Giờ đây, Lành không còn để ý đến nhan sắc nữa mà chỉ mong những vết thương mau liền, được về nhà để ba mẹ đỡ phải khổ vì mình.
Nghỉ học sớm, đi làm phụ giúp bố mẹ nuôi em ăn học thì gặp tai nạn bất ngờ
18 tuổi, đáng ra Phan Thị Thu Lành (ở thôn Nam Nghĩa, xã Nam Đà, huyện KrôngJô, tỉnh Đắc Nông) đang ngồi trên giảng đường đại học, với những ước mơ, hoài bão cho tương lai. Nhưng dưới Lành còn 2 em nhỏ vẫn đang đi học, bố mẹ đã cao tuổi nên Lành quyết định gác chuyện học hành, đi làm thuê lấy tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học.
Trước khi bị bỏng Lành là cô gái xinh đẹp. Ảnh: NVCC.
Nghĩ là làm, đầu tháng 11/2017 Lành khăn gói từ quê ra Đà Nẵng xin việc làm thuê ở một nhà hàng ăn uống. Với bản tính siêng năng, Lành được chủ quán ký hợp đồng vào làm việc.
Nhưng mọi thứ không êm đềm như Lành nghĩ, ngày 17/11 trong một lần cùng bà chủ dùng cồn nướng mực phục vụ khách, Lành đã bị lửa bén vào người và cháy như ngọn đuốc.
“Em không trực tiếp nướng mà ngồi đó cùng bà chủ, lần thứ nhất đổ cồn vào nướng thì mực chưa chín nên bà chủ cầm chai cồn đổ thêm để nướng tiếp thì bất ngờ ngọn lửa bùng lên. Em ngồi ngay sát, ngọn lửa bắt vào người.
Ngay sau đó, vị khách ngồi phía sau dùng chiếc khăn trải bàn ăn trùm lên em nhằm dập lửa, nhưng chiếc khăn khô, lửa bén vào và người em bốc cháy như ngọn đuốc”, Lành kể lại giây phút kinh hoàng nhất của cuộc đời.
Lành được mọi người lấy nước dập tắt lửa và đưa đi bệnh viện cấp cứu. “Lúc đó em chưa bất tỉnh, nhưng em hoảng loạn lắm. Khi gần đến viện thì em bất tỉnh hoàn toàn không còn nhớ gì nữa”, Lành chia sẻ.
Ngồi bên cạnh Lành, ông Phan Văn Nhì (50 tuổi, bố Lành) xoa nhẹ lên bàn tay con, rồi nhẹ nhàng nhặt từng lớp vảy bong trên cơ thể con gái, ánh mắt ông Nhì đỏ hoe sau nhiều đêm trông con không ngủ. Ông nói với giọng run run: “Con tôi giờ được như vậy là tốt lắm rồi”.
“Em chỉ mong sớm được về để bố mẹ đỡ khổ”
Ông Nhì cho biết, ngày con gặp nạn sợ gia đình biết chuyện sẽ sốc, nên đến ngày 18/11 người thân ở Đà Nẵng mới báo tin cho gia đình. “Khi nhận được tin báo, tay tôi không cầm chắc được chiếc điện thoại, vội vàng bắt xe thẳng đi Đà Nẵng”, ông Nhì nhớ lại.
Đến BV Đa khoa Đà Nẵng, vào thăm con ông không còn nhận ra đứa con gái ngoan hiền của mình, vì toàn thân con được phủ bởi một màu trắng, nước mắt ông rơi vì xót con.
Ông Nhì đau xót khi chứng kiến đứa con gái ngoan hiền vì thương bố mẹ đi làm mà bị nạn.
Ở Đà Nẵng được 12 ngày, tình trạng con quá nặng. Đến đầu tháng 12/2017, ông Nhì xin chuyển cho con gái ra Hà Nội điều trị từ đó đến nay.
“Lúc mới đầu ra, con tôi phải nằm hồi sức và không nói được gì. Những khoảng gần 1 tuần nay không còn thấy cháu kêu đau nữa, Lành bắt đầu nói chuyện được nhiều hơn với mọi người”, ông Nhì nói.
Về phía Lành, khi chúng tôi hỏi về những câu chuyện riêng tư, Lành không ngại ngùng mà sẵn sàng chia sẻ. “Nói thật lòng, em không còn quan tâm đến nhan sắc nữa, giờ em chỉ ước làm sao nhanh khỏi bệnh để về nhà với các em, với bố mẹ thôi”, Lành nói.
Lành cho biết, hiện cô đang yêu một thanh niên cùng quê, nhưng người ấy đang đi lính nghĩa vụ quân sự nên dù biết Lành gặp nạn, nhưng vẫn chưa có thời gian ra thăm. “Người yêu em nói, khi nào xin nghỉ phép, anh ấy ra ra luôn Hà Nội thăm em. Không biết khi đó em còn ở Hà Nội nữa không.
Biết em bị bỏng, lúc đầu anh ấy sốc lắm, nhưng nói sẽ vẫn luôn ở bên em”, Lành vô tư nói.
Theo một bác sĩ khoa Phục hồi chức năng (Viện Bỏng Quốc gia), Lành là cô gái vô tư và đầy nghị lực, luôn lạc quan dù mình đang mang bệnh nặng.
Về tình hình sức khỏe của Lành, vị bác sĩ này cho biết khi vào viện Lành bỏng 49%, bị nhiễm khuẩn sau khi điều trị đã ổn định. Hiện Lành đã được ghép da 2 lần, đang tập phục hồi chức năng và tiếp tục được theo dõi chuyên sâu.
Khi thấy nạn nhân bị bỏng cần phải thực hiện cách sơ cứu sau: 1. Tìm cách dập lửa cho nạn nhân, có thể chùm chăn kín lên người nạn nhân nhưng phải là loại chăn dày, chăn bông và tốt nhất là thấm nước cho chăn ướt. 2. Sau khi dập xong lửa, không nên bằng mọi giá lột quần áo đang mặc trên người nạn nhân, mà cần nới lỏng quần áo, dùng vật sắc nhọn cắt những chỗ không dính vào da. 3. Dùng nước mát dội lên vết bỏng của nạn nhân. Tuyệt đối không dùng nước lạnh, đá chườm hay xăng để làm mát vết bỏng. 4. Nếu gia đình có bình xịt bỏng thì nên xịt cho nạn nhân trước khi chuyển đến viện. 5. Dùng vải mềm sạch, băng y tế cuốn lỏng ngoài vết bỏng của nạn nhân rồi nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. 6. Trong khi sơ cứu cho nạn nhân, tuyệt đối không dùng mỡ trăn, kem đánh răng bôi lên vết bỏng. Bởi sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. |
>>XEM THÊM: Ngồi xem hàng xóm nướng mực, bé trai 6 tuổi bị bỏng toàn thân, phải cưa một chân