Sau lời hứa hẹn 20 năm nữa sẽ gặp lại, hoàng đế Càn Long không ngờ rằng sẽ gặp được một người khiến mình gắn bó gần như cả cuộc đời dù không phải phụ nữ.
Hoàng đế Càn Long sinh năm 1711 và mất năm 1799, là vị vua thứ 6 của nhà Thanh và cũng là vị vua có tuổi thọ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trong khoảng 60 năm ngồi trên ngai vàng, Càn Long đã mở rộng vô số lãnh thổ, chính sách đối nội đối ngoại đều thành công, đạt được nhiều thành tựu trong văn hóa nghệ thuật.
Về cuộc sống riêng tư, vua Càn Long cũng được coi là vị vua vô cùng phong lưu, đa tình với hàng trăm phi tần, mỹ nữ trong hậu cung. Thế nhưng điều đó dường như chưa đủ, lịch sử còn ghi lại mối tình của vị hoàng đế này với một "mỹ nam" mà nghe đến tên ai cũng biết, đó chính là Hòa Thân.
Mối duyên tiền kiếp với một vị phi tử
Có rất nhiều dị bản nói về mối quan hệ giữa hoàng đế Càn Long với Hòa Thân khiến người đời cảm thấy tò mò, khó hiểu. Trong số đó, câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất chính là Hòa Thân - là truyền kiếp của một vị phi tử vì Càn Long mà chết.
Hoàng đế Càn Long.
Theo đó, khi Càn Long còn nhỏ, mới chỉ là một hoàng tử, trong một lần đi dạo đã nhìn thấy một vị phi tử xinh đẹp của bố mình - vua Ung Chính - đang ngồi chải đầu. Vốn tính tò mò và nghịch ngợm, Càn Long đã nảy sinh ý định trêu đùa vị phi tử này. Ông đến gần và bịt mắt nàng từ phía sau. Bị giật mình, vị phi tử đã vô tình đập trúng chiếc lược gỗ vào mặt Càn Long.
Ngày hôm sau, vua Ung Chính thấy trên mặt con trai có vết xước, liền gặng hỏi nhưng Càn Long không dám trả lời. Mãi sau đó, ông mới thú nhận sự thật. Thái hậu khi đó rất tức giận, cho rằng vị phi tử kia muốn đùa giỡn và xúc phạm Càn Long nên đã ban cho nàng cái chết.
Càn Long vô cùng hối hận vì gây ra cái chết cho vị phi tử này, do đó khi nàng ra đi, ông đã đánh dấu một vết máu đỏ lên tay nàng cùng lời hứa hẹn: "Là ta đã hại chết nàng. Nếu linh hồn nàng linh thiêng, 20 năm nữa chúng ta sẽ gặp lại nhau".
Không biết thực hư thế nào nhưng nhiều năm về sau, Càn Long nối ngôi vua, trong một lần ra ngoài đi dạo không thấy lọng vàng, liền tức giận trách hỏi. Lúc này, một Loan nghi vệ (công việc cụ thể là khiêng kiệu) có tên Hòa Thân đã đứng ra nhận lỗi. Ngay khi vừa nhìn thấy Hòa Thân, vua Càn Long đã có cảm giác quen thuộc như từng gặp gỡ qua. Sau đó, ông còn sửng sốt hơn khi thấy trên tay cổ tay của Hòa Thân cũng có một vết bớt đỏ. Năm đó, Hoà Thân mới chỉ ngoài 20 tuổi.
Tranh vẽ Hòa Thân.
Nhớ lại những chuyện trước đây từng xảy ra, đặc biệt là lời hứa của mình, vua Càn Long tin chắc rằng Hòa Thân chính là do vị phi tử đã chết năm nào đầu thai mà thành.
Mối quan hệ khó hiểu khiến cả triều đình chao đảo
Khác với tạo hình gian xảo và xấu xí trên phim ảnh, ngoại hình của Hòa Thân được sử sách Trung Quốc ghi chép lại vô cùng đặc biệt. Ông được miêu tả là người có dung mạo rất đẹp, da trắng, môi đỏ, khuôn mặt sắc nét rất quyến rũ, cử chỉ trang nhã xinh đẹp chẳng khác gì nữ nhân. Cũng chính vì vậy mà Hòa Thân được mệnh danh là "Mãn Châu đệ nhất tuấn nam". Thậm chí, vẻ đẹp của Hòa Thân được một số tài liệu ghi rằng còn diễm lệ hơn cả phi tần của Càn Long.
Hoàng đế nhận thấy rằng ngoại hình của Hòa Thân có nhiều nét hao hao vị phi tần đã chết năm nào, do đó nảy sinh sự yêu mến và áy náy, muốn được bù đắp. Chính từ đó, sự nghiệp thăng tiến của Hòa Thân lên như diều gặp gió, từ một thị vệ bé nhỏ trở thành một tể tướng, dưới một người mà trên vạn người.
Nhân vật Hòa Thân trên phim ảnh.
Hòa Thân được vua Càn Long vô cùng sủng ái và yêu quý, thậm chí còn bỏ bê các phi tần trong hậu cung để ngày ngày quấn quýt bên Hòa Thân. Nhiều tài liệu lịch sử ghi chép lại, nếu ngày nào không gặp được Hòa Thân thì hoàng đế sẽ bứt rứt không yên, do đó ngày nào cũng cho triệu vị đại thần này vào cung hầu hạ mình. Sau này, Càn Long còn gả cô công chúa mà mình hết mực yêu thương - Cố Luân Công chúa - cho con trai của Hòa Thân và phong hiệu "Phong Thân Ân Đức".
Được sự ưu ái của vua Càn Long, Hòa Thân bắt đầu lộng hành trong triều đình. Năm 1776, ông nhậm chức Hộ bộ thị lang. 2 tháng sau, ông được phép hành tẩu tại Quân cơ đại thần, 1 tháng sau nữa được phong làm đại thần Tổng quản Nội vụ phủ. Cùng năm đó, Hòa Thân nhậm chức Phó Đô thống Mãn Châu Tương Hoàng kỳ, Quốc sử quán Tổng tài, trở thành quan Nhất phẩm.
Năm 1780, Hòa Thân được thăng chức Hộ bộ thương thư sau khi lập công lớn giải quyết một vụ tham nhũng. Sau năm 1784, Hòa Thân nhận rất nhiều chức vụ khác nhau và đều là quan nhất phẩm chánh hoặc nhất phẩm tòng. Đến tháng 7 năm đó còn được phong Nhất đẳng Nam, năm 1788 là Bá tước trung tương, năm 1795 được phong là công tước. Thời đó tước vị chia 5 bậc theo thứ tự từ cao xuống thấp là: công, hầu, bá, tử, nam. Thêm vào đó công tước, hầu tước đều cao hơn quan nhất phẩm.
Nhân vật Hòa Thân trên phim ảnh.
Hòa Thân được biết đến là một đại tham quan nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Nhờ sự dung túng của Càn Long, Hòa Thân ngày càng làm loạn chốn quan trường, liên tục vơ vét và thao túng, nhận hối lộ, tham nhũng của cải của nhà nước. Của cải của Hòa Thân nhiều đến mức trong dân gian có tương truyền rằng "Cái Càn Long có Hòa Thân có, cái Càn Long không có chưa chắc Hòa Thân không có". Tổng cộng gia sản của Hòa Thân ước tính vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, nhiều lời đồn cho rằng nó còn tương đương số tiền mà quốc khố nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được.
Tuy nhiên, Hòa Thân không phải là một vị quan bất tài, chỉ nhờ sự sủng ái của vua mà thăng tiến. Tương truyền, ông tinh thông 4 thứ tiếng là Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, lại nằm lòng Tứ thư, Ngũ kinh. Bên cạnh đó, Hòa Thân còn có tài chính trị, quân sự, ngoại giao, lập được nhiều công lớn trong lịch sử. Năm 1799, Hòa Thân qua đời, chỉ 15 ngày sau khi vua Càn Long băng hà.