Tại TP. HCM từ cuối tháng 5 đến nay mưa nhiều báo hiệu đã bắt đầu mùa mưa dẫn đến việc muỗi sinh sản, phát triển mạnh gây bệnh sốt xuất huyết.
Bệnh sốt xuất huyết gia tăng
Ngày 8/6, thông tin từ Khoa sốt xuất huyết, bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, thời điểm hiện tại đang điều trị cho 45 trường hợp trẻ em bị bệnh sốt xuất huyết tại địa bàn TP. HCM và các tỉnh lân cận. Trong đó, đặc biệt nhiều trẻ em bị bệnh sốt xuất huyết nhưng cha mẹ không biết, tưởng sốt siêu vi, cảm thông thường nên khi trẻ bệnh nặng mới chuyển đến bệnh viện để điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa sốt xuất huyết dự báo lượng bệnh nhi đến khám và điều trị bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng cao trong thời gian tới vì TP. HCM đã vào mùa mưa khiến muỗi sinh sản và phát triển mạnh. Vì vậy, các phụ huynh cần chú ý để phòng bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Báo cáo của Sở Y tế TP. HCM, chỉ tính riêng trong một tuần từ ngày 1/6 đến ngày 7/6, toàn thành phố có 110 trường hợp bị sốt xuất huyết nhập viện và đối tượng chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi. Nếu tính từ đầu năm 2016 đến nay thì số ca bệnh sốt xuất huyết là 7.773 ca, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2015 là 4.230 ca. Tổng số ca tử vong do bệnh sốt xuất huyết là 2 ca so bằng với số ca tử vong trong cả năm 2015.
Muỗi đốt gây bệnh sốt xuất huyết gia tăng khi TP. HCM vào mùa mưa
Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM cho biết, bệnh sốt xuất huyết là một bệnh do virus Dengue (D) gây ra nhưng hiện chưa có thuốc chữa đặc hiệu và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh. Có 4 tuýp virus gây bệnh ( D1, D2, D3, D4) và một người khi đã mắc bệnh bởi 1 tuýp thì miễn nhiễm suốt đời với tuýp này nhưng với ba tuýp còn lại là không. Vì vậy, trong đời một con người có thể 4 lần bị mắc bệnh sốt xuất huyết và lần thứ hai bị bệnh sốt xuất huyết luôn trầm trọng hơn lần trước.
Thời gian qua, Trung tâm Y tế dự phòng rất quan đến việc đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường và diệt loăng quăng hàng tháng để phòng bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, cũng đã triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống sốt xuất huyết với nhiều hình thức khác nhau như phát tờ rơi, truyền thông trên loa, đài, truyền thông trực tiếp trong các buổi họp. Tuy nhiên theo đánh giá, người dân vẫn còn thờ ơ, chủ quan trong cách phòng trị bệnh cho gia đình.
Đặc biệt, hiện nay nhiều người nghĩ rằng bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra phần lớn ở trẻ em, người lớn sẽ không dễ mắc bệnh và không nguy hiểm như trẻ em mắc bệnh. Trung tâm Y tế dự phòng cảnh báo không được chủ quan, lơ là với bệnh sốt xuất huyết vì khi người lớn nhiễm bệnh cũng có những biến chứng nguy hiểm nếu không kịp thời phát hiện sớm bệnh và điều trị đúng cách.
Nhận biết bệnh sốt xuất huyết như thế nào?
Theo Trung tâm Y tế dự phòng, đối với trẻ em thì bệnh thường khởi phát sốt cao đột ngột kéo dài từ 2 - 7 ngày kèm theo dấu hiệu: mặt đỏ, da xung huyết, đau nhức cơ khớp, đau đầu, có trường hợp kèm theo đau họng, viêm kết mạc, buồn nôn và nôn. Tiếp đến là xuất huyết những chấm đỏ vùng cẳng tay, chân, nách, ngực, thắt lưng, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi cầu ra máu, gan to, một số trường hợp diễn biến sốc biểu hiện chân, tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp kẹp không đo được. Tất cả những trường hợp trên cần được nhập viện cấp cứu điều trị kịp thời.
Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng dễ mắc bệnh sốt xuất huyết gây tử vong nếu chủ quan không phòng bệnh
Đối với người lớn khi nhiễm bệnh có hai dạng sốt xuất huyết thường gặp là sốt xuất huyết biểu hiện ra bên ngoài và xuất huyết nội tạng.
Dạng sốt xuất huyết có biểu hiện bên ngoài ở người lớn diễn biến bất thường và triệu chứng rầm rộ hơn trẻ em, thời gian sốt kéo dài 11-12 ngày. Sốt xuất huyết người lớn nguy hiểm nhất là tụt huyết áp và sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu…
Dạng sốt xuất huyết gây xuất huyết nội tạng (thường gặp xuất huyết đường tiêu hóa và xuất huyết não). Sốt xuất huyết gây xuất huyết đường tiêu hóa ở người lớn biểu hiện ban đầu rất bình thường chỉ sốt, không nổi ban. Sau 1-2 ngày, bệnh nhân đi tiêu ra máu, phân màu đen hoặc máu tươi số lượng không nhiều, trên da xuất hiện các chấm xuất huyết, da xanh người mệt mỏi… Sốt xuất huyết gây xuất huyết não cũng rất khó nhận biết vì biểu hiện ban đầu không rõ ràng, thông thường người bệnh bị sốt, đau đầu, bị liệt có thể liệt tay, chân hoặc liệt nửa người và sau đó bị hôn mê rồi dẫn đến tử vong.
Khuyến cáo phòng bệnh sốt xuất huyết “Diệt muỗi và diệt loăng quăng” là biện pháp chủ động phòng bệnh hữu hiệu và đơn giản nhất. Người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn. Đậy kín các vật dụng chứa nước để không có loăng quăng, thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải đọng nước ở trong nhà và xung quanh nhà không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. |