Tiền đình có thể gây biến chứng đột quỵ, tuy nhiên với những người xuất hiện cơn chóng mặt cấp do tiền đình thì chưa cần phải đến viện ngay.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi: bác sĩ chuyên khoa I Vũ Hải Yến – Chuyên khoa Thần kinh. |
Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Hải Yến – Chuyên khoa Thần kinh. |
Ai hay mắc rối loạn tiền đình?
Rối loạn tiền đình là một hội chứng gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp nhất là ở người trưởng thành. Đặc biệt, rối loạn tiền đình đang ngày càng trẻ hóa do những tác động của môi trường và lối sống.
Rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?
Rối loạn tiền đình mặc dù chưa gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt, công việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các triệu chứng: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn… có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, khiến người bệnh không thể tập trung làm việc được.
Rối loạn tiền đình có thể chỉ xuất hiện vài ngày rồi hết nhưng cũng có thể kéo dài, tái phát nhiều lần. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, công việc của bệnh nhân mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Khi xuất hiện triệu chứng tiền đình, nếu người bệnh cố gắng đi lại thì có thể bị ngã, gây chấn thương, trầy xước da thậm chí là gãy tay, chân, chấn thương sọ não (do đập đầu vào vật cứng/nền đất cứng),...
Biến chứng nguy hiểm nhất của rối loạn tiền đình là gây đột quỵ do máu lên não kém. Vì vậy, khi phát hiện bệnh, người bệnh nên thực hiện điều trị rối loạn tiền đình tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bác sĩ khuyến cáo cách đề phòng rối loạn tiền đình trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày.
Tiền đình và thiểu năng tuần hoàn não có phải là một
Tiền đình là khi chóng mặt thật sự, tức là thấy mình quay quanh mọi thứ, hoặc mọi thứ quay quanh mình. Ngoài ra, khi bị mắt thăng bằng ngã hoặc sợ ngã dù đường bằng phẳng thì đó là triệu chứng của rối loạn tiền đình.
Còn tuần hoàn não cũng có những cảm giác choáng váng, loạng choạng nhưng đây là bệnh liên quan đến đốt sống cổ là chủ yếu.
Rối loạn tiền đình khi nào cần đi khám
Tiền đình ngoại biên thường có những cơn chóng mặt đột ngột, cấp tính nhưng những cơn chóng mặt này thường là lành tính và không nguy hiểm nên không cần đến viện ngay.
Khi bị rối loạn tiền đình mà xuất hiện những triệu chứng mơ hồ, mang tính chất lặp lại và kèm theo các biểu hiện khác như tê bì mặt, rối loạn thăng bằng, đi lại loạng choạng không theo ý mình… lúc đó cần phải đi gặp bác sĩ ngay.
Chóng mặt, mất thăng bằng là triệu chứng điển hình của rối loạn tiền đình.
Khi bị chóng mặt cấp do tiền đình phải làm gì?
Thường những người bị tiền đình sẽ gặp phải những cơn chóng mặt cấp khiến mọi thứ như đang quay xung quanh mình, nếu không cẩn thận có thể bị té ngã. Với trường hợp chóng mặt cấp tính này không quá nguy hiểm và cũng không cần đi viện ngay.
Nếu xuất hiện tình trạng chóng mặt cấp tính do tiền đình nên:
- Nằm nghỉ ngơi theo tư thế thoải mái nhất, ví dụ như có thể nằm nghiêng trái, nghiêng phải…;
- Không nên hoảng loạn mà cần bình tĩnh để xử lý vấn đề;
- Giảm ánh sáng ở xung quanh nơi mình nằm nghỉ như tắt bớt đèn, kéo rèm hoặc đóng cửa sổ;
- Giảm tiếng ồn bằng cách đóng cửa, giảm âm thanh, nói chuyện nhỏ;
- Nơi nằm nghỉ nên có không gian rộng, thoáng…
Rối loạn tiền đình có chữa được không?
Hội chứng tiền đình do nhiều nguyên nhân gây nên, nếu bị tiền đình do viêm thì điều trị được, còn do xơ vữa mạch thì có thể dự phòng tốt. Đối với trường hợp tiền đình do khối u chèn ép thì tùy theo từng vị trí khối u cụ thể, bác sĩ có phương pháp điều trị tốt nhất. Người bệnh không nên tự mua thuốc điều trị vì nhiều loại thuốc có thể gây tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.
Phòng ngừa rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình do 3 nhóm nguyên nhân đó là viêm, các vấn đề về mạch máu (nuôi dưỡng) và u khối. Chúng ta có thể phòng tránh được ở 2 phần là viêm và mạch máu. Đó là tránh viêm nhiễm từ môi trường xung quanh, vệ sinh các cơ quan lân cận tiền đình như tai mũi họng.
Còn về mạch máu thì cần kiểm soát tốt vấn đề mỡ máu, kèm theo đó là hạn chế chất kích thích, tăng cưỡng tập luyện thể thao …