Thông tư 30: Rất nhân văn và tiến bộ?

Ngày 24/05/2016 09:30 AM (GMT+7)

Năm thứ hai thực hiện Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học không qua chấm điểm, tuy nhiên các trường vẫn chưa hết bối rối, lo lắng trong việc đánh giá, khen thưởng học sinh. Tại một số trường 100% học sinh được khen thưởng.

Thiếu hướng dẫn khen thưởng

Bà Nguyễn Xuân Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Marie Curie Hà Nội cho rằng, từ khi thực hiện Thông tư 30 giáo viên lẫn Ban Giám hiệu đều rất bối rối khi đánh giá, khen thưởng học sinh. Cả quá trình học tập giáo viên không chấm điểm học sinh nhưng đến cuối năm học lại kiểm tra, lấy điểm đánh giá làm căn cứ để tuyên dương, khen thưởng là chưa đảm bảo tính khách quan.

Bà Lan cho biết, năm học này Trường tiểu học Marie Curie có 100% học sinh được khen thưởng. Nếu thực sự xuất sắc thì mỗi lớp giáo viên chỉ chọn ra được khoảng vài em nhưng trên tinh thần mỗi học sinh đều phải có một điểm mạnh nào đó nên tất cả học sinh đều nhận giấy khen của trường. 

“Không chấm điểm nên cả năm học giáo viên đánh giá học sinh ngoan, rèn luyện các thói quen tốt. Tuy nhiên, đến cuối năm làm bài thi thực chất, có học sinh chỉ đạt điểm 1. Khi đó, chính giáo viên cũng rất hoang mang không biết nên cho học sinh này lên lớp hay ở lại trong khi phụ huynh thì sốc”. Bà Lê Đoan Trang, Hiệu phó trường tiểu học Thực nghiệm (Hà Nội)

Cụ thể, học sinh giỏi được khen chung là: Hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và rèn luyện; học sinh tiên tiến được khen là Hoàn thành nhiệm vụ học tập và rèn luyện. Riêng học sinh có học lực trung bình thì giáo viên phải chọn mặt tốt của mỗi học sinh để đề xuất khen thưởng. Ví dụ như:  Em có năng khiếu nghệ thuật, Em học tốt thể thao, Em rèn luyện tốt phẩm chất năng lực…

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, năm học 2015-2016 trường có hơn 1.600 học sinh thì có hơn 700 học sinh được xếp loại xuất sắc (chiếm 44%). Căn cứ để xếp loại học sinh xuất sắc chỉ dựa vào điểm thi cuối kỳ học sinh đạt được là 10 điểm. 

Theo vị hiệu trưởng này, danh hiệu khen thưởng học sinh tương ứng với lực học trung bình, khá là do giáo viên đề xuất lên nhưng trường rất lúng túng. Bởi hiện nay, mỗi trường làm theo một cách mà không có một định dạng chung. Vì thế, hiệu trưởng này mong muốn được đánh giá học sinh cả một quá trình song song hai hình thức nhận xét và chấm điểm sẽ khách quan hơn.

Thông tư 30: Rất nhân văn và tiến bộ? - 1

Giấy khen học sinh tiểu học thời thông tư 30.

Bà Nguyễn Thị Bích Huệ, Sở GD&ĐT Hải Dương kiến nghị, Thông tư 30 cần có hướng dẫn rõ hơn về khen thưởng, đánh giá học sinh để cơ sở đỡ lúng túng. Theo bà Huệ, dù đã đến năm thứ hai thực hiện Thông tư 30 nhưng cuối năm học nhiều hiệu trưởng vẫn loay hoay trong đánh giá học sinh.

Bà Lê Đoan Trang, Hiệu phó trường tiểu học Thực nghiệm (Hà Nội) chia sẻ, không chấm điểm nên cả năm học giáo viên đánh giá học sinh ngoan, rèn luyện các thói quen tốt. Tuy nhiên, đến cuối năm làm bài thi thực chất, có học sinh chỉ đạt điểm 1. Khi đó, chính giáo viên cũng rất hoang mang không biết nên cho học sinh này lên lớp hay ở lại trong khi phụ huynh thì “sốc”.

Thông tư 30 “nhân văn”?

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội ông Phạm Xuân Tiến cho rằng, Thông tư 30 có phần hướng dẫn về khen thưởng học sinh tuy nhiên hướng dẫn “rất mở” nhằm để các trường chủ động trong việc đánh giá phẩm chất, năng lực học tập, rèn luyện cụ thể của từng học sinh.

Thay vì đánh giá học sinh loại giỏi, khá, trung bình, yếu thì nay đánh giá cụ thể mỗi học sinh tốt về năng lực nào để phụ huynh, học sinh phấn đấu, rèn luyện. 

Ông Tiến cho rằng: “Các hiệu trưởng chỉ quen với cách làm cũ, ngại đổi mới. Việc thay đổi thói quen rất khó, thay đổi nhận thức lại càng khó hơn”, Theo ông Tiến, việc đánh giá, khen thưởng thông tư quy định mở như hiện nay là phù hợp, không cần phải điều chỉnh.

Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) ông Lê Ngọc Định khẳng định, Thông tư 30 rất nhân văn, giải tỏa vấn đề áp lực điểm số cho học sinh. Theo ông Định, giá trị nhân văn của Thông tư 30 chính là lời nhận xét của giáo viên sẽ đánh giá được sự tiến bộ của từng học sinh, không cho phép sự so sánh giữa học sinh này và học sinh khác. Ông Định cũng chỉ ra, mỗi học sinh đều có một mặt mạnh nào đó thì việc các trường lựa chọn điểm ưu của từng em khen thưởng, động viên là điều cần thiết, mang ý nghĩa giáo dục cao.

PGS.TS Nguyễn Trí đánh giá Thông tư 30 rất tiến bộ, phù hợp với việc đổi mới học tập, ngành giáo dục nên kiên trì tuy nhiên cần có giải pháp khắc phục nhược điểm nếu không các trường sẽ mất phương hướng đánh giá học sinh. 

Theo PGS, ở nhiều nước trên thế giới họ cũng chấm điểm, nhận xét học sinh nhưng tránh có sự so sánh giữa học sinh với nhau, giáo viên chỉ thông báo kết quả học tập với phụ huynh, tránh thông báo trước lớp. Ngoài ra, mỗi năm vài lần, giáo viên phải sắp xếp để gặp gỡ phụ huynh của từng học sinh để trao đổi về năng lực học tập, rèn luyện ở trường.

Theo Nguyễn Hà
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h