Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định như trên tại phiên thảo luận tổ về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông chiều 11/11.
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, Bộ GD-ĐT vừa là cơ quan quản lý lại tham gia soạn sách thì khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Trước thông tin này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, tài liệu về đổi mới chương trình sách giáo khoa đã gửi đến đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận
Theo ông, trong tài liệu chỉ nêu những nội dung lớn về mục tiêu, nội dung, nguyên tắc, quan điểm để Quốc hội cho chủ trương, khi Quốc hội đồng ý sẽ phải tính toán rất chi tiết tất cả các vấn đề đại biểu nêu.
“Bộ GD-ĐT sẽ không vừa đá bóng, vừa thổi còi trong việc thẩm định sách giáo khoa”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định.
Bộ trưởng Luận cho biết, hiện tại chưa thể khẳng định có bao nhiêu bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT dự kiến có khoảng 4 bộ. Hiện tại, Bộ GD-ĐT cũng tính dự toán kinh phí thẩm định cho 4 bộ.
Bên cạnh đó, qua 3-4 lần viết sách, lực lượng tham gia viết không nhiều. Trong những người có thể có kinh nghiệm viết, lại không phải ai cũng sẵn sàng. Vì viết phải bỏ hẳn công việc, tập trung viết trong thời gian nhất định.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, sách viết sẽ không như trước mà theo cách tiếp cận mới.
Bộ trưởng GD-ĐT cũng không đồng tình khi có ý kiến băn khoăn Bộ vừa biên soạn, lại vừa thẩm định sách giống như vừa đá bóng, vừa thổi còi, không có chỗ cho nhóm viết sách khác.
Lý do, Bộ GD-ĐT chưa bao giờ trực tiếp viết mà chỉ tổ chức tập hợp các nhà khoa học, nhà giáo, nhà văn hóa, giáo viên… viết sách.
Việc thẩm định cũng vậy, tuy nói là Bộ thẩm định nhưng là Hội đồng bao gồm các nhà khoa học, nhà văn hóa giáo viên uy tín.
Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, quy định Bộ GD&ĐT soạn bộ SGK là phù hợp. SGK dù của Bộ hay cá nhân xây dựng nếu được chấp nhận thì đều được sử dụng trong nhà trường và được Nhà nước đứng ra tập huấn và phổ biến cho học sinh.
Các đơn vị đều có quyền lựa chọn một bộ sách chất lượng, phù hợp. Quy định như thế buộc anh phải biên soạn tốt để nhiều người mua, anh biên soạn không tốt thì anh bị thua lỗ, anh phải chịu.