Tất cả chỉ vỏn vẹn gồm 1 chiếc giường bệnh, bộ bàn ghế và tủ thuốc trong một không gian khoảng 20m2...
Phòng khám thiện tâm
“Bệnh viện” miễn phí này được bắt nguồn từ tấm lòng của bác sĩ Trương Thị Hội Tố, nguyên là Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Nam Định. Năm 1992, sau khi về nghỉ hưu, rất nhiều phòng khám tư nhân đã mời bác sĩ Tố về làm việc với mức lương cao nhưng bà đều chối từ.
Bà tham gia vào Hội Chữ thập đỏ quận Hai Bà Trưng, tình nguyện đạp chiếc xe cũ kĩ nhiều cây số đi khám bệnh lưu động miễn phí cho người nghèo, người cao tuổi, cựu chiến binh, gia đình chính sách... Cũng chính từ công việc này đã khiến bác sĩ Tố ấp ủ mong muốn mở một phòng khám cố định để có thể khám, chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân hơn nữa. Nghĩ là làm, bác sĩ Tố đã vận động các cán bộ y tế, bác sĩ đã về hưu cùng mở một phòng khám miễn phí cho người nghèo.
Với những đồng lương hưu ít ỏi, việc thuê một địa điểm để mở phòng khám không phải là dễ dàng đối với họ, nếu bỏ công đi mượn lại càng khó hơn, chủ yếu trông vào sự giúp đỡ của Hội Chữ thập đỏ các quận, phường, thế nên cái cảnh nay đây mai đó, vài năm thay đổi địa điểm một lần là chuyện khó tránh.
Hơn 20 năm đã qua kể từ ngày nghỉ hưu, nhưng bác sĩ Tố không thể quên được những ngày đầu với 2 bàn tay trắng đi tìm, mượn trụ sở phòng khám, rồi cũng đến thời khắc được cùng với 5 người bạn đều là cán bộ y tế nghỉ hưu mở phòng khám miễn phí trên con phố Hòa Mã. Hiện tại, phòng khám miễn phí của bác sĩ Tố và những y, bác sĩ đã về nghỉ hưu nằm ở Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát, số 18, ngõ 4, phố Kim Đồng, quận Hoàng Mai.
Các bác sĩ ở phòng khám miễn phí
Bác sĩ Trương Thị Hội Tố chia sẻ về những người bệnh của mình - vì cơ sở vật chất của phòng khám còn đơn sơ, do đó chúng tôi mới chỉ dừng lại ở việc đo huyết áp, xét nghiệm tiểu đường, khám và chữa một số bệnh thông thường. Trong trường hợp bệnh nặng, cần điều trị trong thời gian dài chúng tôi sẽ có những tư vấn và lời khuyên cụ thể cho bệnh nhân đến khám, chữa tại những bệnh viện, cơ sở có uy tín.
Hơn 20 năm là cả một quãng thời gian dài, trong số những người bạn cùng giúp sức với bác sĩ Tố những ngày đầu tiên ấy có người đã khuất, người thì quá già yếu nhưng bác sĩ Tố vẫn chưa chịu dừng lại khi tiếp tục vận động ông Lê Thanh Thước, nguyên bác sĩ Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện K đã nghỉ hưu và bà Lê Thị Sóc, y tá Bệnh viện Xanh Pôn cùng tham gia…
Tấm lòng người thầy thuốc
Là phòng khám từ thiện nên để duy trì hoạt động chủ yếu trông chờ vào chính sự đóng góp của các thầy thuốc và giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể và cá nhân hảo tâm quyên góp. Riêng bác sĩ Tố, hàng tháng ủng hộ tiền trợ cấp gia đình Liệt sĩ, các y bác sĩ khác tự nguyên góp lương hưu, tiền dành dụm, tiền con cháu biếu để mua sắm vật dụng khám, chữa bệnh và mua thuốc cho phòng khám để phát thuốc miễn phí cho người nghèo.
Bác sĩ Tố cho biết, giúp những người nghèo bằng tiền thì bà không thể mà chỉ có thể giúp bằng chính khả năng chuyên môn của mình. Thế là bằng cái tâm của người bác sĩ, đồng cảm với những người nghèo, những người kém may mắn trong cuộc sống, 20 năm qua là cả một quãng thời gian cống hiến không biết mệt mỏi của bác sĩ Tố cùng các đồng nghiệp. Sau một tai nạn, người ta không còn thấy bác sĩ Tố đạp xe đến phòng khám như trước nữa, nhưng bà vẫn tiếp tục đến phòng khám bằng xe ôm một cách đều đặn, đúng giờ.
Câu chuyện kể về phòng khám, chữa bệnh miễn phí của bác sĩ Tố sẽ vô cùng thiếu sót nếu không nhắc đến bác sĩ Lê Thanh Thước và y tá Lê Thị Sóc. Bác sĩ Thước tóc nay đã bạc trắng, dáng người nhỏ nhắn nhưng vị bác sĩ ấy vẫn toát lên vẻ nhanh nhẹn. Hơn 40 năm công tác trong ngành Y, từng làm việc ở Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện K rồi về nghỉ hưu nhưng ông tự nhủ sức khỏe vẫn còn tốt, có kinh nghiệm thực tiễn, lại đam mê với nghề thì chưa thể ngồi một chỗ an nhàn tuổi già được; vậy là vị bác sĩ đầy kinh nghiệm - một trong những bác sĩ đầu tiên tại Việt Nam điều trị ung thư ấy đã hiện thực hóa mong muốn của mình khi cùng với bác sĩ Tố khám, chữa bệnh trong cái “bệnh viện” nhỏ 20m2.
Bác sĩ Thước chia sẻ nhiều năm trong nghề, ông là người hiểu hơn ai hết nỗi khổ của người bệnh, bởi họ đâu chỉ đau về thể xác mà còn đó nỗi đau tinh thần giằng xé hàng ngày. Hiểu được tâm lý của những bệnh nhân cao tuổi nên ông luôn ân cần khám cho mọi người, sẵn sàng trả lời, giải đáp thắc mắc liên quan đến sức khỏe cũng như cuộc sống cho bệnh nhân.
Dù ngày nắng hay mưa, mùa đông giá rét hay mùa hè oi bức nhưng đến lịch mở cửa phòng khám là các y bác sĩ đều có mặt bởi họ biết chắc chắn rằng phòng khám vẫn có bệnh nhân đang chờ. Mỗi ngày phòng khám khám chữa cho hàng chục người cao tuổi, bệnh nhân nghèo từ nhiều nơi đến. Bác sĩ Thước đã chia sẻ rằng còn khỏe thì phòng khám vẫn còn mở cửa, khám chữa bệnh cho bất cứ ai muốn được giúp đỡ. Lịch phân công rõ ràng là bác sĩ Tố đảm nhận sáng thứ 2, bác sĩ Thước phiên sáng thứ 5, thế nhưng những vị “bác sĩ già” này cũng đều có mặt cả hai buổi để cùng khám chữa bệnh với mong muốn không để bệnh nhân phải chờ đợi lâu và giúp đỡ đồng nghiệp đỡ vất vả!...
Ai sẽ là người tình nguyện?
Bác sĩ Trương Thị Hội Tố sinh năm 1933, bác sĩ Lê Thanh Thước sinh năm 1932, y tá Lê Thị Sóc sinh năm 1930… - Tất cả họ đều đã bước qua ngưỡng tuổi 80, thế nhưng những “bác sĩ già” đáng kính này chưa một ai tính đến chuyện nghỉ ngơi vì còn sức họ vẫn tiếp tục làm việc thiện, khám chữa bệnh cho mọi người, tuyệt nhiên không lấy một đồng tiền công. Tuy tuổi đã cao, nhưng những con người thiện nguyện này vẫn hàng ngày khám chữa bệnh, tư vấn cho bệnh nhân, vẫn đi quyên góp tiền gây quỹ hỗ trợ những gia đình nghèo khó, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng như bệnh nhân ở các bệnh viện…
Hình ảnh những mái đầu bạc trắng khám bệnh, giải thích tận tình bệnh tình cho từng người bệnh để lại ấn tượng sâu đậm cho bất kỳ ai có dịp ghé thăm phòng khám. Hơn 20 năm, khi nhắc đến phòng khám miễn phí này, nhiều người cao tuổi, đặc biệt là bệnh nhân nghèo đều rất đỗi quen thuộc với những người “vác tù và hàng tổng”.
Thực tế ở các bệnh viện hiện nay bệnh nhân phải xếp hàng, quỵ lụy để được bác sĩ khám bệnh, nhưng với những vị “bác sĩ già” này thì nhiều khi họ lại đi tìm bệnh nhân, rồi sau đó lại trở thành người thân của từng gia đình, của nhiều người bệnh. Thế mới có chuyện nhiều bệnh nhân có bảo hiểm y tế hẳn hoi nhưng nhiều năm nay vẫn thường xuyên đến chỗ bác sĩ Tố, bác sĩ Thước… khám bệnh vì đơn giản các bác sĩ ở đây coi người bệnh như người nhà, tư vấn và giải đáp thắc mắc của người bệnh rất tận tình, và còn chia sẻ những câu chuyện buồn vui trong cuộc sống.
Bác sĩ Thước chia sẻ rằng còn gì hạnh phúc hơn khi được bệnh nhân tin tưởng, quý mến. Thế nên có ngày mưa tầm tã, có một cụ già còn lớn tuổi hơn cả bác sĩ vẫn chống gậy đến khám bệnh chỉ vì tin tưởng vào các y, bác sĩ ở đây! Bác sĩ Tố thì xót xa rằng mở phòng khám này mới thấy cuộc sống này còn nhiều người nghèo quá, và ở cuộc đời này cần lắm tình yêu thương giữa con người với nhau.
Tiếng lành đồn xa, đến nay nhiều tổ chức, đoàn thể, cá nhân biết đến phòng khám của những vị “bác sĩ già” nên cũng thỉnh thoảng ủng hộ phòng khám tiền và thuốc men. Thuốc thì các bác sĩ phát miễn phí cho người bệnh, còn tiền thì để mua một số loại máy khám chữa bệnh thông thường để phục vụ bệnh nhân.
Nhìn những bác sĩ già với mái đầu bạc, nhiều người lại cảm thấy lo, không biết cái “bệnh viện 20m2” này sẽ còn duy trì được bao lâu nữa? Số phận phòng khám sẽ ra sao? Ai sẽ là những người tình nguyện tiếp tục công việc mà họ đang làm?...