đó là dưới 0,1% vì ngày nào em cũng 3 giờ sáng mới về ngủ, ngủ đến trưa lại đi, không tiếp xúc hay nói chuyện với ai ở đó.
Anh Long được cách ly theo dõi tại Bệnh viện Nhiệt đới cơ sở 2 sau khi phát hiện ca nhiễm thứ 17
Nơi cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Xong công việc, em mang theo khẩu trang ra đường, về nhà để tập trung. Trong đầu nghĩ, 14 ngày nằm đó cái sợ nhất là buồn, nên em xách theo cái đàn guitar. Về nhét đồ vào vali, tắm rửa sạch sẽ rồi 2 giờ sáng điện thoại cho bên phường "tôi đã sẵn sàng". 10 phút sau có xe 115 đến đón cùng với 1 đồng chí gần đó, lên đường qua Đông Anh.
Trên đường đi, điều em lo ngại là không biết có bị hạn chế thông tin, tịch thu điện thoại hay không. Tới nơi đã gần 3 giờ sáng. Sau khi lấy thông tin cá nhân, em được lên tầng 8 và nằm một mình 1 phòng. Ổ điện một đống, wifi free, căng đét. Phòng sạch sẽ, toilet trắng phau. Nghĩ là ổn rồi và lấy điện thoại nhắn tin cho gia đình mọi thứ vẫn rất tốt, sau đó đi ngủ.
- 5h30 sáng, 1 y tá hay bác sỹ đeo khẩu trang N95 kín mặt, đeo kính và mặc áo y tế xanh lét vào lấy máu xét nghiệm, khám mũi họng.
- 6h có đồ ăn sáng, em kệ không để ý. Ngủ tiếp.
Đồ ăn sáng được chuyển đến tận giường người bệnh.
- 10h sáng nhân viên y tế gọi dậy. Những người không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân thì sẽ sang 1 khu chung để phòng riêng cho ai nguy cơ lây nhiễm cao.
Dậy thấy đồ ăn sáng là 1 tô bún mọc, bún và mọc được để cẩn thân trong túi nilon, nước dùng ở trong tô. Đổ bún ra lùa bát bún nguội, cũng không đến nỗi tệ.
- 11h xét nghiệm âm tính ban đầu nên đưa sang phòng 4 người là em trai và 2 ông hàng xóm ngay dưới nhà mình. Vui rồi! Phòng chừng 40m2, điều hòa có nhưng yêu cầu không dùng mà mở quạt và mở cửa sổ cho thoáng. Có cả 1 khu nhỏ để hút thuốc với phơi đồ trong phòng. Nói chung là điều kiện y như đi nghỉ dưỡng.
Suất cơm trưa dành cho những người phải cách ly.
- 11h15 đến giờ cơm trưa, nói thật là em bất ngờ vì độ ngon của cơm. Em cam đoan ngon hơn tất cả cơm bụi vỉa hè, cơm nóng được bọc trong giấy bạc để giữ nhiệt. 1 món xào, 2 món mặn với canh. Quá ổn! Loanh quanh ra ngoài chơi thì các y tá dặn dò hạn chế ra ngoài nhưng cũng không cấm cản nghiêm trọng. Xung quanh đó có hơn 30 phòng từ trẻ đến già, hỏi thăm mới biết đó là nhóm bác sĩ Bệnh viện Hồng Ngọc, nhóm bên Trúc Bạch, nhóm nhân viên tòa nhà 125 nơi ca thứ 17 kia ở.
- 15h được phát đồ cá nhân, xà bông, bàn chải khăn mặt. Em không nhận vì có chuẩn bị sẵn rồi, nhườn cho những người khác. Mỗi người được 1 chai nước Lavie to. Sau đó, em liên hệ được với căng tin thì “thượng vàng hạ cám” không thiếu gì.
Nói chung có buồn, có bực mình nhưng cố gắng để làm sao vui vẻ nhất và thật sự muốn chia sẻ: “Cách ly không có sợ hay ghê gớm gì hết”. Chỉ là sinh hoạt trong 1 khu vực nhất định, không bị cấm cản về thông tin hay ăn uống này kia như tin đồn.
Điều cần nhất là tinh thần lạc quan, chuẩn bị những thứ giải trí cho mình được thoải mái là ổn. Cá nhân em thì thấy chúng ta đang làm quá tốt về chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phản ứng quá nhanh. Yên tâm chờ hết hạn thôi!.
Cách ly là thể hiện trách nhiệm xã hội Hai từ cách ly thật sự nặng nề với những người trong này (trong khu cách ly). Nó như kiểu là một thứ gì đó xấu xa, phải cách ly với xã hội. Như là những người bệnh, phải giấu mình đi sợ xã hội đấu tố, xa lánh. Bản thân tôi cũng rất sợ những thông tin mình bị cách ly ảnh hưởng tới công việc kinh doanh. Liên tục các bạn bè hỏi thăm, khách hàng lo lắng hỏi tình hình và lo ngại mặc dù không dám nói thẳng. Đó là điều đáng sợ nhất và là nguyên nhân lớn nhất cản trở thông tin giữa những người nơi đây và bên ngoài. Có nên chăng, chúng ta thay vì dùng từ cách ly thành cụm từ: "Thực hiện trách nhiệm xã hội", nó mang đúng ý nghĩa hơn nhiều. Bản thân chúng tôi ở đây khỏe mạnh, đã được xét nghiệm ban đầu là âm tính và nếu xét về tình huống, khả năng - chúng tôi an toàn hơn ngoài kia nhiều. Hàng ngày được cơm nước bê tận nơi, sát khuẩn thường xuyên, không phải bận tâm đến chuyện xếp hàng mua thực phẩm hay lo sợ về nhiễm bệnh khi ra ngoài. Nếu lỡ có nhiễm thì mình cũng được phát hiện và cứu chữa đầu tiên. Chúng tôi ở nơi đây, gò bó, tù túng quanh những bức tường dù ăn uống đầy đủ nhưng đó là mình đang làm nhiệm vụ cho cộng đồng. Các y tá, bác sỹ cũng rất nhẹ nhàng không coi chúng tôi là bệnh nhân. Rất mong sự ủng hộ của những người ở ngoài nhìn nhận tích cực với những người như chúng tôi, để mọi người cởi mở thông tin hơn vì có ai bị cấm cản gì đâu. Đừng nhìn chúng tôi như những vật thể bị cách ly. Hãy lan tỏa những thái độ tích cực tới những người còn hoang mang, niềm tin và thái độ tích cực là vũ khí quan trọng nhất để chúng ta vượt qua dịch bệnh vào lúc này. Phạm Quang Long |