Theo các chuyên gia, hiện nay để phát hiện ung thư cổ tử có rất nhiều cách, trong đó có những biện pháp rất đơn giản như dùng axit axetic.
Ung thư cổ tử cung là một trong nhưng căn bệnh có tỷ lệ mắc cao hàng đầu ở phụ nữ, điều đáng nói hơn đây là căn bệnh đang ngày càng gia tăng về số lượng, đặc biệt là những nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để hiểu đúng nguyên nhân gây bệnh, cách phòng tránh cũng như điều trị bệnh thì không phải người phụ nữ nào cũng biết. Chính vì lý do đó, chúng tôi giới thiệu tới quý bạn đọc tuyến bài về căn bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Tuyến bài này sẽ là những ý kiến, nhận định của các chuyên gia bác sĩ về nguyên nhân, triệu chứng, sự nguy hiểm cũng như cách phòng tránh căn bệnh này. >> Ám ảnh căn bệnh khiến 9 phụ nữ tử vong mỗi ngày ở Việt Nam >> Những dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung ở phụ nữ >> Uống thuốc tránh thai 10 năm nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao >> Quan hệ tình dục có nguy cơ bị nhiễm virus ung thư cổ tử cung |
Hiện nay, ung thư cổ tử cung là căn bệnh rất phổ biến ở phụ nữ, chỉ đứng sau ung thư vú. Không chỉ có vậy, căn bệnh này còn cướp đi rất nhiều tính mạng của các chị em. Nguyên nhân là do phát hiện bệnh khi ở giai đoạn muộn, tuy nhiên theo các chuyên gia đây là căn bệnh rất dễ phát hiện và hoàn toàn chữa khỏi được nếu phát hiện ở giai đoạn sớm.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình cho biết, để phòng chống được căn bệnh ung thư thì cần phải tiến hành sàng lọc rộng rãi trong cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay việc sàng lọc căn bệnh này chưa được tiến hành một cách rộng rãi, chưa được hệ thống hóa trong toàn ngành y tế cả công lập và dân lập.
Giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình
Theo giáo sư Đức, việc sàng lọc ung thư cổ tử cung ở phụ nữ rất đơn giản. “Biện pháp đơn giản nhất là dùng axit axetic bôi lên thành cổ tử cung để kiểm tra các chấm trên thành cổ tử cung, nếu có sự thay đổi hoặc phát hiện sự bất thường thì tiến hành các biện pháp sàng lọc, xét nghiệm hiện đại hơn.
Theo đó, bước đầu tiên có thể xét nghiệm Pap (Pap test) hay nhuộm tế bào bong theo Pap. Đây là phương pháp yêu cầu trang thiết bị không đắt tiền, chỉ cần một chiếc kính hiển vi quang học, một bộ dụng cụ khám phụ khoa thông thường, một hộp que lấy tế bào, lam kính và thuốc cố định, thuốc nhuộm.
Điều quan trọng nhất đó chính là việc các bác sĩ phải được đào tạo để thực hiện các bước trên. Với phương pháp này, kết quả có thể cho ta biết các tổn thương đang ở mức độ nào (phương pháp này chỉ phát hiện tổn thương mức độ I đến mức độ III).
Sau khi thử nghiệm, nếu phát hiện có dương tính thì bệnh nhân sẽ được chuyển sang phương pháp tiếp theo đó là soi cổ tử cung. Với phương pháp này, sau khi quan sát bằng mắt thường, cổ tử cung được quan sát bằng máy soi với độ phóng đại cao, các tổn thương nhờ vậy cũng được đánh giá chính xác dù là rất nhỏ.
Với các hình ảnh quan sát được, máy soi cho phép chụp ảnh để làm tư liệu theo dõi và bác sĩ sẽ quyết định sinh thiết đơn thuần hay sinh thiết phối hợp để điều trị một cách chính xác.
Vị trí sinh thiết sẽ được hướng dẫn bởi máy soi cổ tử cung. Mảng sinh thiết được các bác sĩ mô bệnh học xử lý và cho kết luận cuối cùng. Tổn thương sẽ được xếp theo các mức độ từ I đến III, ung thư tại chỗ hay đã chuyển thành ung thư xâm lấn.
Với từng mức độ tổn thương, các bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị bệnh hợp lý, nếu mức độ tổn thương càng nhẹ thì hiệu quả điều trị càng cao.
Như vậy, ngoài những triệu chứng xuất hiện trên cơ thể, người phụ nữ cần phải thường xuyên đi khám sức khỏe, sàng lọc cổ tử cung bằng các phương pháp nêu trên để có thể phát hiện và điều trị bệnh ung thư cổ tử cung (nếu có) càng sớm, càng tốt.
Để giúp chị em hiểu đúng hơn về nguyên nhân gây bệnh, cách phòng tránh cũng như điều trị bệnh Ung thư cổ tử cung, Tạp chí Tạp chí Điện tử Khám phá phối hợp với trang thông tin điện tử Eva.vn tổ chức Giao lưu trực tuyến về căn bệnh Ung thư cổ tử cung. Buổi tư vấn diễn ra vào lúc 14h ngày 25/3/2016 với sự tham gia của 2 chuyên gia hàng đầu về Ung thư cổ tử cung: - Bác sĩ Lê Văn Quảng, Phó Trưởng khoa Ung Bướu và Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại Học Y. - Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện sức khỏe sinh sản và Gia đình Độc giả quan tâm đến vấn đề này có thể gửi câu hỏi cho chuyên gia TẠI ĐÂY. |