Bộ trưởng quan niệm: "Chỉ những gì đã chắc chắn thì mới nên làm trước, những gì chưa “chín” có thể chờ đợi để rút kinh nghiệm. Giáo dục phải bền vững chứ không nóng vội”.
Trong buổi làm việc với Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM) sáng 6/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ghi nhận những ý kiến phản ánh của giáo viên về việc thực hiện Thông tư 30.
Cô Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, năm nay là năm thứ 2 nhà trường thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30 của Bộ GDĐT nhưng vẫn còn không ít hạn chế.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm các phòng học tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm
Theo cô Thúy, với 1.800 học sinh, trung bình mỗi lớp có 45 em nên việc giáo viên ghi nhận xét vào vở cho từng em, sát sao từng quyển vở là rất khó. Mặc dù cũng đã có biện pháp tháo gỡ bằng cách trong mỗi tiết học giáo viên được cân nhắc nhận xét một tỉ lệ học sinh nhất định nhưng việc nhận xét ít học sinh lại làm thầy cô không yên tâm.
Ngoài những nhận xét bằng lời trong tiết học, các giáo viên luôn cố gắng nhận xét nhiều, nhận xét hết học sinh bởi đây còn là cách tương tác giữa giáo viên và phụ huynh học sinh. Chính điều đó tạo thành áp lực không nhỏ cho giáo viên, vì thế nhà trường rất mong Bộ, Sở có chỉ đạo để thầy cô thực hiện Thông tư 30 được thuận tiện hơn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trong đổi mới toàn diện giáo dục, Thông tư 30 là một trong những bước đi của việc đổi mới nhằm chuyển từ phương pháp dạy truyền thụ kiến thức sang phát huy khả năng của học sinh.
Mục tiêu, ý nghĩa của Thông tư 30 rất tốt, nhằm đánh giá mọi mặt của học sinh, giúp học sinh tự hoàn thiện mình chứ không lấy điểm thi làm áp lực so sánh. Nhưng khi áp dụng vào thực tế không tránh được vướng mắc. Bộ đang chỉ đạo rà soát, đánh giá việc thực hiện này một cách nghiêm túc.
Đối với những địa phương, thành phố có sĩ số lớp quá đông phải làm thế nào để tránh duy ý chí. Chủ trương, phương thức tốt nhưng nếu áp dụng không khéo thì sẽ thành dở.
Bộ trưởng gợi ý, với những trường, lớp có quá đông học sinh thì nên thực hiện theo hướng thí điểm, mỗi trường lựa chọn một vài lớp, tập trung làm thí điểm trong 1, 2 năm hay 5 năm, rồi nhân rộng theo lộ trình chứ không phải dàn hàng ngang ngay một lúc. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Cố gắng nhanh nhưng không phải vì nhanh mà hỏng”.
Thực hiện Thông tư 30 không có nghĩa là giáo viên từ bỏ hoàn toàn việc đánh giá bằng điểm số, mà các giáo viên cần ứng dụng công nghệ thông tin để lượng hóa những đánh giá này (đánh giá theo các mức A, B, C, D). Cùng với đó, để Thông tư 30 thực sự có hiệu quả, cần có sự tham gia đồng thuận của phụ huynh.
“Có khung, có lộ trình và không thể thiếu được sự đầu tư. Với những lớp học có sĩ số học sinh lớn cần phải tăng cường thêm giáo viên. Và khi yêu cầu giáo viên đánh giá học sinh kỹ hơn, toàn diện hơn thì lương thưởng cũng phải thay đổi. Không tăng thu nhập khi công việc phát sinh là không công bằng đối với giáo viên” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về mô hình "trường học mới", Bộ trưởng quan niệm: "Chỉ những gì đã chắc chắn thì mới nên làm trước, những gì chưa “chín” có thể chờ đợi để rút kinh nghiệm. Giáo dục phải bền vững chứ không nóng vội”.