“Tôi rất hiểu mong muốn của người nông dân là thấy được vai trò của Nhà nước mạnh hơn nữa để giải quyết được tận gốc vấn đề, nhưng đây là vấn đề lớn liên quan đến việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp".
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ xoay quanh câu chuyện "điệp khúc" ùn ứ nông sản tại cửa khẩu với Trung Quốc, bên lề cuộc “Tọa đàm về xuất khẩu nông sản, thủy sản” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 17/4.
(Ảnh minh họa: TTXVN)
Thưa Thứ trưởng, tình trạng ùn tắc nông sản (dưa hấu, thanh long…) liên tục xảy ra những năm gần đây tại các cửa khẩu với Trung Quốc. Trách nhiệm của Bộ Công thương trong vấn đề này ra sao?
Đúng là việc “dồn ứ”, “ách tắc” nông sản vẫn thường xuyên tái diễn vài năm trở lại đây. Nguyên nhân thì có cả khách quan, chủ quan. Phần lớn nông sản, trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc là các loại trái cây mang tính thời vụ, được thu gom lên cửa khẩu để xuất sang nước bạn trong một thời gian ngắn, nhằm kịp đáp ứng nhu cầu rất cao của Trung Quốc những ngày lân cận các dịp Lễ, Tết. Do đó, dẫn tới việc lượng hàng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc trong các dịp này có nhiều thời điểm tăng đột biến, gây ách tắc cục bộ tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Ngoài ra, phía đối tác Trung Quốc chỉ nhận thông quan hàng nông sản qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chứ không qua các cửa khẩu khác nhằm tận dụng tối đa chính sách thuận lợi của chính quyền địa phương Trung Quốc.
Tuy nhiên, tình trạng ù ứ hay không cũng còn tùy thuộc rất nhiều vào năng lực thông quan của các lực lượng kiểm soát của 2 nước tại biên giới, cũng như tập quán kinh doanh giữa các doanh nghiệp 2 bên. Nhiều trường hợp DN phía Việt Nam vận chuyển và làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu phía Việt Nam xong, nhưng tới khi làm thủ tục thông quan tại phía nước bạn thì lại “tắc”. Do phía doanh nghiệp Trung Quốc tuyển lựa loại bỏ những lô hàng không đủ phẩm chất… Riêng công đoạn này cũng đã mất rất nhiều thời gian, khiến việc thông quan chậm trễ.
Với tư cách là cơ quan quản lý, liên Bộ Công Thương – Nông nghiệp đã có nhiều văn bản hướng dẫn, khuyến nghị các địa phương và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu nông sản về dung lượng thị trường và điều kiện thông quan…. Chúng tôi cũng lưu ý các Sở Công Thương địa phương và bà con nông dân phải có biện pháp tổ chức sản xuất, canh tác nông sản cho phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế thị trường.
Như năm nay, lường trước tình trạng ùn ứ diễn ra, Bộ đã đề nghị tỉnh Lạng Sơn thành lập các tổ công tác liên ngành để tổ chức hoạt động thông quan dưa hấu nhằm tránh những bất ổn, đảm bảo hiệu quả chung.
Tuy nhiên, vẫn có một nguyên nhân là do sức hút của thị trường nên việc tổ chức sản xuất của người nông dân vẫn không đáp ứng được yêu cầu và mang tính tự phát nhiều hơn. Do vậy, các sản phẩm nông sản nói chung và dưa hấu nói riêng đưa đi tiêu thụ vẫn gặp phải ách tắc, quá tải.
Rõ ràng là trong khi chính sách của cơ quan quản lý không giúp giải quyết được tình trạng ách tắc, ùn ứ, thì ở trong nước thời gian qua việc tiêu thụ mặt hàng dưa hấu đã phải “nhờ cậy” đến sự vào cuộc của những tấm lòng từ thiện, nhằm giúp bà con nông dân tiêu thụ được hàng. Thứ trưởng nghĩ sao về thực tế này?
Hiện các mặt hàng dưa hấu đang được bày bán rất nhiều tại siêu thị và chợ. Tôi cho rằng, việc chung tay chia sẻ của xã hội với người nông dân là điều rất đáng quý. Điều đó cho thấy sức tiêu thụ của thị trường nội địa rất lớn, nếu biết cách khai thác và phát triển sẽ là yếu tố bền vững.
Phía Bộ Công Thương cũng đang có nhiều biện pháp chấn chỉnh trong đó có việc cân đối giữa cung - cầu sản xuất và đặc biệt là cân đối giữa tiêu thụ nội địa với xuất khẩu, bởi trên thực tế thị trường nội địa cũng có nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, do sự thiếu vắng của hệ thống các doanh nghiệp, hệ thống phân phối trên thị trường nội địa trong vai trò “kênh” dẫn dắt tiêu thụ hàng, nên khả năng tiêu thụ mặt hàng này tại thị trường nội địa chậm.
Tình trạng ùn tắc dưa hấu ở cửa khẩu tái diễn nhiều năm mà chưa có giải pháp khắc phục triệt để
Cơ quan quản lý thấy rõ tồn tại này nhưng giải pháp lâu nay đưa ra vẫn không khắc phục được. Phải chăng trách nhiệm quản lý là quá sức đối với liên bộ Công Thương – Nông nghiệp?
Cũng như các mặt hàng khác, mặt hàng dưa hấu phải cần được tổ chức sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi để bảo đảm sự ổn định và bền vững. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò xây dựng cơ chế, cung cấp thông tin về thị trường, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quy hoạch giống cây con, quy trình trồng, công nghệ sản xuất… còn doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp, liên kết cùng người nông dân tổ chức sản xuất kinh doanh.
Theo tôi, nếu không khắc phục và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở đảm bảo hiệu quả của quy mô sản xuất, trình độ công nghệ, cũng như của các chuỗi giá trị thì chúng ta vẫn phải đối mặt với tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu và nghịch lý được mùa rớt giá. Hay hiểu cách khác năng lực cạnh tranh còn yếu kém, giá trị gia tăng thấp, chưa kể sự đứt đoạn giữa các khâu của chuỗi giá trị, người nông dân tiếp tục chịu thiệt thòi trong khi lợi nhuận lại tập trung chủ yếu vào các thương lái.
Tôi rất hiểu mong muốn của người nông dân là thấy được vai trò của Nhà nước mạnh hơn nữa để giải quyết được tận gốc vấn đề này. Đây là vấn đề lớn liên quan đến việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Liệu đến bao giờ hàng nông sản Việt Nam mới có thể chủ động trước thị trường, người nông dân không còn lâm vào cảnh “khóc ròng” mỗi khi hàng “được mùa rớt giá”?
Thực tế này đã đặt ra rất nhiều vấn đề cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Đầu tiên phải nghiên cứu thị trường một cách đầy đủ hơn và cụ thể hơn, đặc biệt là yêu cầu về tính đặc thù của thị trường, khả năng tiêu thụ của thị trường đó và khả năng trong việc tiếp cận thị trường của nhóm sản phẩm đó.
Vì thế, việc nghiên cứu thị trường theo hướng cân bằng giữa thị trường nội địa và xuất khẩu sẽ khắc phục được sự “đứt đoạn” trong khâu thông tin thị trường từ khâu sản xuất (canh tác, thu hoạch và chế biến phục vụ xuất khẩu) cho tới tiêu thụ sản phẩm. Thông tin thị trường thông suốt, không “gãy” sẽ giải quyết được phần nào sự ách tắc tiêu thụ các mặt hàng nông sản, như với dưa hấu và thanh long vừa qua.
Về mặt này trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ có chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo ra mối liên kết giữa các địa phương với nhau. Đồng thời, bộ cũng đang nghiên cứu để xây dựng tiếp cơ chế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiêu thụ phân phối sản phẩm (tiêu thụ nội địa và xuất khẩu) kết nối chặt chẽ với các địa phương và khu vực sản xuất.