Bí ẩn bao trùm phòng thí nghiệm virus gây tranh cãi ở Vũ Hán

Ngày 17/04/2020 16:45 PM (GMT+7)

Phòng thí nghiệm bí mật của Trung Quốc ở Vũ Hán vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn trong lúc có nhiều đồn đoán về những gì diễn ra sau cánh cửa đóng kín và khả năng cơ sở này liên quan đến đại dịch COVID-19.

Bí ẩn không chỉ nằm ở tên gọi Viện nghiên cứu virus Vũ Hán, thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, mà còn vì nó đang trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi. Gần đây nhất, cơ sở này bị cáo buộc là không tuân thủ các quy định chặt chẽ về bảo đảm an toàn. Hoạt động nghiên cứu nguy hiểm trên dơi và các loại virus corona cũng bị hoài nghi. Ngoài ra, các nhà khoa học làm việc tại viện này rất kín tiếng. 

Có một người đã lên tiếng là Shi Zhengli, nhưng bà không nói gì nữa sau khi bị tạp chí khoa học Mỹ Scientific American dẫn lời để bày tỏ hoài nghi về khả năng các virus corona ở dơi có thể thoát ra từ phòng thí nghiệm này. Từ khi bài báo của Scientific American xuất hiện vào ngày 11/3, bà Shi cực kỳ hiếm thấy mặt.

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 16/4, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ tất cả ý kiến ngoài nghi về phòng thí nghiệm này và nhắc lại rằng không có bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2, loại virus corona đang gây bệnh cho hơn 2 triệu người khắp thế giới được tạo ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.

 “Người đứng đầu WHO đã tuyên bố nhiều lần rằng không có bằng chứng cho thấy virus corona mới bắt nguồn từ phòng thí nghiệm”, Người phát ngôn Triệu Lập Kiên nói.

“Nhiều chuyên gia y tế uy tín trên thế giới cũng tin rằng cái gọi là rò rỉ từ phòng thí nghiệm không có cơ sở khoa học nào cả”, ông Triệu nói tiếp. 

Nhưng những khẳng định đó không xua được hoài nghi. 

Bí ẩn bao trùm phòng thí nghiệm virus gây tranh cãi ở Vũ Hán - 1

Bức ảnh toà nhà của Viện nghiên cứu virus Vũ Hán đăng trên trang web của Viện.

Cấp độ bảo vệ cao nhất

Viện nghiên cứu virus Vũ Hán là cơ sở nghiên cứu đầu tiên ở Trung Quốc nghiên cứu các mầm bệnh tấn công con người và được xây dựng theo tiêu chuẩn để chịu được động đất 7 độ richter. Viện này được coi là niềm tự hào của Vũ Hán, đại diện cho năng lực của Trung Quốc và đưa các nhà nghiên cứu của nước này sánh ngang với giới nghiên cứu của Mỹ và châu Âu. 

Viện Khoa học Trung Quốc chấp thuận cho xây dựng phòng thí nghiệm này từ năm 2003.  44 triệu USD được chi cho công trình được xây dựng trong hơn chục năm mới xong. Tính phức tạp của toà nhà giúp bảo đảm cấp độ an toàn sinh học mức 4 đầu tiên của Trung Quốc (BSL-4), sau khi các nhà khoa học như chuyên gia sinh học phân tử Mỹ Richard Abright bày tỏ lo ngại về khả năng virus gây dịch SARS thoát ra từ các phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh.  Năm 2015, Viện nghiên cứu virus Vũ Hán bắt đầu hoạt động. 

“Cơ sở BSL-4 mới của chúng tôi sẽ đóng vai trò không thể thiếu trong ngăn ngừa và kiểm soát các vi khuẩn gây bệnh có độc lực mạnh”, Xia Han, phó giáo sư tại Viện nghiên cứu virus Vũ Hán nói trong bài viết đăng trên tạp chí của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. 

Nằm cạnh sông Dương Tử, phòng thí nghiệm này “được chứng thực và cấp chứng nhận về bảo đảm an toàn trong lắp đặt thiết bị và vận hành”, giới thiệu trên trang web của Viện khẳng định.  Phòng thí nghiệm BSL-4 thuộc mức độ bảo đảm an toàn sinh học cấp cao nhất.

Các mức an toàn sinh học được đánh giá theo thang từ 1 đến 4 dựa trên loại vi sinh vật được nghiên cứu. Phòng thí nghiệm cơ bản chỉ nghiên cứu mầm bệnh không gây chết người và gây đe doạ tối thiểu cho cán bộ hoặc môi trường. 

Còn phòng thí nghiệm cấp độc BSL-4, giống như Viện nghiên cứu virus Vũ Hán, thường nghiên cứu những mầm bệnh cực kỳ nguy hiểm và gây chết người. Những người làm việc trong đó phải tuân thủ hàng loạt biện pháp đề phòng và bảo đảm an toàn chặt chẽ, như lọc không khí và xử lý nước và rác thải trước khi ra khỏi nơi làm việc. Nhân viên phải mặc đồ bảo hộ có thông khí, đi bốt cao cổ và đeo khẩu trang, phải tắm và thay quần áo sau mỗi ca làm việc. 

Dù Trung Quốc mới có một phòng thí nghiệm như vậy, nhiều phòng thí nghiệm tương tự được xây dựng ở Mỹ và châu Âu trong 15 năm qua. Hiện Mỹ có 10 cơ sở, trong đó có phòng thí nghiệm trị giá 480 triệu USD ở Atlanta. 

WHO cho biết có khoảng 54 phòng thí nghiệm được bảo đảm an toàn mức cao nhất đang hoạt động ở hai chục quốc gia. Danh sách năm 2018 của WHO liệt kê 31 phòng thí nghiệm BSL-4 ở nhiều nước, trong đó có Ả-rập Xê-út, Hàn Quốc và Bờ Biển Ngà.

Từ khi mở cửa, Viện nghiên cứu virus Vũ Hán đã nghiên cứu SARS, Ebola, HIV, virus Lassa Tây Phi và COVID-19. 

Viện này cộng tác với nhiều trường đại học trên khắp thế giới, trong đó có ĐH Wageningen ở Hà Lan và ĐH Montpellier 2 của Pháp. Viện cũng có quan hệ gần gũi với bang Texas của Mỹ và nhận được hỗ trợ từ Phòng thí nghiệm quốc gia Galveston thuộc ĐH Texas và nhiều tổ chức khác. 

Những cảnh báo sớm

Dù Viện nghiên cứu virus Vũ hán đóng vai trò lớn trong việc phát hiện virus gây đại dịch COVID-19 là virus corona mới, nhưng thành tựu này bị phủ bóng bởi nhiều giả thuyết cho rằng con người nhiễm virus này do sự cố trong phòng thí nghiệm. 

Nhà bình luận các vấn đề đối ngoại Gordon Chang nói trong bài nêu ý riêng của Fox News rằng “nhiều người Trung Quốc tin virus corona mới có thể bị thả một cách có chủ ý hoặc vô tình thoát ra từ Viện nghiên cứu virus Vũ Hán, một cơ sở có cấp độ an toàn sinh học mức 4”. 

Ông nói thêm: “Phòng thí nghiệm nghiên cứu các virus corona này cách không xa khu chợ được phát hiện là nơi đầu tiên xuất hiện người mắc COVID-19”. 

Trong hàng loạt bức điện tín ngoại giao từ trước đó, các cán bộ đại sứ quán Mỹ cảnh báo rằng phòng thí nghiệm này có rất nhiều điểm yếu trong quản lý, gây rủi ro nghiêm trọng về sức khoẻ và cảnh báo Washington thận trọng. 

Điện tín đầu tiên mà báo Washington Post có được đã cảnh báo về hoạt động nghiên cứu của phòng thí nghiệm này trên virus corona từ dơi, và cụ thể hơn là cách mầm bệnh tấn công con người như hồi đại dịch SARS. 

“Trong những tiếp xúc với các nhà khoa học Trung Quốc làm việc tại Viện nghiên cứu virus Vũ Hán, họ nhấn mạnh rằng phòng thí nghiệm đang thiếu nghiêm trọng các kỹ thuật viên được đào tạo đạt chuẩn và các chuyên gia điều tra cần thiết để bảo đảm hoạt động an toàn cho phòng thí nghiệm cấp độ cao như thế này”, bức điện tín đề ngày 19/1/2018 do 2 cán bộ về môi trường, khoa học và y tế của đại sứ quán Mỹ viết. 

Bức điện tín cho rằng Mỹ nên hỗ trợ các nhà nghiên cứu Trung Quốc nhiều hơn vì những nghiên cứu đối với virus corona từ dơi rất quan trọng và nguy hiểm. 

Bức điện tín cũng cho rằng cần chú ý đến bà Shi, nhà khoa học ban đầu cho rằng virus corona mới có thể vô tình thoát ra từ phòng thí nghiệm nhưng sau đó rút lại. 

Bà Shi xuất bản một bài báo vào tháng 11/2017 nói rằng dơi móng ngựa thu thập từ một trường hợp ở tỉnh Vân Nam có thể liên quan đến dịch SARS do viros corona gây ra năm 2003. 

Bất chấp bằng chứng cho thấy các hoạt động nghiên cứu nguy hiểm trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, giới lãnh đạo quân sự và một số quan chức cấp cao Mỹ nói với Fox News rằng COVID-19 không xuất phát từ phòng thí nghiệm hay kết quả của vũ khí sinh học. 

COVID-19 ngày 17/4: Vũ Hán bất ngờ sửa số liệu người tử vong, số mới tăng gấp rưỡi
Nguyên nhân sửa đổi số ca nhiễm và tử vong được nhắc đến trong thông báo của thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Theo Bình Giang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19