Vì phụ huynh cố đợi vắc xin dịch vụ, không cho con tiêm vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, hậu quả là trẻ tiêm chậm lịch, thiếu mũi và mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Muôn ngàn lý do chờ đợi vắc xin
Trong năm 2015, các cơ quan chức đã liên tục phát đi thông báo về việc khan hiếm vắc xin dịch vụ đặc biệt là vắc xin Pentaxim (5 trong 1 của Pháp) và vắc xin Infanrix Hexa (6 trong 1 của Bỉ). Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý chờ đợi các loại vắc xin này khiến cho tình trạng trẻ mắc bệnh đang ngày càng gia tăng.
Có mặt tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, có không ít các bà mẹ dù đã được các nhân viên y tế hướng dẫn, tư vấn và giải thích về lý do khan hiếm vắc xin dịch vụ và khuyên các phụ huynh nên dùng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm phòng bệnh cho con, nhưng tỷ lệ các bà mẹ ôm con ra về nhằm chờ bằng được vắc xin dịch vụ vẫn còn khá cao.
Biển thông báo hết vắc xin "5 trong 1" và "6 trong 1" dịch vụ ngày nào cũng được thông báo, nhưng vẫn có không ít phụ huynh đến hỏi. Ảnh: Lê Phương
Khi tiếp cận với những phụ huynh này, có rất nhiều lý do được đưa ra để lý giải cho việc chờ đợi vắc xin để tiêm cho con. Theo đó, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (37 tuổi, Cống Vị, Ba Đình) cho biết, do có con muộn nên chị rất lo sợ việc tiêm chủng nhỡ xảy ra sự việc gì đối với con, đặc biệt là mũi “5 trong 1” mở rộng, đã có nhiều trường hợp tai biến xảy ra.
Tuy nhiên, khi được giải thích cặn kẽ về việc vắc xin hoàn toàn “vô can” trong các ca tai biến đó và phân tích cho chị Anh biết rằng, vắc xin Quinvaxem cũng là vắc xin nhập ngoại, nhưng được nhà nước trợ giá, lúc này chị Ngọc Anh đã có phần “xuôi xuôi” nhưng cuối cùng chị vẫn quyết định: “Từ giờ đến cuối năm nếu chưa 'săn' được vắc xin dịch vụ mới tiêm mũi mở rộng”.
Như vậy là ngoài một mũi dịch vụ đã tiêm hồi đầu năm 2015, với việc chờ đợi vắc xin con chị Ngọc Anh sẽ tiêm chậm lịch 1 năm và trong khoảng thời gian đó, không thể biết trước được con chị sẽ mắc những bệnh gì.
Giống như chị Ngọc Anh, khi nghe tin có vắc xin “5 trong 1” dịch vụ về, bác Hoàng Thị Bích Thảo (Tân Triều – Thanh Xuân – Hà Nội) đứng trực từ 5 giờ sáng tại điểm tiêm chủng Trung tâm y tế Dự phòng để mong xếp được hàng đầu tiên. Tuy nhiên, khi nhân viên thông báo, đó là thông tin không chính xác, bác Thảo đã ngậm ngùi ôm cháu về, mặc cho các nhân viên y tế tư vấn về việc tiêm vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng để thay thế và phòng bệnh kịp thời cho cháu.
Phụ huynh đưa trẻ đến rất đông từ sáng sớm vì nghe tin vắc xin dịch vụ về. Ảnh: Lê Phương
Ai là người chịu hậu quả?
Mặc dù tại phòng tiêm chủng các phụ huynh luôn “mạnh miệng” cho rằng phải chờ bằng được vắc xin dịch vụ, nhưng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, khi con đã đổ bệnh vì không được tiêm vắc xin đủ mũi, đúng lịch thì các bà mẹ mới nhận ra tầm quan trọng của những mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Có mặt tại khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi Trung ương hay Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chứng kiến các cháu nhỏ đang phải chống chọi với các căn bệnh ho gà, sởi, viêm não…bằng máy thở và các bậc phụ huynh thấp thỏm ngoài cửa phòng bệnh đợi tin con khiến nhiều người phải chạnh lòng.
Tuy nhiên, khi hỏi các bác sĩ về nguyên nhân mắc bệnh thì được biết, đa số các cháu đều chưa được tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ mũi. Cháu N.H.A (ở Nam Từ Liêm) đang phải thở máy vì mắc bệnh ho gà tại khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi Trung ương, dù đã 11 tháng tuổi nhưng mới tiêm được 1 mũi vắc xin phòng bệnh ho gà.
Một trẻ mắc bệnh ho gà vì chưa được tiêm đủ liều và đúng lịch vắc xin tại khoa Truyền Nhiễm - BV Nhi Trung ương. Ảnh: Lê Phương
Theo mẹ cháu H.A, trước đây cháu phải 4 tháng tuổi mới tiêm được vắc xin “5 trong 1” của Pháp ở Viện Kiểm nghiệm Vắc xin Sinh phẩm Quốc gia, sau mũi 1 đó, gia đình vẫn chờ đợi đợt vắc xin mới về để tiêm cho con. Tuy nhiên, đợi mãi vắc xin chưa về, mà con thì đã phải nhập viện do mắc bệnh.
Đó chỉ là 1 trường hợp trong số gần 300 trường hợp nhập viện vì ho gà từ đầu năm 2015 đến nay tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Theo các bác sĩ, đa số các trường hợp khi nhập viện vì mắc bệnh ho gà đều do chưa được tiêm vắc xin đầy đủ hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, PGS.TS Trần Minh Điển, PGĐ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Chính bản thân tôi cũng gặp rất nhiều trường hợp người thân, người quen có tâm lý chờ đợi vắc xin dịch vụ và nghi ngờ vắc xin “5 trong 1” (Quinvaxem). Tuy nhiên, mọi người cần phải hiểu rằng, vắc xin Quinvaxem là loại vắc xin đã được đánh giá chất lượng và lưu hành trên thị trường, nên việc cho trẻ tiêm vắc xin này là hoàn toàn an toàn”.
“Các ông bố bà mẹ không nên chờ đợi vắc xin dịch vụ, bởi chờ đợi sẽ mất kháng thể phòng bệnh. Như vậy là rất nguy hiểm, ví dụ như trường hợp có em bé 8 tháng nhưng mới tiêm được 1 mũi vắc xin dịch vụ, sau đó cứ chờ đợi bao giờ có vắc xin dịch vụ về thì mới tiếp tục tiêm. Trong khoảng thời gian chờ đợi này, trẻ sẽ có nguy cơ mắc các bệnh rất cao”, PGS Điển khuyến cáo.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng) cho biết, cha mẹ không nên chờ văcxin dịch vụ mà bỏ qua lịch tiêm chủng của trẻ. Theo ông Phu, kể từ giữa tháng 3/2015 đến nay đã có trên 30.000 trẻ chờ tiêm văcxin 5 và 6 trong 1 dịch vụ nhưng không có văcxin đã chuyển sang tiêm văcxin 5 trong 1 của tiêm chủng mở rộng.
Tuy nhiên số lượng trẻ chờ tiêm vẫn rất lớn và đã có những trẻ chưa được tiêm ngừa đã bị mắc ho gà. Trong tám tháng đầu năm 2015, số trẻ mắc ho gà vào Bệnh viện Nhi T.Ư tăng gấp hai lần so với cùng kỳ