Một phụ nữ ở Hải Dương phá thai tới 18 lần để sinh bằng được con trai theo ý nguyện của nhà chồng.
Câu chuyện đau lòng của người phụ nữ phá thai tới 18 lần đó do cán bộ dân số ở Hải Dương kể với phóng viên khi đề cập đến vấn đề “trọng nam khinh nữ”.
Niềm khát khao có con trai khiến không ít bậc làm cha làm mẹ cam tâm bỏ đi mầm sống đang dần lớn lên trong cơ thể mình. Bản thân họ cũng đã trải qua những nỗi ám ảnh trong suốt ngày tháng còn lại.
Tuy nhiên, khi những người phụ nữ phải hi sinh cả sức khỏe, thậm chí đối diện với nguy cơ tử vong nhưng vẫn không đạt được ý nguyện có con trai của những ông chồng thì họ lại bị ghẻ lạnh, ruồng bỏ.
Một đoạn clip chưa đến 2 phút, với nhân vật chính là một người phụ nữ không giấu nổi nỗi tuyệt vọng cho cuộc đời và hạnh phúc gia đình chỉ vì vợ chồng chị sinh toàn con gái. Clip nhanh chóng được lan truyền trên cộng đồng mạng.
Người phụ nữ này kể chị đã rất tuyệt vọng, rất chán chường vì chồng bắt sinh con trai trong khi chị sinh toàn con gái (ảnh cắt từ clip)
Người phụ nữ này kể lại:
“Từ ngày tôi lấy chồng đến giờ, vì cuộc sống gia đình nghèo khó nên vô cùng vất vả. Tôi đẻ liền 3 lần đều là con gái, chúng tôi cố gắng để có con trai để chồng toại nguyện nhưng vẫn không được. Đẻ người con thứ 4 vẫn là con gái, tôi vô cùng chán nản và bao lần tôi có ý định tự tử, bỏ lại tất cả. Chán chả không buồn cho con bú, chỉ nằm khóc”.
Người phụ nữ trong clip nhiều lần gạt nước mắt dù đã cố gắng kể lại bằng giọng “bình thản” nhất. Chị nói chị mặc cảm không sinh được con trai, khi chồng chị lại là con trưởng. Chị chua chát cho biết, đến nay chồng chị vẫn ra ngoài tìm kiếm con trai.
“Mình nói thì ông ấy cáu” – người phụ nữ bất hạnh này nói.
Không những cáu, chị nói nhiều lần vợ chồng cãi nhau, thậm chí đánh nhau. Người phụ nữ này tuyệt vọng vô cùng, cuối clip, chị nghĩ rằng “chắc vợ chồng tôi cứ thế này đến lúc chết, cả ngày chả ai nói với ai được mấy câu”.
Clip này đang gây tranh luận trên các trang mạng xã hộị. Nhiều người bức xúc với quan niệm trọng nam khinh nữ của người chồng. Bên cạnh đó, cũng không ít người không đồng tình với sự nhẫn nhịn chấp nhận cuộc sống đầy tuyệt vọng của người vợ trong clip.
Câu chuyện một phụ nữ phá thai tới 18 lần để cố sinh cho nhà chồng được 1 đứa con trai, lời tâm sự về cuộc đời một phụ nữ bị chồng ruồng rẫy, ghẻ lạnh, thiếu tôn trọng vì chị chỉ sinh con gái… là hai trong vô số những câu chuyện đau buồn về áp lực sinh con trai nối dõi tông đường và quan niệm “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại ở nhiều gia đình Việt Nam.
Tư tưởng này, cùng tâm lý ưa thích con trai và mong muốn có con trai, được nhiều nhà xã hội học, văn hóa học, các nhà nghiên cứu, chuyên gia về dân số chỉ ra là nguyên nhân gốc rễ trong vấn nạn mất cân bằng giới tính khi sinh tại nước ta hiện nay.
Địa phương được đề cập đến trong clip là Hải Dương. Đây là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, tư tưởng Nho giáo khá nặng nề, sự ưa thích con trai mãnh liệt. Theo điều tra năm 2012 của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam, có 72,7% người dân Hải Dương có tâm lý thích và rất thích con trai.
Tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh này nhiều năm nay luôn trong “tốp đầu” cả nước, thậm chí còn dẫn đầu.
Năm 2009, tỷ số này ở Hải Dương là 120,3 bé trai/100 bé gái. Năm 2011, 2012 là 121,3/100 và năm 2013 là 119/100. Hết năm 2014, tỷ số giới tính khi sinh tại tỉnh là 118 bé trai/100 bé gái. Hiện nay, con số này ở Hải Dương là 118,3/100.
Bà Hồ Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã Chí Linh (Hải Dương) – một địa phương có tỷ số giới tính khi sinh hiện ở mức 118/100 - cho biết:
Thực tế nhiều người muốn sinh con thứ ba và muốn đó là con trai. Họ lựa chọn giới tính ngay từ trước khi mang thai như tìm các loại sách, các mẹo mách nhau ăn gì để sinh con trai, tính ngày rụng trứng, siêu âm để biết thời điểm trứng rụng. Thậm chí, áp dụng cả phương pháp dân gian như thụ thai tháng nào thì có con trai hay gái… Trong mấy tháng đầu của chu kỳ mang thai, chỉ cần một câu nói nhỏ nhẹ của kỹ thuật viên siêu âm: “giống bố”, “giống mẹ” là người mẹ có thể biết thai nhi đang mang là trai hay gái. Nếu không phải là con trai thì thai 14 tuần cũng phá được ở những cơ sở tư nhân.
Theo đánh giá của những người làm công tác DS-KHHGĐ ở Hải Dương, việc lạm dụng kỹ thuật siêu âm để chẩn đoán giới tính thai nhi và nạo phá thai với lý do giới tính đang diễn ra phức tạp chưa được kiểm soát, gây khó khăn trong việc ổn định tỉ số giới tính khi sinh theo quy luật tự nhiên.
Bà Thu Hà cũng cho biết, truyền thông chuyển đổi hành vi về vấn đề này gặp rất nhiều khó khăn.
"Trong những buổi gặp gỡ, nói chuyện với người dân, nhiều người cao tuổi vẫn có thái độ rất “kiên định” với việc phải có con trai. “Khi trao đổi, có những bác nói thẳng rằng, các cô nói thế thôi vì các cô có lương công tác, chúng tôi bây giờ 70 tuổi, không có thu nhập và cũng không có con trai thì trông cậy vào đâu?”. “Nếu có hai con gái thì khi chúng tôi chết, con gái tôi có đem ảnh tôi đặt giữa nhà chồng nó được không?”. Các ông, các bác còn ví dụ có những dòng họ, con gái thành đạt có thể đưa tiền về đóng góp nhưng không bao giờ được ghi tên vào gia phả dòng họ. Thậm chí, họ còn nhấn mạnh: “Các cô giỏi các cô thử mang ảnh bố các cô về nhà chồng đi”.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế khi trực tiếp “thị sát” một số xã ở Đồng bằng sông Hồng thấy lo lắng, bởi có xã tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh lên đến gần 150 bé trai/100 bé gái. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lộ rõ, Thứ trưởng cảnh báo trong tương lai không xa, thanh niên Việt Nam sẽ không lấy được vợ do tình trạng “thừa nam, thiếu nữ”.
Có nhiều ý kiến cho rằng, công nghệ khoa học kỹ thuật phát triển mạnh là một yếu tố cơ bản khiến tỷ số giới tính khi sinh tăng cao nhưng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, “Tỉnh nào, vùng nào có sự ưa thích con trai thì nơi đó tỷ số giới tính khi sinh cao”.
Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ nhấn mạnh trong một buổi làm việc với Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh Hải Dương gần đây nhất, rằng việc thích sinh con trai vẫn tồn tại trong tâm lý người dân. Nhiều người dân muốn sinh hai con nhưng dứt khoát là phải có con trai.
"Do đó, làm thế nào để người dân coi việc sinh con trai cũng như con gái. Nếu không có con trai, có thể giao cho con gái thờ cúng. Đây là một việc làm rất gian nan và khó khăn. Tuy nhiên, dù khó khăn chúng ta vẫn phải kiên trì và quyết liệt thực hiện, nhằm giảm tối đa những hệ lụy của mất cân bằng giới tính trong tương lai" - ông Nguyễn Văn Tân nói.