Nhiều độc giả phản ánh nghi vấn tới báo Đời sống và Pháp luật là liệu bác sỹ thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác chị Huyền tại lò thiêu huỷ rác thải y tế trong bệnh viện Bạch Mai hay không?
Đồng thời, dư luận đặt câu hỏi, Bệnh viện Bạch Mai sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới như thế nào về việc bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường do bệnh viện này quản lý gây ra cái chết cho chị Huyền? Theo một thông tin khác, thời điểm xảy ra vụ án là ngày trực của bác sỹ Tường, nghĩa là bác sỹ Tường đi làm ngoài trong chính giờ làm việc, gấp gáp mới dẫn đến hậu quả đau lòng như vậy?
Theo yêu cầu từ phía độc giả, nhóm phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã liên lạc với bệnh viện Bạch Mai để giải đáp những vấn đề này.
Thạc sỹ Vũ Tiến Dũng, Trưởng phòng tổ chức cán bộ bệnh viện Bạch Mai khẳng định: Thứ Bảy ngày 19/10, tức ngày xảy ra vụ án là ngày nghỉ của bác sỹ Tường chứ hoàn toàn không phải lịch trực. Lượt trực của bác sỹ Tường theo lịch được đề trong bảng phân công công việc tại khoa phải là thứ Hai ngày 21/10. Lịch trực này được hệ thống trên máy tính và công khai ở bảng tin điện tử của bệnh viện, ngày nào bác sỹ nào trực, giờ nào bác sỹ nào mổ. Lịch trực được kiểm soát rất chặt nên không thể có tình trạng bác sỹ bỏ ra ngoài bệnh viện trong thời gian trực.
Bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường phẫu thuật thẩm mỹ mà không có chuyên môn.
Vấn đề thứ hai, bệnh viện Bạch Mai không hề có lò thiêu huỷ như tin đồn mà chỉ có một khu vực chứa rác thải y tế. Công đoạn xử lý rác thải y tế cũng được kiểm soát chặt, do hợp đồng của bệnh viện với công ty vệ sinh môi trường, những người không có trách nhiệm cũng không thể vào khu vực này.
Bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường về công tác tại bệnh viện Bạch Mai từ năm 2006, trước đó đã từng có thời gian công tác tại bệnh viện E. Việc thuyên chuyển này là do yêu cầu của công việc. Tuy nhiên, trong suốt thời gian công tác ở bệnh viện Bạch Mai, bác sỹ Tường cũng làm việc như tất cả các bác sỹ khác tại bệnh viện. Sau khi vụ việc xảy ra, bệnh viện Bạch Mai cũng đã phối hợp với cơ quan công an để giải quyết.
Để kiểm chứng một lần nữa những nghi vấn kể trên, nhóm PV báo Đời sống và Pháp luật đã tìm đến nơi chuyên xử lý rác thải y tế của bệnh viện. Nơi được cho là "lò thiêu huỷ" thực chất chỉ là nơi tập kết các xe chứa rác thải của bệnh viện, gần ngay con đường đi vào nhà tang lễ. Khu vực này phía trước là nơi đậu xe ô tô của các y bác sỹ trong bệnh viện, cách đó là cửa hàng tạp hoá, tuy không đông đúc như sân chính bệnh viện, nhưng cũng thường xuyên có người đi lại gần đó.
Công nhân vệ sinh này cho biết, không thể có chuyện xác nạn nhân thẩm mỹ Cát Tường đưa vào rác thải bệnh viện
Theo một công nhân vệ sinh ở đây cho biết, rác thải từ bệnh viện đưa về đây đã được xử lý trước, các loại chai, lọ thuốc, kim tiêm, ống dẫn,... cũng được phân loại và cho vào các túi nilon riêng. Rác thải sinh hoạt vào túi màu xanh, rác thải y tế thì cho vào túi trắng. Không có loại túi nào màu đen. Riêng bệnh phẩm như ruột thừa chẳng hạn sẽ do một công ty xử lý khác tên Hoàn Mỹ phụ trách. Tuy nhiên, số bệnh phẩm từ phòng mổ thường rất ít. Mỗi ngày, xe rác của công ty vệ sinh môi trường sẽ đến lấy rác khoảng chừng 2 lần. Nếu có phát hiện ra việc phân loại không đúng, nhân viên xử lý rác sẽ yêu cầu đưa ra ngoài.
Từ ngày xảy ra vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường, nhiều người cũng có hoài nghi về việc bác sỹ Tường thủ tiêu xác nạn nhân tại khu tiêu hủy rác thải y tế của bệnh viện Bạch Mai, nhưng bản thân là người làm việc ở khu xử lý rác, nhân viên này khẳng định điều này là hoàn toàn không thể.
Tóm tắt vụ việc: Chiều 22.10, Công an thành phố Hà Nội cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội đủ căn cứ bắt khẩn cấp Nguyễn Mạnh Tường, (SN 1973, ở tại Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội), là bác sĩ, chủ Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường về hành vi giết người. Nạn nhân là chị Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, ở 36 Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trước đó, ngày 18.10, chị Huyền đến Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường (ở 45 đường Giải Phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm phẫu thuật hút mỡ, nâng ngực. Chị Huyền đã đặt cọc tại đây 50 triệu đồng, được các nhân viên hẹn 11h ngày 19.10 đến làm phẫu thuật. Đến khoảng 16h thì xong quá trình phẫu thuật. Nhưng đến khoảng 17h45, chị Huyền có biểu hiện sùi bọt mép, mặt tím tái, khó bắt mạch. Bác sĩ Tường có tiêm thuốc trợ tim nhưng nạn nhân đã chết lâm sàng. Phát hiện vụ việc, thay vì khai báo với cơ quan chức năng, Bác sỹ Tường cùng bảo vệ đã chở xác nạn nhân lên cầu Vĩnh Tuy và vứt xuống sông Hồng. Xem thông tin về Thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết người tại Eva.vn |