Cấm phá thai trên 12 tuần: Nên tôn trọng nhu cầu của phụ nữ

Ngày 23/09/2015 14:34 PM (GMT+7)

“Luật Dân số cũng nên quy định điều kiện được phép phá thai trên cơ sở tôn trọng nhu cầu của phụ nữ, không nên đưa ra các quy định cứng”, GS.TS. Nguyễn Đình Cử bày tỏ.

Vừa qua, Dự thảo Luật Dân số của Tổng Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình đề xuất “cấm phá thai trên 12 tuần tuổi, trừ các trường hợp đặc biệt như: Có thai do bị hiếp dâm, loạn luân, người chưa thành niên, chưa kết hôn, có bằng chứng về dị tật thai nhi.

Có ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Dân số lần này có xu hướng “siết chặt điều kiện nạo phá thai” nhưng cũng có ý kiến đồng tình bởi phá thai sau 12 tuần rất nguy hiểm cho thai phụ.

Cấm phá thai trên 12 tuần: Nên tôn trọng nhu cầu của phụ nữ - 1

Phá thai khi tuần tuổi thai lớn sẽ có nhiều nguy cơ đối với sức khỏe (Ảnh minh họa)

Xác minh rất phiền toái

Ông Nguyễn Đình Bách – Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng Cục Dân số - KHHGĐ cho biết, Dự thảo Luật Dân số hạn chế phá thai trên 12 tuần tuổi để hạn chế lựa chọn giới tính thai nhi. Hơn nữa, phá thai trên 12 tuần cũng gây nhiều rủi ro về sức khỏe.

Tuy nhiên, GS.TS. Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em cho rằng, Dự thảo Luật Dân số chia ra điều kiện phá thai dưới 12 tuần tuổi vẫn hơi “cứng nhắc”. Bởi, với sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, thời gian này đang được rút ngắn, không nhất thiết sau 12 tuần mới biết được giới tính thai nhi.

Theo ông Cử, quy định chỉ cho phép phá thai trên 12 tuần tuổi trong trường hợp loạn luân, hiếp dâm có vẻ là hợp lý. Tuy nhiên, để xác minh, chứng thực cũng mất thời gian, phiền toái, không dễ dàng với những người ít hiểu biết. Do đó, Tổng cục Dân số nên cân nhắc, lấy ý kiến và nghe phản biện từ nhiều phía.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, tình trạng phá thai ở nước ta vẫn còn rất phổ biến, đặc biệt ở nhóm tuổi vị thành niên và thanh niên trẻ. Trong khi đó, quy định về vấn đề này đang rất cởi mở. Theo Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, phụ nữ có quyền được phá thai theo nguyện vọng” và thủ tục hành chính cho việc này cũng đơn giản.

Tuy vậy, trong điều kiện quy định của pháp luật về phá thai dễ dãi nhưng số ca nạo phá thai tại Việt Nam cũng giảm rất nhiều. Chẳng hạn, năm 1992 con số này lên đến 1,33 triệu nhưng năm 2014 chỉ còn hơn 0,3 triệu (giảm tới 77%).

“Điều đó chứng tỏ, vẫn có thể giảm mạnh tỷ lệ phá thai mà không cần “siết” chặt điều kiện. Do đó, Luật Dân số cũng nên quy định các điều kiện trên cơ sở tôn trọng nhu cầu phá thai của phụ nữ”, ông Cử cho hay.

Phá thai trên 12 tuần có thể tử vong

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung – Trưởng khoa Sản - Trung tâm Y khoa Thái Hà cho biết, bà ủng hộ quy định “cấm phá thai trên 12 tuần tuổi” trong Dự thảo Luật Dân số.

Bà Dung lý giải, cấm phá thai trên 12 tuần sẽ hạn chế được tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi, đồng thời hạn chế những nguy cơ về sức khỏe với thai phụ.

Bên cạnh đó, hiện có tình trạng một số bạn gái cố tình có thai để tạo sức ép đòi người yêu cưới, song khi người yêu bỏ chạy, cái thai đã lớn, nhiều người vẫn tìm tới các trung tâm để phá, điều này rất nguy hiểm.

“Phá thai khi tuần tuổi thai lớn sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra như tình trạng nhiễm trùng, thủng tử cung (vì thai lớn, các bộ phận thai đã hình thành như chân tay, mắt mũi, bác sỹ phải can thiệp nhiều bằng các biện pháp kỹ thuật)”, bác sĩ Dung cho hay.

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung cho biết, hiện nay tỷ lệ thanh thiếu niên phá thai rất lớn. Nhiều vụ phá thai khiến người trong cuộc cảm giác đau lòng vì sự thiếu hiểu biết đến đáng trách của trẻ và gia đình.

Bà kể câu chuyện, cách đây vài tuần có trường hợp mẹ và con gái tới trung tâm phá thai khi thai hơn 4 tháng tuổi. Bác sĩ Dung hỏi, tại sao lại đi phá thai muộn như vậy, người con gái ngây thơ trả lời cháu không biết có thai. Ngay cả người mẹ cũng không quan tâm gì tới con. Chỉ khi thấy con có triệu chứng nôn khan đi khám mới té ngửa.

Mặc dù lo ngại cấm phá thai trên 12 tuần, nhiều người có nhu cầu vẫn tìm tới các trung tâm chui. Như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe thai phụ. Tuy nhiên, bác sĩ Lê Thị Kim Dung cho rằng, việc cấm phá thai là thực sự cần thiết vì sẽ hạn chế tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi.

“Tôi thực sự không hiểu suy nghĩ của các ông bố bà mẹ hiện nay tại sao họ lại chỉ thích con trai? Với tôi con nào cũng được miễn là nuôi dạy tốt”, bà Dung cho hay.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức – Giám đốc Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình (Hà Nội) cho biết, phá thai to (từ 12 tuần trở lên) dễ xảy ra nguy cơ băng huyết, thủng tử cung. Nếu không được cấp cứu kịp thời, thai phụ có thể tử vong.

Bên cạnh đó, nguy cơ viêm nhiễm dẫn đến dính vòi trứng, vô sinh là rất cao. Nếu có thực hiện, thai phụ cũng phải ở các cơ sở y tế tuyến trên để có thể cấp cứu kịp thời.

Theo Diệu Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự