Vì quá quen thuộc trong việc từng phát hiện bọ xít hút máu người tại căn nhà này trước đó nên chị Yến không sợ mà bắt bọ xít vào bì nilon.
Lúc 17h50’ ngày 8.1, tại phòng khách của nhà bà Nguyễn Thị Kim Liên, số 31/8 Trần Hưng Đạo, thuộc KV 8, phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn (Bình Định), chị Phan Thị Kim Yến – 54 tuổi con của bà Liên đang xem tivi, đã phát hiện con bọ xít hút máu người đậu trên tường nhà gần tivi. Vì quá quen thuộc trong việc từng phát hiện bọ xít hút máu người tại căn nhà này trước đó nên chị Yến không sợ mà bắt bọ xít vào bì nilon.
Con bọ xít hút máu người mà chị Yến bắt được bỏ vào bì nilon tối ngày 8.1.2014.
Theo quan sát, con bọ xít được lần này đã trưởng thành, bụng đói và có hình dáng, kích cỡ giống hệt những con bọ xít hút máu người mà nhà bà Liên đã bắt được rất nhiều con trong năm 2012 và năm 2013. Theo đó, con bọ xít có 3 đôi chân, vòi chích dài, cứng và nhọn, sau lớp cánh mỏng trên lưng có những vạch ngang màu vàng nâu, phần bụng dẹt và to, rìa bụng có 5 viền màu vàng, toàn thân màu nâu đen.
Được biết, trước đó, trong giữa tháng 7.2013, nhà bà Liên bắt được 2 con bọ xít hút máu người tương tự. Đặc biệt hơn, Từ ngày 26.8.2012 đến ngày 15.10.2012, nhà bà Liên liên tục bắt được 5 con bọ xít hút máu người đã trưởng thành ngay trong phòng khách nhà mình. Trong đó, ngày 4 và ngày 5.9.2012, tại nhà bà Liên, đoàn cán bộ Khoa Côn trùng của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn cũng đã xuống điều tra và phát hiện ra ổ bọ xít hút máu người trong tủ quần áo và nền nhà, qua đó bắt được có 5 con bọ xít, trong đó có 3 con trưởng thành và 2 con mới lớn. Đoàn khẳng định đây là loài bị xít hút máu người nên đã phun hóa chất bao vây ổ bọ xít. Tuy nhiên, sau đó nhà bà Liên tiếp tục phát hiện có bọ xít.
Không những ở nhà bà Liên, trong thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn TP. Quy Nhơn cũng liên tục phát hiện và bắt rết nhiều bọ xít hút máu người. Điển hình như ngày 19.6.2013 và ngày 30.6.2013, hai người dân ở phường Quang Trung và phường Lê Hồng Phong, TP. Quy Nhơn đã phát hiện 2 ổ bọ xít hút máu người, mỗi ổ từ 7 – 12 con.
Theo nghiên cứu của Khoa Côn trùng thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, những con bọ xít hút máu người mà người dân phát hiện tại TP. Quy Nhơn đều thuộc giống Triatoma Laporte 1832. Giống bọ xít này có nguồn gốc Nam Mỹ nhưng các nhà khoa học xác định là đã có mặt tại Việt Nam hơn 20 năm trước. Thời gian qua, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn đã tiếp nhận rất nhiều mẫu bọ xít của người dân gửi đến nhưng chưa có ghi nhận là bọ xít hút máu người truyền nhiễm virút gây ra các triệu chứng như buồn ngủ, hay bệnh tật như ở Nam Mỹ. Chính vì vậy nhân dân không nên hoang mang, Viện khuyến cáo các gia đình khi ngủ nên mắc màn phòng bọ xít đốt; thường xuyên vệ sinh nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ và thông thoáng nhằm hạn chế và không cho bọ xít có cơ hội ẩn nấp và để trứng.