Mệnh danh là thánh ăn thánh uống nhưng cơ thể chị Nguyễn Thị Như Ý (30 tuổi, Quảng Nam) lại gầy gò, ốm yếu, nặng 25 kg, già như một bà lão.
Trước đây, Báo Gia đình & Xã hội đã hỏi chuyên gia về trường hợp chị là Đinh Thị Nâu (dân tộc Ba Na, sinh năm 1983, ở làng Tà Điêk, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định). Căn bệnh quái ác biến phụ nữ 34 tuổi xinh đẹp, khỏe mạnh thành một bà lão nặng 24 kg.
Chị Nâu lấy chồng và sinh con như bao bạn bè cùng trang lứa, khi cô con gái lên 2 tuổi thì cơ thể chị bắt đầu có những chuyển biến lạ. Lúc đầu, chị Nâu bỗng nhiên sưng phồng, đỏ tấy ở trên cơ thể. Kế đến là những chấm trắng nhỏ xuất hiện lốm đốm trên vùng da cổ.
Tương tự chị Nâu, theo thông tin từ Soha, số phận như trêu ngươi cô gái Nguyễn Thị Như Ý (30 tuổi, trú thôn Na Kham, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Dù mới 30 tuổi nhưng căn bệnh kỳ lạ khiến Ý mang khuôn mặt như của một bà lão. Tuy nhiên, khác với chị Nâu, chị Ý là một người ăn rất khỏe.
Chị Nguyễn Thị Như Ý (30 tuổi, Quảng Nam) lại gầy gò, ốm yếu, nặng 25 kg, già như một bà lão. Ảnh: Shoha.vn
Như Soha đưa tin, chuyện ăn uống của chị cũng khiến nhiều người vừa tò mò, vừa hoang mang. Nhiều người thường tìm cách để thấy tận mắt những bữa ăn của chị. Những người này xem xong rồi bàn tán coi như chuyện lạ nhưng ít ai biết sau bữa ăn mới là nỗi đau lớn nhất.
"Ăn uống xong khoảng một giờ đồng hồ là em nôn. Nôn sạch sành sanh không còn một thứ gì. Ăn cái gì là nôn cái đó. Dạ dày còn sót lại gì thì cơ thể em cũng bắt đi ngoài y nguyên như vậy.
Nôn xong thì người em run bần bật, bụng thì cảm giác vẫn no. Những lúc này em phải ăn tạm thứ gì đó thì cơ thể mới hết run nhưng rồi sau đó lại nôn", chị Ý đau đớn kể.
Một bữa ăn, chị Ý có thể một mình dọn sạch bữa cơm với 5 lon gạo chưa kể thức ăn. Sau bữa, dạ dày cô còn chứa thêm ít nhất 5 lít nước.
Bệnh thèm ăn xuất hiện cách đây gần 15 năm sau khi nghỉ học. Gia đình và bản thân chị cứ ngỡ do đang tuổi trưởng thành nên chị ăn nhiều. Vậy nhưng, cơn thèm ăn ngày càng tăng mà không có dấu hiệu dừng lại.
Bà Lê Thị Tám (78 tuổi), mẹ Ý cho hay, thấy con gái ăn nhiều ban đầu cả nhà vui mừng nhưng rồi lại ngay lập tức phải lo lắng.
Nhiều hôm cả gia đình không còn gạo nấu cơm nhưng bà vẫn chạy xin hàng xóm từng lon để nấu cho con gái. Vợ chồng bà phải làm việc gấp đôi, gấp 3 để nuôi con gái.
Được biết, trung bình dạ dày người bình thường chỉ chứa được 1kg thức ăn. Để tiêu hóa hết số thức ăn này phải cần một khoảng thời gian từ 2 đến 6 giờ. Trong quá trình tiêu hóa, axit dạ dày và enzym tách thức ăn thành những phân tử năng lượng cực nhỏ, chúng vận hành theo thành ruột đến hệ thống tuần hoàn.
Đối với nữ giới trưởng thành, một ngày để vận động, sinh hoạt bình thường cần nạp vào cơ 1800kcal, nam giới từ 2000 – 2400kcal. Khi chúng ta ăn 100g gạo tương đương với 400kcal được nạp vào cơ thể, nguồn kcal có nhiều trong thịt, trứng, sữa…
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, theo bác sỹ Dương Trọng Hiếu, chuyên khoa Tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương thì đối với trường hợp ăn nhiều quá mức có hai khả năng gây nên: Hội chứng Dumping, bị tổn thương não.
Hội chứng Dumping là một nhóm các triệu chứng có thể xảy ra nếu phẫu thuật để cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần của dạ dày, hoặc nếu dạ dày đã được phẫu thuật nối tắt để giúp giảm cân.
Hội chứng này còn được gọi là hội chứng dạ dày rỗng nhanh chóng, xảy ra khi các phần chưa được tiêu hóa trong dạ dày được vận chuyển vào ruột non quá nhanh.
Trường hợp thứ hai là người này bị tổn thương ở não, não của họ luôn nhận được tín hiệu là dạ dày mình đang trống rỗng nên thôi thúc ăn. Nếu như vậy thì bệnh này sẽ được khắc phục bằng cách uống thuốc để dạ dày hạn chế cảm giác thèm ăn.
Còn nói về triệu chứng ăn xong bị nôn và ngoại hình trông như bà lão khi tuổi đời còn trẻ, ông Hiếu cho hay: “Những trường hợp như này phải thăm khám trực tiếp thì bác sĩ mới kết luận được. Theo tôi thì trường hợp này mắc nhiều bệnh cùng lúc”.