Bác sĩ 115 cảnh báo 3 thói quen khi đi nắng về có thể gây sốc nhiệt, liệt mặt

Ngày 28/05/2020 12:00 PM (GMT+7)

Khi đi ngoài trời nắng về, nhiều người có thói quen uống nước lạnh, ngồi điều hòa, tắm ngay... sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe, điều này còn có nguy cơ nhập viện.

Thời gian gần đây, thời tiết miền Bắc cũng như cả nước bắt đầu xuất hiện nắng nóng và nhiệt độ tăng cao. Điều này làm ảnh rất lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là những người thường xuyên làm việc dưới môi trường nắng nóng hoặc di chuyển ngoài trời nắng nhiều.

Các bác sĩ cho biết, trong sinh hoạt hàng ngày nhiều người bị đổ bệnh, thậm chí nhập viện chỉ vì những thói quen sinh hoạt không hợp lý trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

Bác sĩ Trần Anh Thắng – Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, đợt nắng nóng vừa rồi trung tâm tiếp nhận không ít người nhập viện vì liên quan đến nắng nóng. Trong đó, số người bị đột quỵ, say nắng, say nóng là nhiều hơn cả.

Bác sĩ 115 cảnh báo 3 thói quen khi đi nắng về có thể gây sốc nhiệt, liệt mặt - 1

Bác sĩ Thắng cho biết nhiều người đang có thói quen xấu khi đi ngoài nắng nóng về gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh: Đời sống Plus/GĐVN

Theo bác sĩ Thắng, có 2 vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe hay gặp phải trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Đó là những thói quen “xấu” của người dân khi vừa đi ngoài nắng về nhà và không tuân thủ khuyến cáo khi di chuyển, làm việc dưới điều kiện thời tiết nắng nóng.

Bác sĩ Trần Anh Thắng chỉ rõ một số thói quen thường gặp khi đi ngoài trời nắng về ảnh hưởng đến sức khỏe:

1. Vào luôn điều hòa, ngồi trước quạt: Đây là thói quen thường gặp nhất khi thời tiết nắng nóng. Mục đích của việc làm này là nhằm hạ nhiệt cơ thể. Tuy nhiên, đây là thói quen xấu không nên thực hiện. Bởi khi thân nhiệt đang cao mà ngồi luôn trong phòng lạnh hoặc ngồi trước quạt sẽ khiến cho mạch bị co, gây nên hiện tượng cứng cổ, vai gáy… thậm chí là liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên vì gặp lạnh đột ngột.

Khuyến cáo: Khi đi ngoài nắng về cần phải hạ nhiệt cơ thể xuống mức bình thường, có thể ngồi nghỉ nơi thông thoáng khí, nơi có bóng mát, bật quạt số nhỏ và cho quay chứ không nên bật thẳng vào người.

2. Ăn, uống đồ lạnh khi vừa đi nắng về: Cũng giống như ngồi quạt, điều hòa, thói quen ăn uống đồ lạnh sau khi đi từ ngoài trời nắng về cũng rất hay gặp. Theo đó, nhiều người có thói quen tích trữ đá, kem, nước trong tủ lạnh. Khi đi nắng về cơ thể mất nước, thân nhiệt tăng cao nên mở tủ lấy nước uống ngay.

Điều này hoàn toàn không tốt vì không chỉ khiến cơ thể bị lạnh đột ngột, mà còn gây ra tình trạng đau họng, viêm họng, mất tiếng… đặc biệt là ở trẻ nhỏ, thường rất thích ăn kem trong mùa hè.

Khuyến cáo: Nếu muốn ăn uống đồ lạnh nên đưa những đồ trong tủ lạnh ra ngoài để giảm lạnh, rồi mới sử dụng. Cách tốt nhất là uống nước lọc bình thường, tốt hơn nữa là uống oresol để bù lại lượng nước đã mất qua việc thoát mồ hôi. 

Bác sĩ 115 cảnh báo 3 thói quen khi đi nắng về có thể gây sốc nhiệt, liệt mặt - 2

Tuyệt đối không nên uống nước lạnh khi đi nắng về.

3. Tắm ngay sau khi đi nắng về: Đi nắng về cơ thể thường mất nước, nên ngoài nắng nóng mọi người còn có cảm giác khô, nóng rát da. Vì vậy, nhiều người thường sẽ tắm ngay sau khi đi nắng về. Việc làm này tưởng giúp cơ thể bớt nắng nóng nhưng lại vô cùng nguy hiểm do việc hạ thân nhiệt đột ngột sẽ không tốt cho sức khỏe, gây nên tình trạng sốc nhiệt, choáng, thiếu máu não cục bộ, đau đầu...

Khuyến cáo: Mọi người nên nghỉ ngơi, bù nước đầy đủ, khi thân nhiệt trở lại bình thường mới đi tắm. Khi tắm cũng không nên ngâm mình trong nước lâu.

Ngoài những thói quen thường hay gặp phải trên, bác sĩ Trần Anh Thắng cũng khuyến cáo, với những người thường xuyên đi làm ngoài môi trường nắng nóng, di chuyển ngoài nắng nóng cần phải có phương tiên bảo hộ như: mũ, áo, găng tay, giày ủng…

Ngoài ra, mọi người cần hạn chế ra đường vào những giờ cao điểm (từ 11 giờ trưa đến 14 giờ chiều) vì dễ gây nên tình trạng mệt mỏi, sốc nhiệt, say nắng, say nóng…

Bác sĩ Thắng đặc biệt lưu ý với những người cao tuổi, trẻ nhỏ nhất là những người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiền đình, hen suyễn… tuyệt đối không ra ngoài trời khi nhiệt độ còn cao, bất kể giờ nào.

Khi gặp trường hợp nghi ngờ say nắng, say nóng… cần phải hô hoán mọi người đưa đi cấp cứu hoặc gọi 115 gần nhất. Trong thời gian chờ đợi, hãy đưa nạn nhân vào nơi râm mát, nới lỏng quần áo, chườm mát, nếu bất tỉnh có thể làm các động tác sơ cứu như ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo…

PGS Trần Đắc Phu: Trời nắng nóng trường học có thể mở điều hòa 26-27 độ
Học sinh quay trở lại trường học đúng thời điểm thời tiết nắng nóng, vì thế nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi có nên bật điều hòa trong lớp học hay...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp