Cám cảnh trường làng vắng bóng học sinh ở TQ

Ngày 13/05/2015 16:10 PM (GMT+7)

"Khi tôi đến trường này cách đây 13 năm đã có hơn 200 học sinh và 10 giáo viên. Bây giờ chỉ có 8 học sinh, 4 giáo viên còn lại và tôi không biết phải làm gì", Jiao Weiyi, hiệu trưởng trường tiểu học ở làng Yuan'an, Cam Túc, Trung Quốc bày tỏ.

Hiệu trưởng Jiao chia sẻ nỗi lo lắng của mình về số lượng học sinh của trường giảm liên tục trong những năm gần đây cũng như khó khăn của việc sửa sang cơ sở vật chất.

Theo vị hiệu trưởng này, có 80 học sinh vào năm 2012 nhưng con số này giảm mạnh xuống chỉ còn 18 em vào năm 2014. Lý do là hầu hết các em chuyển đến các trường ở thị trấn gần đó với đội ngũ giáo viên tốt hơn và cơ sở vật chất tiện nghi hơn.

Một báo cáo của Tân Hoa Xã ngày 5/5 cho thấy, 853 trường ở vùng tây bắc kém phát triển của Cam Túc có ít hơn 5 học sinh. Thậm chí có nhiều trường thành lập ở các khu vực nông thôn phải đóng cửa vì "trống rỗng" học sinh, gây ra sự lãng phí lớn về tiền của. Đây cũng là điều đáng lo ngại về giáo dục ở nông thôn hiện nay.

Các chuyên gia giáo dục khuyến cáo, những ngôi làng nhỏ cần được quan tâm nhiều hơn vì ở đây cuộc sống khó khăn và đó cũng thể hiện sự bình đẳng trong giáo dục ở toàn quốc.

Cám cảnh trường làng vắng bóng học sinh ở TQ - 1

Thầy Wang Shuantang đang dạy lớp 4 tại trường ở Sanmenxia, ​​tỉnh Hà Nam tháng 10/2013. Trường ở đây giảm từ 60 học sinh xuống còn 4 em chỉ trong vài năm.

Vấn nạn học sinh chuyển trường

Zhu Yingzhang, giáo viên dạy toán và tiếng Anh, đã làm việc tại trường Yuan'an trong 26 năm qua cho biết, ông đã từng dạy khoảng 90 học sinh nhưng bây giờ thì chưa đầy 10 em.

Thầy Jiao chia sẻ, nhiều phụ huynh đã chọn gửi con đến trường học tốt hơn ở các khu vực đô thị. Số còn lại thuộc về những gia đình nghèo khó. "Một số em mồ côi, số còn lại sống với cha mẹ nhưng lại không đủ khả năng trả tiền để sang trường lớn hơn", thầy giáo này chua xót.

"Một số phụ huynh khẳng định họ sẽ cho con em học trong lớp ở trung tâm thành phố với 90 học sinh còn hơn là học trường làng", một thành viên thuộc quỹ phát triển nông thôn cho biết.

Theo Huang Keliang, trưởng phòng giáo dục huyện Wudu, Longnan, tỉnh Cam Túc, công việc và mức lương tốt hơn khiến nhiều người dân địa phương lẫn người lao động nhập cư gửi con em đến trường thị trấn hơn trường làng.

Vị này cũng bày tỏ, địa phương đã chi 150 triệu nhân dân tệ xây dựng 5 trường từ năm 2012 để ngăn chặn nạn chuyển trường tràn lan. Thế nhưng trường làng vẫn đối mặt với khó khăn.

Học sinh ở đây đang phải theo học ngôi trường một tầng với diện tích 400m2. Các bàn đã ọp ẹp và các bức tường sắp sụp đổ. Bữa trưa của học sinh thì ăn bánh bao hấp mang từ nhà đi. Những năm qua, nhiều giáo viên cũng đã rời trường do mức lương thấp. Như thầy Zhu chỉ kiếm được 8,5 triệu đồng/tháng.

Tám học sinh hiện nay ở trường thuộc các lớp 2, 4, 5 va 6. Các học sinh lớp 1 và 3 đã chuyển đi hết.

Trường học có những gì?

Ngôi trường làng ở đây đang rất cần hỗ trợ tài chính để thay đổi cơ sở giảng dạy. Mặt khác, nhiều trường mới thành lập hầu như không được sử dụng. Chính quyền địa phương đã nỗ lực đầu tư khoản tiền lớn để xây dựng trường học mới, tuy nhiên, 74 trường tiểu học trong huyện Wudu lại không có học sinh.

"Vấn nạn không chỉ ở Cam Túc, các làng khác trên khắp Trung Quốc cũng phải đối mặt với tình trạng khó xử tương tự. Thực tế có một trường ở ngôi làng chúng tôi được xây dựng vào năm 2012, trang bị tốt cơ sở vật chất nhưng không có học sinh và chỉ có một giáo viên", trưởng phòng giáo dục huyện Wudu bày tỏ.

Theo Tân Hoa Xã, nhiều cán bộ thôn và người dân cho rằng, đây là do chính sách của chính phủ không phù hợp. Lấy dẫn chứng như một số trường làng thiếu giáo viên thì chính quyền lại đi xây dựng tòa nhà mới. Do đó vấn đề không được giải quyết triệt để.

Một số dự án xây dựng lại không xem xét điều kiện địa phương, không phù hợp với quy mô dân số của làng. Rất nhiều người trong số cư dân đăng ký tạm trú là người lao động di cư và họ đã mang con cái đến học các thành phố lớn.

Cần hướng đi mới

Yang Dongping, giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21, chỉ ra rằng sau 10 năm đóng cửa hoặc sáp nhập trường làng dẫn tới việc một số phụ huynh đã gửi con nơi khác.

Trung Quốc thực hiện một chính sách trong năm 2001 là nhiều trường trung học và tiểu học gộp lại để tối ưu hóa việc phân bổ vốn. Theo số liệu của Bộ giáo dục, từ năm 1997 đến 2010, có tới 371.470 trường tiểu học bị đóng cửa.

Vị này kêu gọi các nhà chức trách cần điều chỉnh chính sách phù hợp với điều kiện địa phương. Đầu tiên chính quyền cần phải biết rằng giáo dục ở làng là điều cần thiết để thực hiện bình đẳng giáo dục dù có bao nhiêu học sinh sống ở đó.

Một biện pháp quan trọng nữa là tăng lương cho giáo viên để khuyến khích họ cống hiến nhiều hơn trong sự nghiệp giáo dục nông thôn.

Tào Nga (Sina)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự