Tết là thời khắc đoàn tụ bên gia đình, người thân, nhưng với nhiều phận đời ở xóm “ổ chuột” chân cầu Long Biên vẫn là cuộc sống tha hương, buồn tủi. Và rồi tại đây, họ thêm ấm lòng khi được ngồi bên mâm cơm tất niên cùng đón năm mới.
Hơn 15 năm đón Giao thừa ở thủ đô
Những ngày cuối năm, khu chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) luôn tấp nập người ngược xuôi buôn bán. Trong đó có hàng trăm người lao động nghèo đến từ khắp nơi bám trụ mưu sinh với đủ thứ nghề: nhặt phế liệu, buôn bán hoa quả, bán nước chè… Sau mỗi đêm vất vả, họ trở về trong khu nhà gần cống nước ô nhiễm quanh năm bốc mùi nồng nặc.
Khu nhà trọ xập xệ với tôn quây kín là nơi sinh sống của hàng trăm người lao động nghèo dưới chân cầu Long Biên.
Đẩy chiếc xe rác quét dọn khu nhà trọ xập xệ, bà Trần Thị Ba (74 tuổi, quê ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định) cười vui vẻ. Bà Ba là một trong những người có "thâm niên" ở khu đây lâu nhất. Đã hơn 15 năm trôi qua, bà cùng người con trai 36 tuổi ngờ nghệch đón Giao thừa ở thủ đô.
Công việc hằng ngày của bà Ba là đi nhặt ve chai từ chiều cho tới tận tờ mờ sáng khắp chợ Long Biên rồi vòng ra khu vực Bốt Hàng Đậu… "Trước chân tay khoẻ, tôi đi được nhiều nơi chứ giờ chỉ quanh quẩn ở chợ Long Biên thôi. Tôi đợi người ta đóng cửa, khi đó họ gom ve chai rồi họ cho. Ngoài công việc đó, ai mướn gì tôi làm đó. Ngày ngày thì chủ nhà giao cho việc quét dọn rác trong khu nhà trọ, tháng cũng đỡ được mấy trăm nghìn tiền nhà", bà Ba kể.
Hằng ngày bà Ba tranh thủ quét dọn khu nhà trọ.
Vốn quê ở thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu, Nam Định) nhưng vì cuộc sống khổ cực khiến bà tha phương về góc chợ này. Vợ chồng bà có hai người con, một trai, một gái. Chồng bà bị u não rồi mất sớm. Về phần mình, vì sức khoẻ ốm yếu nên bà Ba cùng 2 con được đưa vào trung tâm nuôi dưỡng những hoàn cảnh khó khăn.
Được một thời gian thì trung tâm này giải thể. Do đói khổ, bà Ba đành ngậm ngùi cho con gái làm con nuôi khi bé vừa tròn 5 tuổi. Sự việc này cho đến bây giờ bà vẫn cảm thấy day dứt vì bao năm qua không biết con ở đâu.
Bà sống bằng nghề nhặt phế liệu.
Cuộc sống ở quê khốn khó, bà cùng con trai lên Hà Nội kiếm sống qua ngày. Hai mẹ con dựng tạm một túp lều ngay gần sát sông Hồng để ở. Người con trai cả của bà là Nguyễn Văn Bình năm nay 36 tuổi nhưng không được khôn ngoan như chúng bạn. Càng lớn Bình càng trở nên ngờ nghệch như đứa trẻ.
Bà sống cùng con trai đã 36 tuổi nhưng cả ngày chỉ quanh quẩn trong nhà.
Mỗi lần đi đâu, bà đều phải khoá cửa vì sợ con trai trêu ghẹo mọi người.
Cảnh bà Ba lang thang trong đêm nhặt phế liệu.
Cách đây vài tháng, bà Ba thuê được nơi ở "tử tế" hơn với giá 1,5 triệu đồng/tháng để mẹ con có chỗ che mưa nắng. "Ở đây nhiều năm rồi nhưng mỗi độ ngày lễ, ngày Tết nhìn mọi người đoàn tụ bên gia đình cũng thấy bâng khuâng. Mẹ con lang thang ngoài đường mãi rồi cũng quen. Trước khó khăn hơn, Tết chúng tôi còn không có cơm ăn, tủi phận lắm. Sau này đi nhặt ve chai ngày cũng được ít tiền đủ cho mẹ con trang trải cuộc sống nên giờ đỡ rồi", bà Ba chia sẻ.
"Chưa bao giờ tôi được đón Tết đặc biệt như thế này"
Cảm thông với những mảnh đời bất hạnh như bà Ba, các bạn trẻ CLB Từ Thiện Thật đã quyết định dành tặng cho các cụ ở lại đây một cái Tết nhẹ nhàng, giản dị mà ấm áp từ bữa cơm tất niên cho tới những món quà tinh thần đầu năm mới.
Ngày cuối cùng của năm cũ, các bạn trẻ giúp các cụ sơn sửa, dọn dẹp nhà cửa để đón năm mới. Công việc bắt đầu từ sáng, các thành viên phân công nhau từng công việc cụ thể, người thì dọn, sơn sửa nhà, người thi lo việc trang trí nhà cửa, lo làm mâm cơm tất niên.
Ngôi nhà bà Ba được các bạn thiện nguyện trang trí, sơn sửa lại.
Những căn nhà ẩm thấp, mốc, lồi lõm nhiều năm được khoác lên tấm áo mới có phần tươm tất hơn để chuẩn bị đón Tết đang tới gần. Không những thế còn có một mâm cơm tất niên ấm cúng với đầy đủ những món ăn thấm đượm hương vị ngày Tết cổ truyền. Mâm ngũ quả, quất cảnh trang trí đèn nháy, mứt và bánh kẹo Tết... tất cả đã đủ để làm nên một cái Tết tuy có thiếu thốn nhưng lại tràn đầy tình cảm.
Các bạn trẻ thiện nguyện chuẩn bị mâm cơm tất niên tươm tất cho mẹ con bà Ba.
Mẹ con bà Ba bên mâm cơm tất niên đặc biệt.
Ngồi bên mâm cơm tất niên, bà Ba xúc động: "Mẹ con tôi sống bằng nghề nhặt ve chai nên không dám mua thịt ăn uống, ngày Tết chẳng dám chi tiêu mua sắm gì. Chuẩn bị bước sang năm mới, chúng tôi được các bạn trẻ sơn lại nhà khang trang, sáng sủa, vệ sinh hơn trước đây. Nơi ở được trang trí đẹp, được ăn cỗ tất niên, mẹ con tôi phấn khởi lắm. Chưa bao giờ tôi được đón Tết đặc biệt như thế này", bà Ba vui vẻ chia sẻ thêm.
Cũng giống như bà Bà, cụ bà Lưu Thị Bình (82 tuổi) vui vẻ khi được các bạn trẻ trang trí lại căn nhà xập xệ để kịp đón Tết. Bà lão cũng gắn bó, sống đơn độc với nơi này hàng chục năm nay. Bà Bình quê ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, sau này đi lên Thái Nguyên lập nghiệp rồi lấy chồng sinh con. Thế nhưng chồng mất, con bị đánh bom khi mới 6 tuổi khiến bà không còn ai nữa…
Bà Bình phấn chấn khi được trang trí nhà Tết.
Cách đây hơn 10 năm, bà Bình tha hương, bám trụ lại ở chợ Long Biên. Hằng ngày, bà đẩy chiếc xe nhỏ chất đầy ghế, phích, bếp than… đến gần Trạm trung chuyển xe buýt Long Biên (Hà Nội) để bán trà đá bắt đầu từ chiều và kết thúc vào sáng hôm sau.
"Công việc này không chỉ giúp tôi trang trải cuộc sống, đóng tiền nhà trọ mà còn giúp tôi quên đi thời gian, được gặp mọi người cũng thấy vui", bà Bình chia sẻ.
Góc nhà chất đầy đồ của bà Bình trước...
... và sau khi được sơn sửa lại sạch sẽ.
Bà Bình kể, cứ dịp năm mới, bà về quê chúc Tết con cháu. Tuy nhiên, gia đình không được êm ấm khiến bà buồn rầu rồi vội trở lại Hà Nội. Chỉ có công việc mới khiến bà vơi đi nỗi buồn.
"Hơn 10 năm ở Hà Nội cũng là từng ấy thời gian đón Giao thừa ở đây. Ngày cận Tết, các gia đình đưa nhau đi sắm Tết nhìn vui lắm. Thế nhưng nhìn lại phận đời mình sao thấy buồn tủi vô cùng. Tết đến người ta vui vầy bên con cháu còn tôi thì không. Khi thời khắc chuyển sang năm mới pháo hoa bắn lên, tôi cũng náo nức lắm, nhưng khi về đến nhà trọ lại tủi thân...", bà Bình tâm sự.
Bà Bình xúc động khi nhận quà Tết.
Tết năm nay, bà Bình cũng được các bạn trẻ thiện nguyện trang trí, sơn lại nhà khiến bà vô cùng phấn khởi, bớt hiu quạnh hơn. "Nhà được sơn mới lại tôi vui lắm. Được các cháu quan tâm thế này tôi cũng thấy phấn chấn lắm", bà cười nói.
Anh Nguyễn Thành Trung, Chủ nhiệm CLB Từ Thiện Thật chia sẻ, mỗi dịp Tết đến, những cụ bà lượm ve chai vô cùng đáng thương. Họ không có quê, không nhà, không gia đình con cháu bên cạnh để cùng đón giao thừa.
"Đã từ rất lâu rồi, họ không còn được cảm nhận một bữa cơm đoàn viên gia đình trước thềm năm mới, không được đón Tết trong 1 căn nhà sạch sẽ và được làm mới lại mỗi khi Tết về... Cảm nhận được sự thiếu hụt về mặt tinh thần của các cụ bà, Từ Thiện Thật muốn tổ chức 1 chương trình đặc biệt để mang đến cho các cụ bà một cái Tết thật ấm áp và hạnh phúc trong năm mới", anh Trung bày tỏ.
Cái Tết đang cận kề gõ cửa từng gia đình trên khắp đường làng, ngõ phố. Năm nay, nhiều người nghèo sống trong "khu ổ chuột" cầu Long Biên cũng nhận được những phần quà đặc biệt từ những tấm lòng thơm thảo, giúp họ được đón cái Tết ấm áp hơn, và cũng vơi đi phần nào những khó khăn của một năm với nhiều biến cố chung do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.