Với lợi ích kinh tế cao do nhu cầu thị trường ngày càng lớn, lại không tốn nhiều công chăm sóc, mô hình nuôi cá tầm trên vùng núi trong môi trường nước lạnh đang được nhiều hộ nông dân áp dụng, cho lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.
Cá tầm thông thường còn gọi là cá tầm châu Âu, cá tầm Đại Tây Dương hay cá tầm Baltic, có tại tất cả các vùng bờ biển châu Âu. Khi sang thị trường châu Á, loài cá này cũng thích nghi tốt với điều kiện môi trường nuôi. Đây là loại cá nước ngọt chỉ tồn tại và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, đặc biệt là nguồn nước lạnh.
Do điều kiện chăn nuôi khá đặc thù nên tại Việt Nam, người nuôi cá tầm vẫn có lợi thế về thị trường và giá cả. Hầu hết cá tầm tại trang trại của bà con nông dân đều tiêu thụ lượng cá lớn. Với giá bán khoảng 220.000 đồng/kg như hiện nay, người nuôi có thể đạt lợi nhuận khoảng 50%, tương đương 110.000 đồng/kg sau khi trừ mọi chi phí.
Cá tầm là loài nuôi trong môi trường nước lạnh phù hợp.
Cá tầm là thực phẩm cung cấp dinh dưỡng cho tất cả mọi lứa tuổi. Thông thường cá tầm có thịt trắng, dai, có thành phần dinh dưỡng cao, dễ hấp thu và dễ tiêu hóa. Không chỉ vậy, trứng cá tầm được gọi là "thức ăn tình yêu" do hợp chất arginine trong trứng cá có tác dụng tăng lưu thông máu.
Thịt cá tầm có giá trị cao, rất đắt hàng.
Nhận thấy thị trường ổn định, nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn, nhiều người nông dân đã quyết tâm đầu tư nuôi cá tầm nước lạnh, thậm chí bỏ phố lên vùng núi cao để mở rộng trang trại, nhanh chóng làm giàu.
Anh Nguyễn Bá Tấn (quê ở Hà Nội) từng thành công với mô hình chăn nuôi cá tầm ở Lâm Đồng, Lào Cai. Sau khi nhận thấy xã vùng cao Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) có điều kiện khí hậu lý tưởng để phát triển trang trại, anh đã đầu tư nuôi cá tầm.
Anh Tấn phát triển trang trại nuôi cá tầm cho doanh thu hàng chục tỷ đồng.
Bắt đầu khởi nghiệp tại vùng đất mới từ năm 2023, anh Nguyễn Bá Tấn mạnh dạn chi số tiền lớn để đầu tư 22 bể nuôi cá tầm với quy mô trên 3.000m2. Với số vốn đầu tư rất lớn khoảng 40 tỷ đồng, trang trại nuôi cá được xây bằng xi măng kiên cố, nhà chứa bồn để ươm cá tầm, hệ thống dẫn lọc và cấp thoát nước.
Nắm bắt tình hình thị trường và địa hình nơi đây, anh Tấn đặt mua cá tầm giống từ Đức với giá 5.000 đồng/con. Do đã có kinh nghiệm nhiều năm nên khi bắt đầu triển khai nuôi cá tầm tại Tu Mơ Rông anh không gặp phải khó khăn trong kỹ thuật chăm sóc.
Thông thường, mỗi lứa cá sẽ được chăm sóc trong khoảng 10 tháng, khi trọng lượng cá đã đạt khoảng 2kg/con, trang trại bắt đầu cung ứng ra thị trường. Mỗi năm trang trại của anh Tấn nuôi khoảng 50.000 con đạt 100 tấn cá tầm, với giá dao động từ 170.000 – 220.000 đồng/kg, anh Tấn thu về khoảng 17 - 22 tỷ đồng.
Anh Huỳnh Ngọc Thu (quê ở Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng rời phố lên Lâm Đồng tìm kiếm cơ hội với nghề nuôi cá tầm từ năm 2012. Sau nhiều chuyến khảo sát đánh giá khí hậu, nguồn nước, năm 2015, anh quyết định chọn xã Rô Men (huyện Đức Trọng) để xây dựng trang trại cá tầm.
Anh Thu cũng thành công với mô hình nuôi cá tầm.
Trang trại có quy mô gần 13.000m2 của anh Thu gồm 80 bể nuôi cá tầm được xây bằng xi măng kiên cố, nhà chứa bồn để ươm cá tầm, nhà máy sản xuất thức ăn, hệ thống dẫn lọc và cấp thoát nước, nơi làm việc của công nhân... với tổng vốn đầu tư khoảng 40 tỷ đồng.
Theo anh Thu, hiện giá cá tầm giống khoảng 15.000 đồng/con, thời gian nuôi từ khi nhập cá giống đến lúc xuất bán là 15 tháng. Mỗi năm, trang trại cung ứng ra thị trường khoảng 600 tấn cá tầm, chủ yếu tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố phía Nam, tổng doanh thu 10 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 5 tỷ đồng.
Trong khi đó, anh Trần Văn Mạ (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) lại chọn chính mảnh đất quê hương để nuôi cá tầm, phát triển kinh tế. Anh Mạ cũng là người tiên phong nuôi cá tầm giữa núi rừng Khe San vì có vị trí thuận lợi, cây cối bao bọc xung quanh giúp điều hòa không khí.
Anh Mạ phát triển kinh tế tại chính quê hương.
Tại đây, người đàn ông dân tộc Sán Chỉ quyết định đào ao khởi nghiệp. Trên diện tích khoảng 7.000m2, 6 ao nước lớn hình thành theo mô hình bậc thang, mỗi ao rộng chừng 300m2, sâu hơn 1m. Trong đó, 5 ao được phủ bạt lót đáy nuôi cá, một ao để điều tiết nước. Số vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu đồng.
Lứa đầu tiên, anh xuất bán được 2 tấn cá, với giá hơn 200.000 đồng/kg, thu về hơn 400 triệu đồng, gần đủ số vốn đã bỏ ra. Đầu năm 2021, anh nhập thêm khoảng 6.700 con cá tầm giống dài hơn 10cm, có giá 25.000đ/con từ Sapa về thả vào ao. Tuy nhiên, việc nuôi loại cá này không hề dễ dàng. Sau khi học hỏi và rút kinh nghiệm, mô hình nuôi cá tầm của anh Mạ tiếp tục được phát triển.
Hiện tại, trang trại nuôi cá tầm của anh Mạ đang cho doanh thu gần 5 tỷ đồng mỗi năm, sau khi trừ chi phí, anh Mạ bỏ túi khoảng 3 tỷ đồng/năm. Sắp tới, anh Mạ dự định sẽ nhập thêm 4.000 con cá tầm giống, đào thêm ao ở gần nhà hàng cho khách trải nghiệm quy trình nuôi cá và tự tay bắt cá lên chế biến món ăn.