Bố thần kinh, mẹ nén bệnh đưa con đi thi

Ngày 03/07/2015 15:01 PM (GMT+7)

Mặc dù lần đầu tiên ra Hà Nội, lại mang trong mình nhiều bệnh tật nhưng vì chồng bị thần kinh nên cô Nguyễn Thị Mai (Nam Nghĩa, huyện Nam Trực, Nam Định) nén bệnh đưa con đi thi.

Ở trọ một ngày, mất đứt tạ thóc

Chờ con ở ghế ngồi chờ xe buýt đối diện với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) - điểm thi của Trường ĐH Bách khoa, cô Nguyễn Thị Mai (50 tuổi) đứng ngồi không yên, lòng như lửa đốt, mặt dù cả cô và cậu con trai Mai Công Kiên cũng đã xác định sẽ cố gắng hết sức mình, dù kết quả thi có ra sao.

Đau đáu nhìn về phía bên kia đường, nơi cậu con trai đang dự thi, cô Mai tâm sự, hai hôm nay cô và con trai đều không ngủ được, phần vì nóng, phần vì áp lực. Kiên ôn bài đến 3 - 4 giờ sáng, ngủ được khoảng hơn một tiếng là phải dậy, tranh thủ ăn sáng rồi ra trường thi. Biết con mệt mỏi, cô động viên con cố gắng, đừng vì áp lực mà ảnh hưởng tới sức khỏe rồi không làm được bài.

Bố thần kinh, mẹ nén bệnh đưa con đi thi - 1

Cô Nguyễn Thị Mai (ngồi ngoài cùng bên trái) đang ngồi chờ con bên ngoài trường thi. Ảnh: Q.Huy

Nói về chuyện gia đình, cô Mai chia sẻ: “Kiên là con duy nhất. Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng nên thiếu thốn quanh năm. Nhiều năm qua gia đình luôn nằm trong diện hộ nghèo của xã”.

Đây là lần đầu tiên hai mẹ con  cô Mai ra Hà Nội, trong túi chỉ vỏn vẹn hơn 2 triệu đồng, số tiền bán 4 tạ thóc vừa thu hoạch vụ vừa rồi. Dù không quen đường sá, nhưng gặp được các tình nguyện viên đưa về điểm thi, qua khu nhà trọ nhờ người quen đặt trước. “Nhưng chủ nhà lấy 1,5 triệu đồng chỉ cho 3 ngày nên mẹ con tôi không ở nữa. Giữa lúc khó khăn, các cháu tình nguyện đã đưa đến ở nhà bác Chén trong khu Thượng Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), bác ấy cho ăn, ở không lấy tiền. Cũng may mà chỉ đặt 500.000 đồng ở chỗ trọ trước, chứ ở đó mấy ngày mất cả mấy tạ thóc”, cô Mai kể.

Không dám kể chuyện thi cử với mẹ

Thiếu thốn, nghèo khó là vậy bởi cách đây 7 năm, chồng cô Mai phát bệnh thần kinh, không đỡ đần gì được. Tuy gia đình đã vất vả ngược xuôi để chữa trị, nhưng bệnh tình vẫn không giảm. Đã vậy, cách đây một năm, chồng cô không may bị bỏng nặng ở cánh tay phải, đưa lên viện phải tháo khớp đốt ngón tay, cả bàn tay cụt hết ngón. Sau tai nạn đó, chồng cô tự lo cho bản thân còn khó, huống chi là giúp đỡ gia đình. Mọi công việc gia đình đều một mình cô Mai lo liệu.

Lau mồ hôi, cô Mai chia sẻ thêm: “Không chỉ chồng, mà bản thân tôi cũng bị nhiều bệnh tật. Nhiều năm rồi tôi phải chống chọi với bệnh thoái hóa đốt sống cổ và lưng, viêm loét dạ dày, đại tràng, có khối u ở dạ dày. Từng ấy bệnh cũng để tôi ốm đau, mệt mỏi, sức khỏe kém mà vẫn phải gượng dậy để chăm sóc chồng con. Hàng ngày tôi dậy sớm đi làm ruộng, vườn, tranh thủ đi bán những mớ rau, cân hành ngoài chợ... Vất vả là thế, nhưng mỗi ngày cũng chỉ kiếm được khoảng 30.000 đồng, chẳng dám mơ ăn uống gì, chỉ mong đủ tiền đóng học cho con”.

Chia sẻ về chuyện thi cử, Mai Công Kiên cho biết, lực học của em bình thường, nên em cũng cố gắng ôn tập để có một kết quả thi theo mong muốn. Năm nay em chỉ thi 4 môn, trong đó môn Vật lí là môn tự chọn. Để tránh bị áp lực, cũng như gây lo lắng cho mẹ và gia đình, em cũng đã thống nhất là sau buổi thi thì không được đề cập tới việc làm được bài hay không. Có gì sau khi kết thúc kỳ thi hoặc về nhà em mới nói chuyện về thi. Em đã đặt quyết tâm dự thi vào ngành Công nghệ Thông tin của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

“Nếu đỗ đại học, em sẽ cố gắng học tập tốt, em nghĩ rằng ngành Công nghệ Thông tin luôn cần nguồn nhân lực, ra trường dễ xin việc hơn các ngành khác. Gia đình em thì nghèo, bố mẹ thì ốm đau liên miên. Nếu không vào được đại học, em sẽ đi xin vào trường nào đó để học nghề sửa chữa ôtô. Công việc sẽ giúp em ra trường sẽ có việc làm ngay để giúp đỡ phần nào cho mẹ mua thuốc”, Mai Công Kiên hy vọng.

Chàng tân binh đi thi THPT Quốc gia

Bố thần kinh, mẹ nén bệnh đưa con đi thi - 2

Thí sinh Bùi Minh Đức với ước vọng muốn thi đỗ Trường Sĩ quan Chính trị để gắn bó lâu dài trong quân đội.

Trong ngày thi thứ hai (2/7), tại Hội đồng thi Trường ĐH Thủy lợi Hà Nội, không ít thí sinh, phụ huynh “ngỡ ngàng” khi xuất hiện hình ảnh có đến 5 thí sinh trong trang phục quân ngũ tới dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Đó là những thí sinh đang là “tân binh” thuộc Lữ đoàn Thông tin 26 - Quân chủng Phòng không không quân (đường Trường Chinh, quận Thanh Xuân). Bùi Minh Đức (SN 1995, quê ở Hạ Long, Quảng Ninh) chia sẻ, đây là lần thứ hai em dự thi đại học, nhưng lần này là bộ đội đi thi nên có cảm giác rất “lạ”. Quân nhân tại ngũ nên mọi người nhất là các bạn thí sinh trẻ rất chú ý.

Chia sẻ về chuyện thi cử, Bùi Minh Đức cho biết, em dự thi khối C. Lần này đi thi em có cảm giác bình thường, không bị áp lực cho lắm. Đi dự thi, em được lãnh đạo đơn vị, đồng đội cổ vũ và tạo điều kiện rất nhiều. Cả gia đình, bố mẹ, anh chị cũng hết sức động viên, thăm hỏi thường xuyên. Tuy nhiên, do là tân binh, thời gian huấn luyện rất nhiều, nên thời gian ôn tập không nhiều, tranh thủ lúc đêm, hay lúc rỗi để học. Các kiến thức là có sẵn, nên học lại cũng thuận lợi. Em quyết tâm thi đỗ Trường Sĩ quan Chính trị để gắn bó lâu dài trong quân đội.

Nói thêm về đề thi, đặc biệt là ở môn Ngữ văn, Minh Đức cho biết: “Đề thi Ngữ văn tương đối phù hợp, cơ bản là về lối sống của giới trẻ hiện nay. Vô cảm là vấn đề cần quan tâm, giới trẻ hiện nay mà vô cảm thì ảnh hưởng nhiều đến tương lai đất nước. Trong đề thi cũng có câu hỏi đề cập đến Trường Sa - Hoàng Sa, đây là câu hỏi rất hay. Chủ quyền Tổ quốc là thiêng liêng, trong đó giới trẻ cần phải đồng lòng đoàn kết để bảo vệ biển đảo quê hương”.  

 Thanh Hằng

Để nhận ngay ĐÁP ÁN ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT QG năm 2015, soạn tin:

DATN gửi 8702

VD: Thí sinh thi Môn Địa Lý, soạn tin:

DATN DIA gửi 8702

Xem chi tiết Bấm đây

Theo Quang Huy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan