Không chỉ điều trị bệnh, các điều dưỡng trong bệnh viện Trẻ em Hải Phòng còn kiêm cả nhiệm vụ ru con, bón ăn, thay bỉm, làm vệ sinh cho bé như người thân của mình.
Y tá cả đêm ngồi ru trẻ
Nghe tin nhóm điều dưỡng khoa Truyền nhiễm sơ sinh đang thay nhau chăm sóc và điều trị cho bé sơ sinh hơn 3 tháng tuổi bị mẹ ruột bỏ rơi, mắc phơi nhiễm HIV…, chúng tôi đã về BV Trẻ em Hải Phòng nhằm tìm hiểu thêm câu chuyện.
Bé sơ sinh bị bỏ rơi sau vài giờ chào đời
Đang nằm trên giường “hóng chuyện” với nhóm sinh viên thực tập trong phòng bệnh, thấy có người lạ vào, bé trai có cái tên đặc biệt Con trai mẹ Trang ngơ ngác nhìn. Mở hồ sơ bệnh án, điều dưỡng trưởng của khoa truyền nhiễm sơ sinh cho biết “Theo hồ sơ bệnh án từ Bệnh viện Phụ Sản Hải Phòng chuyển sang; khi nhập viện chờ sinh, sản phụ Đào Thu Trang SN 1998 (Trại Chuối, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) có đến bệnh viện một mình và khai bị nhiễm HIV. Sau khi sinh được vài giờ, sản phụ Trang đã bỏ đi và để lại con trai của mình bị phơi nhiễm HIV tại bệnh viện. Vì thế, để dễ bề quản lý hồ sơ, bệnh viện đã đặt tên bé là Con trai mẹ Đào Thu Trang. Được gần 1 tuần tuổi, thì bé bị viêm phổi cấp buộc BV Phụ sản phải chuyển bé sang điều trị bệnh tại BV Trẻ em.
Kể từ cuối tháng 11/2015 tới nay, nhóm y tá, điều dưỡng khoa truyền nhiễm sơ sinh của BV Trẻ em Hải Phòng thường xuyên thay phiên nhau bế “Con trai mẹ Đào Thu Trang” ngủ. Bé trai nặng 2,1 kg.
Tới ngày 5/1/2016, bệnh viêm phổi của em đã được các bác sỹ điều trị khỏi và làm thủ tục cho quay lại nơi tiếp nhận ban đầu (bệnh viện Phụ sản). Tuy nhiên, do không có người chăm sóc, thời tiết lạnh nên chỉ 3 ngày sau, con trai mẹ Đào Thu Trang lại tiếp tục sốt cao, viêm phổi và được chuyển trở lại khoa Sơ sinh truyền nhiễm để tiếp tục đợt chữa trị mới.
Điều dưỡng trưởng khoa Sơ sinh truyền nhiễm Nguyễn Hà Thủy đang ru bé ngủ
Do thể trạng viêm da cơ địa bẩm sinh, viêm phế quản và phơi nhiễm HIV nên những ngày đầu mới chuyển sang bệnh viện Trẻ em, sức khỏe bé rất yếu và xanh xao; toàn thân nổi mẩn đỏ, cả ngày và đêm quấy khóc. Việc chăm sóc, và toàn bộ kinh phí lo điều trị, thuốc men cho em là hoàn toàn do bệnh viện tự chi trả bằng nguồn quỹ của bệnh viện. Sau hơn 3 tháng chăm sóc và điều trị tại bệnh viện, đến nay, sức khỏe em đã tốt hơn, ăn được nhiều hơn trước và đặc biệt là bệnh viêm phổi cũng dần khỏi. Tuy nhiên, tình trạng hờn khóc của em thì vẫn không giảm. Càng ngày em càng khóc nhiều đặc biệt là về đêm, các y tá không thể dỗ nổi. Chị Nguyễn Thị Hà Thủy – Điều dưỡng trưởng của khoa Sơ sinh Truyền nhiễm – người trực tiếp chăm sóc cho em cho biết: Hàng tối chúng tôi đều phải bế cháu sang phòng trực để ngủ, không dám để ở phòng bệnh vì sợ bị bắt cóc. Vất vả nhất là vào mỗi tối, khi đó khoa chỉ có 2 điều dưỡng trực đêm. Các điều dưỡng cũng bận luôn tay luôn chân với công việc của mình, có những lúc bệnh nhân gọi, không có ai trông cháu, chúng tôi đành cho cháu nằm nôi, khóa cửa lại và đi. Khi về thì cháu đang hờn khóc… mà cứ phải có người bế cháu mới không khóc, còn đặt xuống là khóc. Có hôm chỉ chợp mắt được 1- 2 tiếng mà lại là ngủ ngồi để ôm cháu ngủ trong lòng. Có hôm cháu khóc nhiều ru mãi không ngủ, cô y tá bèn nói: “Trang ơi con em khóc nè”, hay “ Nín đi con, mẹ Trang về rồi…” khi ấy em bé nín và tròn xoe mắt nhìn.
Chị Hà Thủy cho biết thêm, khi biết được thông tin có trẻ sơ sinh bị phơi nhiễm và bỏ rơi ở bệnh viện, đang điều trị tại BV Trẻ em, nhiều mẹ trong nhóm thiện nguyện đã cắt cử nhau đến chăm sóc bé. Không chỉ thế, các mẹ còn mang cả bỉm sữa, tã lót, đồ chơi cho bé. Ngay bản thân các y tá, điều dưỡng trong khoa và các em sinh viên tập sự tại bệnh viện, hàng ngày cũng dành thời gian vào thay bỉm, pha sữa, bón thuốc cho bé theo phác đồ điều trị đề ra.
BV chưa thể bù đắp cho cháu trọn vẹn
Ông Bùi Văn Chiến – Giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết: Việc chăm sóc những cháu bé bị gia đình bỏ rơi tại bệnh viện như thế này đã không còn xa lạ với bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Mỗi năm, chúng tôi vẫn tiếp nhận hàng chục trường hợp như thế này. Và trong quá trình làm thủ tục cho tổ chức hoặc cá nhân nhận cháu làm con nuôi theo đúng quy định thì mọi chi phí thuốc men, cắt cử người chăm sóc, tiền sữa, quần áo… là bệnh viện chi trả hoàn toàn.
Trường hợp những em bị phơi nhiễm HIV, gia đình bỏ rơi thì rất ít gia đình muốn nhận làm con nuôi mà chủ yếu là gửi về các Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi. Ở Hải Phòng những trường hợp này thường được gửi về Trung tâm giáo dục lao động Thanh Xuân Hải Phòng. Với trường hợp của những bé sơ sinh bị bỏ rơi thì thủ tục cũng lâu hơn, vì nếu có gửi về Trung tâm sớm thì ở đó các mẹ cũng có ít kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh, thêm vào đó các em thường bị ốm đau, sức đề kháng yếu nên liên tục bị ốm lại phải nhập viện. Vì vậy, đối với những trường hợp trẻ có hoàn cảnh như trên phải mất thời gian từ 3 – 6 tháng mới hoàn tất thủ tục. Trong suốt quá trình đó, các em sẽ ở lại bệnh viện và được các y, bác sỹ chăm sóc chu đáo. “Nhưng, trẻ mới sinh rất cần bàn tay ấm áp và nụ hôn thương yêu, quan tâm của mẹ để phát triển cả thể chất lẫn tinh thần, đặc biệt là những cháu có phôi nhiễm HIV… Thiếu những thứ ấy, cho dù được chăm sóc chu đáo cỡ nào, thì những tổn thương, mất mát vẫn len lỏi vào sự phát triển, vào tâm hồn mỗi cháu, và cái này thì bệnh viện không thể chữa trị hay bù đắp cho các cháu được”, Bác sĩ Chiến, giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tâm tư.