Căn bệnh cướp đi tính mạng 'cô gái vàng' Taekwondo nguy hiểm thế nào?

Ngày 09/12/2015 19:15 PM (GMT+7)

Căn bệnh lupus ban đỏ rất khó phát hiện vì không có biểu hiện đặc hiệu. Tuy nhiên, khi đã mắc căn bệnh này nó lại có diễn biến phức tạp và rất nguy hiểm.

Bệnh chưa rõ nguyên nhân

Trong nhưng ngày qua, thông tin về “cô gái vàng” Taekwondo Việt Nam Hoàng Hà Giang (sinh năm 1991 tại TP HCM) qua đời vì mắc bệnh lupus ban đỏ khiến không chỉ giới võ thuật, những nhà chuyên môn mà cả cộng đồng thương tiếc, vì Giang còn quá trẻ, sự nghiệp của cô đang ở “độ chín” mà đã phải ra đi vì bệnh tật.

Được biết, Hà Giang phát hiện bệnh từ năm 17 tuổi và cô đã chống chọi với bệnh trong 7 năm và cuối cùng phải chấp nhận ra đi vì sự tàn phá của căn bệnh. Vậy lupus ban đỏ là gì và nguy hiểm ra sao mà một người là võ thuật như Giang cũng phải gục ngã.

Căn bệnh cướp đi tính mạng #039;cô gái vàng#039; Taekwondo nguy hiểm thế nào? - 1

Sự ra đi của cô gái vàng Taekwondo Việt Nam Hoàng Hà Giang khiến nhiều người tiếc nuối.

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Ngọc Lan (Khoa Cơ xương khớp – BV Bạch Mai), bệnh lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý của mô liên kết có tổn thương nhiều cơ quan do hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, đặc trưng bởi sự có mặt của kháng thể kháng nhân và nhiều tự kháng thể khác. Các cơ quan thường bị tổn thương bao gồm khớp, da, thận, tế bào máu, tim, phổi, thần kinh…

Theo PGS Lan, cho đến nay, nguyên nhân và cơ chế gây bệnh chính xác của lupus ban đỏ hệ thống chưa được biết rõ. Cơ chế sinh bệnh của bệnh lupus ban đỏ hệ thống là một quá trình phức tạp với sự tham gia của nhiều yếu tố như di truyền, miễn dịch thể dịch, miễn dịch tế bào và yếu tố môi trường.

Đồng quan điểm trên, Ths.BS Nguyễn Hữu Trường  (Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nguyên nhân gây bệnh chính thức không được biết rõ, người ta cho rằng lupus ban đỏ hệ thống được gây ra do sự phối hợp của nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt quan trọng là các yếu tố.

Trong đó có yếu tố di truyền như: Anh chị em ruột của các bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người thường. Hoặc yếu tố môi trường do nhiễm khuẩn, tiếp xúc với hoá chất, ánh nắng mặt trời…

Và cuối cùng là nội tiết, về yếu tố này bệnh thường gặp chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (nhiều hơn gấp 9 lần so với nam giới). Sau khi mãn kinh, cả tỷ lệ mắc và mức độ của bệnh đều giảm rõ rệt, còn trong thời kỳ mang thai bệnh thường nặng lên.

Đa số bệnh nhân không có biểu hiện đặc hiệu

Theo thống kê ở Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng của bệnh viện, bệnh nhân mắc bệnh này vào điều trị tại trung tâm luôn chiếm số lượng đông nhất với 400-500 người mỗi năm, chiếm hơn 1/3 tổng số bệnh nhân điều trị nội trú.

Theo các bác sĩ các triệu chứng của lupus ban đỏ hệ thống có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm. Do ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể nên triệu chứng của bệnh hết sức đa dạng và thường nặng lên vào các tháng mùa đông.

Theo đó, hơn 90% số bệnh nhân đến khám có các biểu hiện không đặc hiệu như gầy sút, mệt mỏi, sốt nhẹ, rụng tóc, viêm loét miệng, đau các khớp nhỏ. đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt. Khoảng 3/4 số bệnh nhân thấy nổi các ban đỏ bất thường trên da, trong đó hay gặp nhất là ban cánh bướm ở mặt, một dấu hiệu rất đặc trưng của lupus ban đỏ hệ thống (ban đỏ ở 2 gò má bắc cầu qua sống mũi).

Căn bệnh cướp đi tính mạng #039;cô gái vàng#039; Taekwondo nguy hiểm thế nào? - 2

Biểu hiện rõ nhất của bệnh lupus ban đỏ là ban đỏ ở 2 gò má bắc cầu qua sống mũi. Ảnh chỉ mang tính minh họa/ Nguồn: Internet.

Những tổn thương nội tạng như ở tim (tràn dịch màng tim, viêm cơ tim), ở phổi (tràn dịch màng phổi, viêm phổi), ở thận (viêm cầu thận), ở hệ thần kinh (co giật, rối loạn tâm thần), ở hệ tạo máu (thiếu máu, xuất huyết) thường xuất hiện trong giai đoạn toàn phát của bệnh ở khoảng 50-85% số bệnh nhân và là những nguyên nhân chủ yếu gây tử vong. Các triệu chứng này thường diễn biến thành từng đợt xen kẽ giữa những thời gian lui bệnh.

Theo các chuyên gia, điều trị cho bệnh nhân mắc căn bệnh này cần phải đánh giá mức độ nặng, nhẹ của bệnh. Và trong quá trình điều trị cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh những trường hợp biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Đặc biệt, tính đến thời điểm này chưa có một loại thuốc đông dược nào chứng minh được hiệu quả rõ rệt trong điều trị lupus ban đỏ hệ thống. Do đó, người bệnh nên hết sức thận trọng khi sử dụng các thuốc này vì chúng cũng có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể đe doạ tính mạng của họ.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Bão Yinxing di chuyển khá nhanh theo hướng tây tây bắc, hướng về vùng biển phía đông bắc đảo Luzon (Philippines). Sau khi đi qua ven biển...

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp