“Khi nghe thông tin về sự việc này tôi cũng cảm thấy đau xót và buồn cho nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, vì muốn làm đẹp đã phải trả giá bằng mạng sống”.
Sáng nay 26-10, trong văn bản trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ: “Khi nghe thông tin về sự việc này tôi cũng cảm thấy đau xót và buồn cho nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, vì muốn làm đẹp đã phải trả giá bằng mạng sống”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Tôi cảm thấy đau xót và buồn cho nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền
* Phóng viên: Bộ trưởng nhận định như thế nào sau vụ việc liên quan đến bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường- Bệnh viện Bạch Mai?
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đây là sự việc hết sức nghiêm trọng, là nỗi đau xót của ngành Y tế. Một bác sĩ đã vì đồng tiền mà coi thường pháp luật, coi thường mọi quy chuẩn về đạo lý và trên hết là coi thường tính mạng của người khác thì không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ rằng hành động của bác sĩ Tường, không còn là biểu hiện y đức xuống cấp mà là hành động phi nhân tính của một con người.
Không riêng bản thân tôi, mà tất cả cán bộ, nhân viên trong ngành y tế đều trải qua các cung bậc cảm xúc trước sự việc trên, từ chỗ thấy choáng váng, sốc, đến phẫn nộ, đau xót và buồn. Chúng tôi cảm thấy choáng và sốc vì không thể tưởng tưởng nổi một bác sỹ lại có thể hành động như vậy, phẫn nộ vì vị bác sĩ này đã phản bội lời thề Hippocrates, bất tuân luật pháp và các quy định, sai phạm về pháp luật - hoạt động không phép, hành nghề không đúng chuyên khoa, vi phạm nghiêm trọng quy chế chuyên môn, làm liều dẫn đến tử vong cho nạn nhân.
Việc vứt xác nạn nhân xuống sông hòng phi tang là một hành động không còn tính người. Chúng tôi cũng cảm thấy buồn và đau xót vì một cán bộ trong ngành, còn trẻ, được đào tạo, có cả con đường rộng mở phía trước, đã phạm một sai lầm không thể tưởng tượng nổi, để phút chốc phá đổ tất cả sự nghiệp, tiền đồ, tương lai của bản thân mình, làm ảnh hưởng đến gia đình, làm hoen ố màu áo trắng của bác sĩ. Chúng tôi hết sức bất bình và lên án hành vi không thể chấp nhận được của bác sĩ Tường.
Khi nghe thông tin về sự việc này tôi cũng cảm thấy đau xót và buồn cho nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, vì muốn làm đẹp đã phải trả giá bằng mạng sống. Gia đình chị đã mất đi một người con, một người vợ, một người mẹ. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình nạn nhân về những đau thương, mất mát này.
Bộ trưởng Y tế cho rằng nói nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền vì muốn làm đẹp đã phải trả giá bằng mạng sống - Ảnh: Các thợ lặn đang lặn tìm kiếm thi thể nạn nhân ở sông Hồng
* Cho đến thời điểm vụ việc “phi tang xác nạn nhân” được phát hiện thì cả BV Bạch Mai, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đều không biết sự tồn tại của Thẩm mỹ viện Cát Tường. Đến thời điểm này chưa có cơ quan nào được coi là liên đới trách nhiệm với vụ việc của bác sĩ Tường. Theo Bộ trưởng, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này?
- Luật khám bệnh, chữa bệnh cho phép các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được làm ngoài giờ ở các cơ sở đó phải được cấp phép hoạt động khi làm các thủ tục xin phép họ phải cáo với cơ quan quản lý trường hợp của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường có thể do bác sĩ đã không báo cáo với BV Bạch Mai nên BV không biết bác sĩ có sơ sở kinh doanh này.
Tôi cho rằng để xảy ra sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về nhiều phía, trước hết là của chính cá nhân người vi phạm, của các cấp sở tại và quản lý ngành. Cá nhân bác sĩ Tường đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức cơ bản của một con người nói chung và đạo đức của người thầy thuốc nói riêng; hành vi trên thể hiện ý thức rất kém trong việc chấp hành pháp luật, kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp.
Tuy nhiên để một thẩm mỹ viện hoạt động khi chưa có giấy phép hành nghề, là lỗi của ngành, là công tác quản lý, thanh tra chưa tốt. Nói không biết nhân viên dưới quyền có thẩm mỹ viện ngay đối diện bệnh viện là không hợp lý.
Việc một thẩm mỹ viện hoạt động không đúng chức năng trong nửa năm là trách nhiệm trực tiếp của Sở Y Tế Hà Nội, cụ thể là Thanh tra sở y tế và Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng. Nửa năm, trên một con phố nhiều phòng khám tư nhân, mà họ không phát hiện ra một cơ sở y tế hoạt động trái phép thì khó có thể có lý do nào bao biện được.
Việc quản lý không chặt chẽ, sát sao của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đã dẫn đến việc không ngăn chặn kịp thời các vi phạm. Do không có thẩm quyền trực tiếp xử lý, Bộ Y Tế đã đề nghị và UBND TP Hà Nội đã vào cuộc và sẽ xử lý nghiêm tất cả những cá nhân và tập thể có liên quan.
* Tại cuộc họp Quốc hội sáng 24-10, Bộ trưởng có nói vấn đề đạo đức, y đức nghề nghiệp thời gian qua rất đáng báo động với một loạt sự việc trong ngành y tế, vậy Bộ Y tế đã và sẽ có những động thái nào để giáo dục y đức, quản lý cán bộ nhân viên hành nghề tư nhân sau vụ việc này?
Nhiều ý kiến khẳng định và tôi cũng khẳng định dù thật sự buồn. Và còn buồn hơn khi vấn đề đạo đức không chỉ có ở ngành y. Giáo dục đạo đức nói chung (hay y đức nói riêng) nó bắt đầu ngay từ khi chúng ra được sinh thành.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng hành động ném xác phi tang của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (ảnh) không còn là biểu hiện y đức xuống cấp mà là hành động phi nhân tính của một con người
Đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp hay y đức có những giao thoa nhất định và nghề nào cũng có kẻ tốt người xấu. Vẫn còn rất nhiều những thầy thuốc tận tâm với nghề, ngày đêm cứu sống bệnh nhân dù cuộc sống cá nhân của họ còn rất nhiều vất vả và thiếu thốn.
Tất nhiên, y đức vẫn là vấn đề quan trọng và chúng tôi tiếp tục gia tăng các hoạt động giáo dục, kêu gọi và tiếp tục áp dụng những kỷ luật nghiêm khắc hơn không chỉ với các em sinh viên ngành y mà còn với các bác sỹ chuyên khoa, các y tá, hộ lý... Chúng tôi cũng mong muốn xã hội giúp chúng tôi thực hiện trọn vẹn công việc này.
* Từ đầu năm đến nay liên tiếp xảy ra các tai biến y khoa: trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin, sản phụ và trẻ sơ sinh tử vong khi sinh, và lần này là tử vong tại Phòng giải phẫu thẩm mỹ, thưa Bộ trưởng. Chẳng lẽ ngành y tế cứ để sự việc xảy ra rồi mới chạy theo xử lý, chấn chỉnh hay sao?
Các vụ tai biến kể trên, chắc chắn sẽ được xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật để hạn chế cái xấu, làm gương cho những người vô trách nhiệm, coi thường tính mạng bệnh nhân, coi nhẹ vấn đề y đức. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và quy trách nhiệm đến cùng trong các ca bệnh được cho là sự cố đáng tiếc. Chúng tôi luôn nghiêm khắc nhất có thể đối với những người thiếu trách nhiệm, y đức yếu kém... Đồng thời, Bộ Y tế cũng tăng cường chia sẻ các trường hợp tai biến hoặc nguy cơ tai biến, có sự phân tích thấu đáo và phương án phòng ngừa để giảm thiểu chúng trong tương lai. Không phải là biện minh, nhưng ngành y chúng tôi luôn phải đối mặt với những sự cố mà dù có nỗ lực đến mấy thì nó vẫn xảy ra. Nên việc đưa ra giải pháp và giải quyết tình huống là điều luôn luôn sẵn sàng và bằng hành động cụ thể.