Sau 14 năm “vác” đơn đến nhiều cơ quan chức năng kiến nghị, giờ đây ông Phạm Đức Bình, 56 tuổi, nguyên cửa hàng trưởng Cửa hàng Dịch vụ Tổng hợp và Tiêu thụ sản phẩm, thuộc Công ty Thi công cơ giới và xây lắp, mới chuẩn bị được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xin lỗi công khai.
Tai họa từ trên trời rơi xuống
Theo cáo buộc, năm 1992 Công ty Thi công cơ giới và Xây lắp (Hà Nội) bổ nhiệm ông Bình làm cửa hàng trưởng Cửa hàng Dịch vụ Tổng hợp và Tiêu thụ sản phẩm. Sau 5 năm hoạt động, đến 24/11/1997, bất ngờ công ty ra quyết định đình chỉ hoạt động của cửa hàng trên với lý do hoạt động không hiệu quả. Sau đó, đến 25/12/1997, công ty tiến hành thanh tra hoạt động kinh doanh của cửa hàng, khẳng định, ông Bình đã nhiều lần nhận tiền tạm ứng của xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, số tiền 71 triệu đồng, nhưng chỉ chứng minh sử dụng hợp lệ 30 triệu đồng.
Ngoài ra, theo kết quả điều tra, cũng trong năm 1997, cửa hàng do ông Bình quản lý đã mua hàng của 3 đơn vị, số tiền hơn 220 triệu đồng, mới thanh toán được 41 triệu, còn lại hơn 179 triệu chưa thanh toán, ông Bình không hiểu vì sao thất thoát.
Bản án sơ thẩm khẳng định, “theo tài liệu điều tra không thể hiện Bình chiếm đoạt, cũng không chứng minh ai đã chiếm đoạt số tiền đó, như vậy chỉ có thể Bình đã sử dụng số tiền nói trên vào việc khác mà không trả cho các đơn vị đã bán hàng cho Bình”. Với kết luận này, ông Bình bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên 30 tháng tù cho cả 2 tội danh.
Quá trình xét xử, ông Bình luôn kêu oan, kháng án lên cấp phúc thẩm. Ngày 5/1/2001, tòa phúc thẩm - Tòa án nhân dân tối cao thành phố Hà Nội đã xem xét toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ở tội danh “tham ô tài sản”, tòa phúc thẩm cho rằng, ông Bình không chiếm đoạt số tiền tạm ứng của các xí nghiệp. Bởi trước phiên tòa sơ thẩm, ông Bình đã có nhiều đơn từ, giấy xác nhận của các nhân chứng khẳng định đã nhận số tiền ứng nói trên.
Đối với hành vi “sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa”, ông Bình bị cáo buộc đã sử dụng hơn 179 triệu đồng tiền mua hàng. Tại phiên phúc thẩm, ông Bình khai nhận, sau khi mua 3 lô hàng về nhập tại cửa hàng, ông này bị tai nạn phải đi bệnh viện điều trị, do đó không trực tiếp bán và thu tiền 3 lô hàng trên.
“Khi về thì cửa hàng đã bị giải thể, không đối chiếu được sổ sách nên không biết ai đã bán và ai mua số hàng trên” - cựu cửa hàng trưởng trình bày tại tòa. Cũng trong phiên phúc thẩm, các nhân chứng đều khẳng định lời khai của ông Bình là đúng.
Hơn một thập kỷ qua ông Bình "gõ cửa" kêu oan khắp nơi.
Ngoài ra, tòa phúc thẩm viện dẫn căn cứ để cấu thành tội "sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa" phải “gây hậu quả nghiêm trọng”. Tại Thông tư liên tịch số 01/1998, “hậu quả nghiêm trọng” được hiểu gây thiệt hại về tài sản từ 300 đến 500 triệu đồng, do đó số tiền hơn 179 triệu không đủ cấu thành tội danh này.
Với những đánh giá trên, tòa phúc thẩm - Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử ngày 16/3/2000, tuyên bố ông Phạm Đức Bình không phạm tội “tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” và “sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa”, đình chỉ vụ án hình sự đối với ông Bình.
Tuy nhiên, từ sau phiên phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao đến nay, ông Bình vẫn chưa chính thức được xin lỗi, bồi thường.
Bỗng nhiên thành thất nghiệp, vô gia cư
Thấy chúng tôi tới thăm, ông Bình lật đật thu dọn vội đống đồ đạc để lấy chỗ cho khách ngồi, ông phân trần: “Nhà chật chội quá, chỉ có 12m2 nên chẳng có chỗ mà cất gọn đồ đạc”. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, một cửa hàng đang ăn nên làm ra bị đóng cửa đột ngột, biến một vị cửa hàng trưởng năng động thành kẻ tội phạm, đẩy cả gia đình ông ra đường không một xu dính túi.
Vẫn chưa hết xúc động khi nhắc lại quá khứ đen tối, ông Bình kể, tháng 6/1997, ông bị tai nạn vỡ bàng quang phải nằm viện gần 4 tháng, bao nhiêu tiền dành dụm cho con ăn học phải dốc ra để giữ mạng sống cho ông.
Khi sức khỏe tạm hồi phục, ông quay lại công việc chưa được bao lâu thì nhận được quyết định đình chỉ hoạt động cửa hàng. Sau đó, ông bị khởi tố và lĩnh án 30 tháng tù giam cho những tội danh mà ông không hề phạm phải.
Theo ông Bình, sau này khi kiểm tra sổ sách thu chi cũng như thu thập những lời tố cáo của các nhân viên trong cửa hàng thì sở dĩ công ty đình chỉ cửa hàng, ông bị đổ tội là bởi, khi ông nằm viện điều trị thì kế toán của cửa hàng là con gái vị Bí thư đảng ủy kiêm Phó Tổng giám đốc công ty, đã thu tiền của khách rồi bỏ túi không nộp về quỹ cửa hàng, để bảo vệ cô kế toán này, người ta đã đổ hết tội lên đầu ông. Rất may, sau 3 năm kêu oan khắp nơi, đến năm 2001, ông đã được tòa phúc thẩm tuyên vô tội.
Thế nhưng lúc này một bi kịch khác lại mở ra với ông, đó là số tiền cô kế toán chiếm đoạt không hoàn trả lại cho cửa hàng, những người mua chịu hàng thì không thừa nhận nợ, ông buộc phải bán nhà để lấy tiền trả cho những nhà cung cấp hàng cho cửa hàng. Từ đó, ông dắt vợ con đi thuê nhà ở.
Ông Bình liên tục gửi đơn khiếu nại lên công ty.
Vẫn chưa hết, sau 3 năm hầu kiện, khi quay về công ty để yêu cầu lãnh đạo bố trí công việc mới cũng như những bồi thường những tổn thất về vật chất nhưng lãnh đạo công ty lại làm ngơ, không giải quyết, ông tiếp tục thất nghiệp. Không nghề nghiệp, con cái nheo nhóc, cả nhà phải dắt díu nhau thuê trọ xung quanh thành phố.
Khó khăn vẫn chưa hết khi xí nghiệp giặt là, nơi bà Nguyễn Thị Thịnh, vợ ông Bình đang làm việc, không có việc làm cho công nhân nên bà Thịnh buộc phải nghỉ không lương. Hai vợ chồng cùng không có việc làm, không nhà không cửa, không tiền bạc trong khi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, khiến nhiều lúc vợ chồng ông Bình như quỵ ngã. “Nhiều đêm không ngủ được, tôi cứ nghĩ mình có làm điều gì thất đức đâu mà ông trời lại hại tôi đến mức này. Tôi thấy mất niềm tin và vô cùng tuyệt vọng nhưng vẫn phải cố gượng để nuôi con và đòi lại công lý”, ông Bình tâm sự.
Hai vợ chồng lăn lộn đủ nghề để kiếm sống nhưng vẫn không đủ trang trải, thương con, bố mẹ vợ ông Bình gọi con cháu về ở cùng. Vậy là vợ chồng, con cái ông dắt díu nhau về căn nhà 12m2 trên phố Nguyễn Hữu Huân. 7 người ở trong căn nhà bé như bao diêm, đến bữa ăn không đủ chỗ ngồi, cả nhà phải thay phiên nhau vào ăn cơm. Cực nhất là chỗ nằm, mỗi khi đi ngủ cả nhà phải nằm xếp bằng như cá trong hộp mới đủ chỗ. Quá chật chội, ông Bình đành phải ra bãi Phúc Tân thuê một túp lều để đêm về ngủ, nhường chỗ cho vợ con ở nhà.
Ngồi nghe chồng kể lại những ngày tháng cơ cực, bà Thịnh không cầm được nước mắt, “Ngay cả khi anh ấy bị kết tội, tôi vẫn tin anh ấy, vì tôi hiểu cái tâm cái đức của anh ấy, anh không bao giờ làm việc phi pháp”, bà Thịnh chia sẻ.
Hỏi về nguyện vọng, vợ chồng ông Bình đều mong muốn được tòa án, Công ty Thi công cơ giới và Xây lắp (nay là Công ty Cổ phần Thi công cơ giới và Xây lắp) bồi thường danh dự và những tổn hại về vật chất mà ông và gia đình đã phải gánh chịu hơn một thập kỷ qua. Ông Bình khẳng định, “Nếu công ty của không chịu bồi thường thiệt hại về kinh tế, không giải quyết các quyền lợi, chế độ cho tôi như những cán bộ, công nhân khác trong công ty tôi sẽ khởi kiện ra tòa”.