Mức phí đổi tiền lẻ, tiền mới càng gần Tết Nguyên đán 2021 được “dân buôn” tiền tự do “hét” giá, không theo bất cứ quy luật nào. Riêng với mệnh giá 500 đồng có phí đổi “cắt cổ”. Theo đó, với 1 triệu đồng mệnh giá 500 đồng, người đổi phải chi 6 triệu đồng, tức mức phí đổi tiền khoảng 500%.
Mặc dù việc buôn bán, đổi tiền lẻ ăn chênh lệch không đúng quy định sẽ bị xử phạt nhưng thực tế, chỉ cần gõ từ khóa "đổi tiền lẻ" trên các công cụ tìm kiếm, hàng chục website cung cấp dịch vụ này sẽ hiện ra. Những website với tên gọi na ná nhau như "Dịch vụ đổi tiền", "Đổi tiền Tết" hay "Đổi tiền giá rẻ",... sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân trong khoảng thời gian cao điểm cận Tết Nguyên đán.
Cùng với đó, những lời chào mời đổi tiền xuất hiện trên các trang mạng xã hội ngày một dày đặc hơn khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề.
Công khai quảng cáo đổi tiền lẻ, đổi 6 triệu…nhận về 1 triệu
Để dụ khách hàng, các website đổi tiền đều quảng cáo có mức phí đổi ưu đãi, giao dịch an toàn, thuận tiện. Đáng chú ý, theo quảng cáo của giới "buôn tiền", khách muốn đổi mệnh giá nào cũng có, từ 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng.
Trong vai một người có nhu cầu đổi tiền lẻ lì xì Tết, PV Dân Việt liên lạc với một chủ shop đổi tiền online có số điện thoại 0986735xxx và được quảng cáo: "Chỗ anh loại tiền nào cũng có, từ tiền lẻ VND mệnh giá nhỏ đến tiền mệnh giá lớn nguyên seri. Tất nhiên càng đổi nhiều phí càng rẻ", vị này cho hay.
Tại dịch vụ đổi tiền này, phí đổi tiền từ 1 triệu đến 5 triệu: phí 7% và trên 5 triệu phí 5%. Tuy nhiên, các loại mệnh giá thấp như 500 đồng tới 2.000 đồng cửa hàng không chú trọng đổi do khan hiếm và nhu cầu sử dụng hiện nay cũng không còn quá lớn như trước kia. Vì vậy, nếu đổi những mệnh giá này, phí đổi cũng "chát" hơn nhiều so với mức niêm yết hiện tại.
Thực tế, trên mạng xã hội, có la liệt các "chợ online" đang trao đổi, mua bán tiền lẻ, tiền mới đang hoạt động trong các hội nhóm kín trên Facebook cách đây hơn 1 tháng.
Mỗi nhóm kín đều có hàng chục nghìn thành viên, mỗi ngày có đến vài trăm bài viết về hoạt động đổi tiền lẻ, tiền mới được các thành viên hội nhóm này đăng tải.
Bắt mối với chủ Facebook có tên N.T.T.T (Hà Nội), người này cho biết, hiện tại do nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới tăng cao nên chỉ còn tiền mệnh giá 20.000 và 50.000. Mức phí đổi 7%, nếu đã "lướt" mức phí rẻ hơn chỉ còn 5%.
Trong khi đó, theo báo giá của chủ tài khoản có tên Facebook "Đổi tiền lẻ giá siêu rẻ xxxx": Mức phí đổi 5.000 là 10%; 8% khi đổi tiền mệnh giá 10.000 và 10% đối với tiền mệnh giá 20.000. Riêng với tiền 500 đồng, khách hàng phải trả 3.000.000 đồng cho một cọc 500 đồng, tương đương mức phí đổi tiền khoảng 500%.
Phí đổi tiền lẻ tăng vọt, chênh 500%
"Năm nay tiền khan. Nên giá hơi cao. Với tiền 500 đồng, mình không có sẵn nếu khách có nhu cầu mới đi đặt", chủ tài khoản này tiết lộ.
Ngân hàng "án binh bất động"
Trái ngược với sự sôi động tại "chợ" đổi tiền online, tại các ngân hàng dường như "án binh bất động". Theo chia sẻ của một nhân viên ngân hàng tại phòng giao dịch lớn trên địa bàn Hà Nội, những năm trước, vào ngày cuối năm, giao dịch rút tiền tại các ngân hàng rất lớn. Tiền chi ra không thiếu nhưng tiền lẻ, nhất là loại mệnh giá nhỏ phục vụ cho mừng tuổi, đi lễ dịp Tết luôn thuộc diện "phân phát", một dạng ưu tiên cho những khách hàng lớn mà thôi.
"Tuy nhiên, năm nay việc đổi tiền lẻ, tiền mới cho khách hàng lớn cũng gặp "khó" bởi quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, nhân viên ở đây đã từ chối rất nhiều khách hàng khi hỏi đổi tiền lẻ. Đến thời điểm này, nhiều khách hàng lớn muốn đổi tiền lẻ, tiền mới vẫn phải chờ đợi chính sách từ phía ngân hàng", nhân viên tại một ngân hàng thương mại cho hay.
Anh H.T.L - cán bộ một ngân hàng tư nhân lớn cũng thừa nhận, dù không có quy định chính thức nhưng nhân viên chăm sóc khách VIP tại ngân hàng đều coi việc đổi tiền cho nhóm khách hàng này là một trong những ưu tiên.
Vì vậy, anh sẽ cố đổi cho khách VIP một khoản như là quyền lợi, không kèm bất cứ chi phí nào khác. Thế nhưng, đến thời điểm này anh L vẫn chưa đổi được tiền cho khách hàng của mình. "Nhiều khách hàng đã chuyển tiền để đổi nhưng sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định siết chặt việc đổi tiền, nhân viên chúng tôi cùng "bó tay" và liên hệ với khách hàng để chuyển lại tiền. Không biết đến bao giờ ngân hàng mở kho đổi tiền, nhưng có lẽ khách hàng phải chờ đến sang tuần mới có thể đổi được (nếu có)", anh Linh đề cập.
Được biết, đây là năm thứ 8, Ngân hàng Nhà nước đã không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ lẻ vào lưu thông dịp Tết. Theo đó, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước không in tiền mới mệnh giá 500 đồng, năm 2014 là tiền 1.000 - 2.000 đồng, năm 2015 là tiền 5.000 đồng và từ năm 2016 đến nay không chi ra tiền mới in còn nguyên seri từ 5.000 đồng. Tuy nhiên, nhu cầu đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ dịp Tết Nguyên đán vẫn tăng cao.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức "bật đèn đỏ" siết chặt với hoạt động đổi tiền lẻ năm 2021.
Theo đó, từ năm 2021, Sở giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tuyệt đồi không thực hiện đổi tiền mới in (cả dịp Tết Nguyên đán và trong năm) cho khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân (kể cả cán bộ Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời có hình thức xử lý nghiêm trường hợp cán bộ có hành vi lợi dụng, tiếp tay cho việc đổi tiền mới in không đúng quy định.