Có lịch sử hàng nghìn năm, mỗi dịp gần Tết Nguyên Đán, làng nghề làm dao kéo lại đỏ lửa lò nung, rộn ràng tiếng búa, tiếng đe để cho ra đời đủ các loại dao phục vụ người dân.
Gần Tết Nguyên Đán năm 2020, chúng tôi tìm về làng Đa Sỹ (Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) nơi nổi tiếng với nghề rèn nông cụ, dao kéo chất lượng cao. Dù đã trải qua hàng nghìn năm, với nhiều sự thay đổi và biến động, nhưng người dân nơi đây vẫn giữ được nghề. Thời điểm gần Tết Nguyên đán là lúc bắt đầu mùa vụ chiêm xuân, nơi đây lại rộn ràng tiếng đe, tiếng búa với những bếp than đỏ rực lửa cả ngày.
Nghệ nhân Hoàng Văn Cung vừa đều tay quay búa vừa trò chuyện với chúng tôi rằng, gia đình ông có nghề rèn nông cụ, làm dao từ nhiều đời nay. Bản thân ông cũng đã theo nghề này được 40 năm và giờ con trai ông vẫn đang bám vào nghề truyền thống này.
Dọc các con phố ở Đa Sỹ đâu đâu cũng là những sạp bán dao, kéo.
Hiện nay, do diện tích đất nông nghiệp thu hẹp dần nên việc sản xuất nông cụ không còn làm nhiều như trước. Thay vào đó là việc làm dao kéo lại “lên ngôi”, không chỉ gia đình ông mà sản phẩm dao cao cấp ở làng nghề này được đưa đi cả nước tiêu thụ và đã tạo được thương hiệu cho người dùng.
Để làm ra được một con dao chất lượng, các nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn nhọc nhằn, từ việc pha sắt, kéo lò đến quai búa… đâu cũng là công đoạn quan trọng. Đôi khi những nghệ nhân còn đánh đổi máu và nước mắt, điều đó được chứng minh qua những vết sẹo chằng chịt trên tay vì bỏng sắt, bỏng than bắn vào khi làm việc.
Ông Cung cho biết hiện nay dù có nhiều kỹ thuật làm dao mới và cho ra sản phẩm nhanh, nhưng nó không bền, dùng nhanh hỏng. Vì thế, các nghệ nhân truyền thống ở làng nghề vẫn bám lấy những lò rèn, chiếc đe, chiếc búa chứ không đưa máy móc vào sản xuất dao, kéo.
Những ngày giáp Tết, tiếng quai búa rộn ràng ở làng nghề Đa Sỹ.
Các nghệ nhân ở làng nghề này cho biết thêm, trong năm mọi người sản xuất dao kéo chủ yếu theo đơn đặt hàng của khách, nhưng từ tháng 11 âm lịch trở đi khách lẻ và những người buôn nhỏ lẻ về mua dao rất nhiều, vì thế công việc ở thời điểm giáp Tết cũng tất bật hơn.
“Tết đến mọi người ai cũng muốn sắm sửa thêm những đồ dùng mới, đặc biệt là các gia đình ở vùng nông thôn họ thường xắm dao kéo, nồi xoong vào dịp cuối năm nên chúng tôi cũng tất bật với công việc hơn. Việc nhiều, dù mệt nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy vui vì ngoài thêm thu nhập thì chúng tôi cũng tự hào khi đưa được sản phẩm mình làm ra đi khắp cả nước, đến bếp ăn của nhiều gia đình”, nghệ nhân Hoàng Văn Chinh chia sẻ.
Một số hình ảnh ghi nhận tại làng nghề Đa Sỹ:
Những ngày giáp Tết làng Đa Sỹ rộn ràng sản xuất dao kéo để phục vụ nhu cầu của người dân.
Những chiếc máy mài dao được sử dụng để gia tăng sản xuất, thay cho việc phải mài bằng tay.
Những người phụ nữ ở Đa Sỹ cũng rất thành thạo việc làm dao kéo.
Tại đây, các nghệ nhân làm đủ các loại dao kéo, với nhiều mẫu mã khác nhau.
Những chiếc kéo được sản xuất một cách rất cầu kỳ.
Những lò than luôn rực lửa trong những ngày gần Tết.
Để làm được ra một con dao, các nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn với những giọt mồ hôi đổ xuống.
Tiếng đe, tiếng búa liên tục vang lên trong các lò rèn.
Tại làng nghề Đa Sỹ, rất nhiều người nước ngoài đến tham quan...
...họ sẵn sàng trải nghiệm vào các công đoạn làm dao.