Một chuyên gia nông nghiệp cho hay, loại xoài nhỏ này không phải là giả như clip được tung lên mạng, nhưng có thể đây là giống xoài ở Campuchia hoặc Trung Quốc. Giống xoài này không nằm trong danh sách giống cây trồng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép trồng ở Việt Nam.
Thông tin gây hoang mang
Cách đây gần 1 ngày, trên mạng xã hội facebook, một tài khoản cá nhân đã đăng lên một đoạn video clip dài gần 3 phút với nội dung cảnh báo người tiêu dùng về loại xoài có xuất xứ từ Trung Quốc (được làm giả) đang đội lốt xoài Thái và được bày bán rộng rãi ở TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, đoạn clip ghi lại cảnh nam thanh niên vừa bổ đôi quả xoài mút để chứng minh trong quả “không hề có hạt mà chỉ có phần lõi” và vừa đưa ra những lời bình luận cảnh báo về loại xoài mút này.
Video cho rằng những trái xoài bị làm giả được đăng tải trên Facebook gây hoang mang dư luận
Cụ thể, sau khi bổ quả xoài, người này liền tách phần lõi quả xoài ra và lấy từ bên trong một mảnh lõi và cho rằng đó chính là “nilon” và cho biết thêm đây chính là xoài do Trung Quốc làm giả. Sau khi đoạn video clip này xuất hiện gần được 1 ngày đã thu hút trên 3 triệu lượt xem và gần 120 nghìn lượt chia sẻ.
Đến chiều ngày 1/08, trên mạng xã hội facebook và mạng chia sẻ video youtube tiếp tục xuất hiện một đoạn video clip mới do một người người đàn ông thực hiện có nội dung tương tự kèm những bình luận cho rằng loại xoài mút đang được bày bán khắp các chợ và ngoài đường phố ở TP.HCM là loại xoài giả do Trung Quốc làm ra.
Ở đoạn video clip này, người này cũng liên tục cho rằng mình đã ăn vài quả và không biết bên trong có chứa “hạt nhựa”. Để cụ thể hóa nghi vấn của mình, người này còn đem đốt phần màng trong vỏ hạt. “Khi bổ ra ngửi có mùi xoài nhưng không thể tin là bên trong nó có hạt như giấy nilon. Đem đốt phần này nó còn có mùi nilon. Rõ ràng đây là xoài Trung Quốc” – người này cho biết trên đoạn video clip của mình.
Ảnh chụp từ một đoạn videp “thực nghiệm” kiểm chứng xoài mút do một người dùng mạng xã hội thực hiện.
Khi xem những đoạn video clip này, nhiều cư dân mạng đã bộc lộ sự hoảng sợ cùng với đó là những tuyên bố sẽ “cạch mặt” vĩnh viễn món xoài này dù nó có ngon ra sao. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phân tích vấn đề này, một số người cho rằng thông tin mà những người thực hiện và đăng tải những video clip này lên là nóng vội chưa tìm hiểu kỹ và sẽ gây thiệt hại cho người nông dân và những tiểu thương.
Nội dung những video này được theo dõi và chia sẻ với tốc độ nhanh chóng mặt.
Phản hồi từ một cư dân mạng.
Sự thật ra sao?
Còn theo ghi nhận của chúng tôi, loại xoài được bán với tên “xoài mút” này đã có mặt tại một số con đường như Nguyễn Văn Cừ (quận 5), Trần Xuân Soạn (quận 7), Nguyễn Oanh, Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp), Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức),.. và một số khu chợ như: chợ Bàn Cờ (quận 3), Thủ Đức, chợ Bình Triệu, chợ Hiệp Bình (quận Thủ Đức)…
Nhìn vẻ ngoài, loại xoài này có kích thước nhỏ vỏ màu vàng có vị ngọt nhưng khá nhạt. Giá bán dao động 30.000 - 35.000đồng/kg. Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của loại này này, chị An (Chủ sạp trái cây ở đường Trần Xuân Soạn (quận 7) cho biết, đây chính là loại xoài có nhiều ở vùng miền núi giáp ranh ở biên giới Việt Nam và Campuchia. “Ở khu vực đó họ gọi đây là xoài mút. Vì trái ngọt nên người tiêu dùng khá ưa chuộng” – chị An cho biết.
Trong khi đó, một số ý kiến trên mạng xã hội cũng cho rằng, loại xoài mút này thường được trồng nhiều ở Kiên Giang và một số tỉnh miền núi vì kích thướt nhỏ nên người ta vẫn quen gọi là xoài cóc. “Bình thường quả có hạt to, không bị lép như trong clip. Lớp vỏ đó là lớp lụa bao bọc hạt không liên quan gì đến cao su hay nhựa. Hãy nghĩ đến giá trị kinh tế, ai lại đi làm giả để rồi chỉ bán lại với giá 30.000 đồng/kg” – một ý kiến nhận định.
Trong khi đó, để rộng đường tìm hiểu hơn, chúng tôi đã liên hệ với một số chuyên gia về lĩnh vực giống cây trồng nông nghiệp. Qua trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Cường (Kỹ sư nông nghiệp, Chủ trại cây giống Nguyễn Thành Đại ở quận 12 TP.HCM ) cho biết, đây là lần đầu anh thấy loại xoài có kích thước quả nhỏ như vậy.
Ngoài ra, khi phân tích về lớp màng trong vỏ hạt như đoạn clip đã nêu, anh Cường cho biết: “Qua việc trồng thử một số giống như: xoài cát Hoà Lộc, xoài Thái, xoài Tứ Quý và một số giống xoài khác, tôi nhận thấy đều có màng trắng tương tự. Lớp màng này được gọi là mô bọc quanh noãn, đây là lớp lá chắn bảo vệ hạt bên trong và loại xoài nào cũng có, và chắc chắn là không phải hạt nhựa như clip đưa trên mạng”.
Cùng giải đáp về vấn đề này với chúng tôi, ông Trần Ngọc Ẩn, Giám đốc Trung tâm giống Nông nghiệp – Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết, thông tin về loại xoài được người dân đồn đoán là được làm giả vì bên trong hạt có màng giống nilon ông đã được nghe thông tin. “Bản thân tôi đã được nhiều người gọi điện thoại đến nhờ tư vấn. Tôi cũng tìm mua và xác nhận là không phải xoài giả, tuy nhiên khi ăn thử tôi thấy không ngon vì vị nhạt. Hạt ở bên trong quả xoài cũng bị lép nên chỉ có phần màng bên trong phần hạt là điều không lạ, chứ không phải là hạt giả như clip đưa trên mạng” – ông Ẩn cho biết.
Về nguồn gốc của loại xoài này, ông Trần Ngọc Ẩn cũng cho biết, ban đầu có người nói đó là giống xoài ở tỉnh Bạc Liêu. Nhưng khi tìm hiểu thì ở Bạc Liêu không có giống xoài này. Ông Ẩn cho biết: “Có thể đây là giống xoài ở Campuchia hoặc Trung Quốc. Ngoài ra, giống xoài này không nằm trong danh sách giống cây trồng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép sản xuất, trồng trọt”.