Thay vì chỉ ở nhà lo công việc nội trợ và chăm sóc con cái như trước đây thì chị Sự phải tự “xắn tay áo” đi buôn thực phẩm quê xuống Hà Nội để có chi phí trang trải cho cả nhà khi cửa hàng điện máy của gia đình phải tạm đóng cửa vì dịch Covid-19.
Vừa nhanh tay sắp xếp từng con cá, mớ rau, cân thịt để chia cho khách, chị Lương Thị Sự (SN 1986, quê Phú Thọ), trú tại Kim Chung (Hoài Đức, Hà Nội) vừa cho biết, trước dịch Covid-19, chị hầu như không phải làm bất kỳ công việc nặng nào, chỉ ở nhà lo cơm nước và đưa đón 2 con đi học.
Trước khi dịch Covid-19 ập tới, hầu như chị Sự chỉ nội trợ, chăm con và đi chơi, làm đẹp, không phải làm bất kỳ việc nặng nào.
Chị Sự chia sẻ, nhà chị chuyên sửa chữa, lắp đặt và kinh doanh hàng điện máy, điện gia dụng hơn 10 năm nay. Do làm lâu năm và có uy tín nên đơn hàng lắp đặt cho khách vẫn duy trì đều đặn, sở hữu 1 cửa hàng và 1 kho hàng cùng với 4 nhân viên điện máy làm việc thường xuyên tại cửa hàng.
“Trước dịch, tôi chỉ ở nhà trông cửa hàng, lo cơm nước cho cả nhà và đưa đón con đi học, hầu như không phải vất vả gì. Doanh thu từ việc kinh doanh điện máy cũng tạm ổn, sau khi trừ chi phí thuê kho hàng, nhân công, điện nước và ăn uống thì mỗi tháng cũng để ra được ít nhất 50 triệu”, chị Sự kể.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập tới, các đơn hàng mua mới giảm đáng kể, đỉnh điểm là từ cuối tháng 7 đến nay, cửa hàng chị phải đóng cửa không được bán hàng do hàng điện máy không phải hàng thiết yếu. Nhà chị cũng chưa bán hàng trên các sàn thương mại điện tử nên hầu như doanh thu về 0.
Cửa hàng điện máy phải tạm đóng cửa, nhân viên mất việc, doanh thu về 0.
“Tôi nghĩ ngay đến việc nhân viên không thể về quê, không có việc làm. Nếu 1 tháng mình còn có thể lo được nhưng nếu vài tháng thì sẽ rất khó khăn. Tiền tích lũy cứ mang ra chi tiêu mỗi ngày sẽ ngày càng cạn kiệt”, chị Sự nói.
Cả chồng và nhân viên đều không có việc làm, thu nhập không có. Ngay lập tức, chị Sự bàn với chồng lấy thực phẩm từ quê xuống Hà Nội bán.
Quê chồng chị ở Giao Thủy (Nam Định), có rất nhiều các loại hải sản ngon và rẻ. Vì vậy, chị liền đăng bài lên các chợ online và chợ cư dân gần nhà để bán hải sản, nhận đặt hàng. Nhờ quen biết với các mối hàng ở quê từ trước, chị bắt đầu liên lạc và nhờ họ báo giá, gửi hàng lên Hà Nội theo các xe vận tải luồng xanh để bán.
Để tạo nguồn thu và việc làm cho nhân viên, chị Sự đã bắt tay vào đi buôn thực phẩm quê tại Hà Nội.
Từ hải sản quê chồng đến các loại thực phẩm, hoa quả quê đều được chị lấy bán tại Hà Nội.
Chưa bán hàng thực phẩm bao giờ nhưng khi chị đăng bài bán, giá rẻ, hải sản tươi ngon, nhu cầu của người dân lại cao nên ngày đầu tiên chị bán được hơn 1 tạ hải sản các loại. Từ các loại cá, cua, tôm, ghẹ, mực cho đến các loại mắm tôm, nước mắm. Ai nhờ mua rau xanh chị cũng lấy rau từ quê lên bán.
Khách ngày một đông, chị Sự lại đa dạng hóa nguồn hàng bằng cách lấy thêm thịt lợn, thịt gà, vịt, trứng gà và các loại hoa quả theo mùa từ quê mình (Phú Thọ) để xuống Hà Nội bán cùng hải sản.
Chồng chị và những nhân viên cửa hàng điện máy cũng trở thành những trợ thủ đắc lực giúp chị bê vác những thùng hàng nặng, cùng chị nhặt cua, chia đơn thịt, cá, giúp chị nấu cơm và trông con cái để chị bán hàng.
Mỗi ngày chị kiếm về ít nhất 1 triệu đồng từ nghề "tay trái".
Nhờ chịu khó và khéo léo, làm việc có trách nhiệm và uy tín, mỗi ngày chị nhận được từ 30-50 đơn đặt hàng, thu về từ 1-2 triệu đồng từ việc bán thực phẩm quê.
“Những ngày dịch thế này tôi mới thấm thía. Trước đây, tôi có thể chi vài chục triệu đồng để làm đẹp, ăn những bữa ăn vài triệu đồng và chưa từng “buôn thúng bán mẹt” như thế này nhưng dịch đến mọi thứ đều thay đổi. Tôi biết quý trọng đồng tiền làm ra hơn, biết rằng mình cũng có thể kiếm ra tiền bằng chính sức lao động của mình và có thể giúp tôi chi tiêu khoa học hơn trong thời gian tới, sau khi hết dịch”, chị Sự chia sẻ.