Cập nhật COVID-19: Hà Nội có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 ở mức “báo động đỏ”

H.A - Ngày 29/01/2021 07:58 AM (GMT+7)

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, TP đang có nguy cơ cực kỳ cao, lên mức “báo động đỏ” về mức độ lây lan dịch bệnh COVID-19.

* Tiếp tục cập nhật

Hà Nội có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 ở mức “báo động đỏ”

Chiều 28/1, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP.Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội đang có nguy cơ cực kỳ cao, lên mức “báo động đỏ” về mức độ lây lan dịch bệnh. Hiện Hà Nội đang có một ca nghi mắc COVID-19 vừa được phát hiện, người này trọ ở Cầu Giấy, có đến khám bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai.

Theo ông Dũng, có 5 lí do khiến Hà Nội có nguy cao lây nhiễm COVID-19 như hiện nay.

Thứ nhất là Hà Nội dịp này có rất nhiều người dân từ khắp các địa phương trên cả nước đỏ về, các trường hợp F0 ở các địa phương tiếp tục gia tăng, như vậy thì nguy cơ lây nhiễm về Hà Nội là rất lớn. Thứ 2 là vấn đề nhập cảnh trái phép vẫn diễn ra. Thứ 3 là gần Tết các gia đình, cơ quan, tổ chức thường có các hoạt động tụ tập đông người. Thứ 4 là sự lơ là của người dân, rất, rất chủ quan. Thứ 5 chính là chủng mới SARS-CoV-2 lần này có tốc độ lây lan nhanh hơn.

Cập nhật COVID-19: Hà Nội có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 ở mức “báo động đỏ” - 1

Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội báo cáo tại cuộc họp

Ngoài ra, ông Dũng cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội chủ trì, bám sát và chủ động từng giờ phối hợp với Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) để nắm bắt thông tin nhằm tổ chức điều hành công tác phòng chống dịch tại TP. Đồng thời Sở Y tế chỉ đạo CDC Hà Nội tổ chức truy vết một cách khẩn trương các trường hợp nghi ngờ, cách ly khẩn trương các trường hợp nghi là F1, lấy mẫu không bỏ sót trường hợp nào. Các bệnh viện nâng cao cảnh giác, thực hiện an toàn trong việc tiếp xúc khám chữa bệnh trong thời gian này.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhận định, mặc dù tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong dự liệu và tính toán. Chính vì vậy, toàn bộ hệ thống chính trị cần được kích hoạt, vào cuộc với phương châm quyết liệt, khẩn trương, không lơ là chủ quan. Tuy nhiên, cũng cần hết sức chủ động và bình tĩnh, không hoang mang.

Theo ông Chu Ngọc Anh, các cấp, các ngành và các địa phương cần nhanh hơn, khẩn trương và quyết liệt hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Thành phố cũng đề nghị công tác phòng chống dịch cần nâng ở mức cao hơn, kích hoạt hệ thống, ban chỉ đạo ở chính quyền các cấp. Các quận Ba Đình, Nam Từ Liêm chủ động sẵn sàng mọi tình huống để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Đại hội XIII của Đảng.

Ngành y tế tiếp tục cập nhật tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới. Từ đó điều tra, truy vết các trường hợp liên quan. Ngành y tế và CDC Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm cho nhân dân Thủ đô đi về từ Chí Linh (Hải Dương) sau ngày 14/1. Tăng cường quản lý khai báo y tế trên tất cả các địa phương để xác minh thần tốc, truy vết các trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh. Từ đó khoanh vùng xử lý, lấy mẫu xét nghiệm ngay và áp dụng các biện pháp cách ly y tế.

(Theo Dân Việt)

Bệnh viện Nhi Hải Phòng bị phong tỏa, nội bất xuất, ngoại bất nhập

Thông tin từ UBND TP Hải Phòng cho hay, các cơ quan chức năng vừa phát hiện 1 ca mắc Covid-19 quê tỉnh Hải Dương khi điều trị tại Bệnh viện Nhi Hải Phòng. Người này đã được chuyển về Hải Dương điều trị. Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố cũng đã phong tỏa bệnh viện, khoanh vùng, khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm nhiều nhân viên y tế.

Cập nhật COVID-19: Hà Nội có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 ở mức “báo động đỏ” - 2

Lực lượng chức năng phong tỏa Bệnh viện Nhi Hải Phòng

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với số ca lây nhiễm ngoài cộng đồng có số lượng lớn và tăng nhanh nhất từ trước đến nay tại các địa phương lân cận, tối 28-1, UBND TP Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp khẩn với các ngành chức năng bàn về các giải pháp, nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch.

Tại cuộc họp này, TP Hải Phòng đã quyết định thành lập tổ phản ứng nhanh, trưng dụng bà Phạm Thu Xanh, nguyên Giám đốc Sở Y tế, làm Tổ trưởng, tham mưu giúp UBND TP triển khai các nhiệm vụ, chủ động điều hành kịch bản chống dịch của TP. Ông Trần Anh Cường, Giám đốc Sở Y tế, làm Tổ phó.

Báo cáo về diễn biến tình hình dịch trên địa bàn TP Hải Phòng, Giám đốc Sở Y tế Trần Anh Cường cho biết tính đến 17 giờ ngày 28-1, Hải Phòng đã truy vết được 67 trường hợp F1 đưa đi cách ly và 237 trường hợp F2.

Ngành y tế triển khai lấy mẫu và kết quả bước đầu có 21 trường hợp âm tính, 1 trường hợp dương tính tại Bệnh viện Nhi Hải Phòng (còn gọi là bệnh viện Trẻ em). Bệnh nhân này là người Hải Dương, có mẹ là công nhân tại công ty Poyun (nơi làm việc của bệnh nhân 1552). Hai mẹ con về Hải Phòng ngày 24-1, sau đó có biểu hiện sốt, vào bệnh viện khám. Kết quả xét nghiệm người mẹ âm tính, người con 3 lần xét nghiệm kết quả dương tính. Hiện bệnh nhân đã được đưa về Hải Dương điều trị.

(Theo Người Lao Động)

Từ 0h ngày 29/1, Quảng Ninh thực hiện giãn cách xã hội một số khu vực có ca mắc COVID-19

Tối 28/1, UBND tỉnh Quảng Ninh ra công điện khẩn gửi các đơn vị địa phương và cơ quan chức năng chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch. 

Trong đó, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu UBND các cấp thành lập ngay tổ truy vết từ cấp huyện tới các thôn, khu, bản, xã; huy động tối đa lực lượng phục vụ công tác ra soát, truy vết thần tốc, khoanh vùng, dập dịch, xét nghiệm, kiểm soát người đi lại, có tiếp xúc với F0, F1, F2, F3, F4 và thực hiện cách ly tập trung đối với các trường hợp có tiếp xúc gần trong 21 ngày.

Riêng đối với các khu vực: tổ 1, khu 6, phường Hồng Hà (thành phố Hạ Long); các xã: Thủy An, An Sinh, Bình Dương, Nguyễn Huệ (thị xã Đông Triều) thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ kể từ 00h00 ngày 29/1 đến hết ngày 21/2 theo nguyên tắc đảm bảo giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Cập nhật COVID-19: Hà Nội có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 ở mức “báo động đỏ” - 3

Tỉnh Quảng Ninh còn yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và nơi công cộng.

Không tổ chức các hoạt động tập trung đông người: các hội nghị, hội thảo, sự kiện, dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí (biểu diễn nghệ thuật, rạp chiếu phim, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage, dịch vụ vũ trường, bar, pub, club, điểm vui chơi thanh thiếu nhi, cơ sở vui chơi và giải trí, cơ sở thể dục thể thao, dịch vụ internet, trò chơi điện tử, đám cưới, đám hỏi, …) trên địa bàn tỉnh.

Tạm dừng tất cả các phương tiện cơ giới chở người ra/vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh (trừ các trường hợp đặc biệt như: xe cứu thương; xe thực thi công vụ được cơ quan có thẩm quyền cho phép; xe của các cơ quan ngoại giao; xe đưa đón công nhân; xe chở lương thực, thực phẩm thiết yếu; xe chở người đi tỉnh khác khám bệnh phải có giấy chuyển viện của các bệnh viện có thẩm quyền; xe đón người đi chữa bệnh về phải xuất trình giấy ra viện).

(Theo Gia Đình & Xã hội)

1 ca COVID-19, Bắc Ninh giãn cách xã hội 1 xã

Sau khi ghi nhận một ca nhiễm COVID-19, UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội toàn bộ xã Lâm Thao (huyện Lương Tài) – nơi ghi nhận ca bệnh, trong thời gian 21 ngày. Thời gian giãn cách kể từ 00 giờ ngày 29-1, theo nguyên tắc cách ly gia đình với gia đình, thôn với thôn, xã với xã, thị trấn...

Người dân được yêu cầu chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết (như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu), đi làm việc (tại cơ quan, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa hoặc bị dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác.

Tỉn Bắc Ninh nhấn mạnh không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi tiếp xúc.

Đối với các địa bàn khác trong huyện, gồm: Bình Định, Quảng Phú, Phú Lương, Tân Lãng, thị trấn Thứa, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện rà soát, thống kê tất cả các đối tượng công dân, lao động sản xuất và các đối tượng liên quan đến các ca bệnh theo Thông báo khẩn của Bộ Y tế, xong trước ngày 31-1.

Đồng thời, tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng đến địa bàn Lâm Thao, Bình Định, Quảng Phú, Phú Lương, Tân Lãng, thị trấn Thứa.

Theo báo cáo của Sở Y tế Bắc Ninh, ca bệnh tại tỉnh này là nam, sinh năm 1990, quê quán tại thôn Nhiêu Đậu, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài. Bệnh nhân là F1 tiếp xúc với ca bệnh 1552 người Hải Dương do cùng phân xưởng tại Công ty TNHH POYUN tại Chí Linh, Hải Dương.

Đến cuối ngày 28-1, Bắc Ninh xác định được 26 trường hợp là F1, 65 trường hợp F2 tại xã Lâm Thao và Bình Định. Hiện tại, các ca F1 được cách ly y tế tại cơ sở y tế và các ca F2 liên quan được hướng dẫn cách ly tại nhà.

Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội đồng loạt chặn tình trạng găm hàng, tăng giá khẩu trang

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khi nhiều ca bệnh mới được công bố tại Hải Dương, Quảng Ninh và Hà Nội, Cục Quản lý thị trường (QLTT) các địa phương này đã phát đi công văn hỏa tốc về việc tăng cường giám sát địa bàn, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng nhằm đẩy giá lên cao và thu lời bất chính.

Cục thể, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh cho biết đơn vị đã chỉ đạo các Đội QLTT triển khai nắm bắt tình hình giá cả thị trường, lương thực, thực phẩm, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom, tích trữ hoặc lợi dụng dịch bệnh để nâng giá, ép giá bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế như khẩu trang, các loại nước rửa tay, nước sát trùng… khi có sự biến động lớn về cung cầu hàng hóa gây xáo trộn tình hình thị trường trên địa bàn, đặc biệt là những khu vực có bệnh nhân Covid-19 .

Cập nhật COVID-19: Hà Nội có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 ở mức “báo động đỏ” - 4

Cảnh người dân đổ xô đi mua khẩu trang ở Hà Nội, thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam đầu năm 2020

Tại Hải Dương, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ quản lý địa bàn, giám sát nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa.

"Trọng tâm là các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh; các loại lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Chú trọng để phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh; bán hàng hóa không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết..."- đại diện Cục QLTT Hải Dương cho hay.

Cục QLTT Hà Nội cũng đã yêu cầu các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, các cửa hàng kinh doanh thiết bị, vật tư y tế cũng như các cửa hàng thiết yếu để tránh tình trạng gom hàng, đẩy giá như tình trạng đã từng xảy ra trước đó.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã có công điện khẩn gửi Sở Công Thương các địa phương, các chuỗi siêu thị lớn về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại các địa phương để ứng phó, phòng chống dịch Covid-19.

Nhiệm vụ trọng tâm được xác định là đảm bảo cung ứng, lưu thông hàng hoá, đặc biệt tại các địa phương có dịch, các khu vực phải phong toả, cách ly.

Phú Thọ: Cách ly 51 trường hợp F1, 1 người cùng bàn ăn với bệnh nhân 1553

Sau khi nhận được thông tin về các trường hợp người Phú Thọ nhiễm Covid-19 và F1 của bệnh nhân Covid-19, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương phối hợp cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các huyện, thị liên quan thống nhất chỉ đạo, điều hành triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Cập nhật COVID-19: Hà Nội có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 ở mức “báo động đỏ” - 5

Phú Thọ đã tiến hành cách ly 51 trường hợp là F1 của các bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19. Ảnh: Minh họa

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Phú Thọ đã tiến hành cách ly 51 trường hợp là F1 của các bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 và 283 trường hợp F2.

Theo Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, trong các trường hợp F1 trên có 1 trường hợp có nguy cơ rất cao do người này tiếp xúc gần với ca bệnh số 1553 trong cùng bàn ăn.

Sau khi tiến hành điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly y tế, xét nghiệm sàng lọc các trường hợp F1, F2, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã cơ bản khoanh vùng được nguy cơ và tiếp tục truy vết các trường hợp khác.

Sở Y tế Phú Thọ đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ bổ sung kinh phí mua 5.000 test xét nghiệm và bộ vật tư để thực hiện xét nghiệm RT-PCR.

Dịch COVID-19: Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ra công điện hoả tốc
UBND TP.Hà Nội vừa có công điện hoả tốc số 02 chỉ đạo việc phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.
H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19