Bám càng máy bay trong hơn 1,5 tiếng đồng hồ, phải chịu đựng nhiệt độ hạ xuống âm 30 độ C, cậu bé 14 tuổi này vẫn sống sót một cách kỳ diệu.
Vào sáng ngày 11/11/2004, sau khi chiếc máy bay B320 số hiệu 3U8670 của hàng hàng không Tứ Xuyên cất cánh từ sân bay thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam rồi hạ cánh xuống thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc, người ta đã tìm thấy một số quần áo trẻ em trên bộ phận hạ cánh của máy bay. Sau đó, các nhân viên phát hiện có một bé trai đang nằm co ro bất tỉnh bên trong khoang của cánh máy bay. Cậu bé lập tức được đưa đi cấp cứu và sống sót một cách kỳ diệu. Vậy tại sao cậu bé lại nằm trong cánh máy bay? Làm thế nào mà cậu bé sống sót được?
Cậu bé này là Lương Bàn Long, sinh năm 1990 tại thành phố Hoài Hóa, thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Bố của Lương Bàn Long làm việc tại tỉnh Quảng Đông, còn mẹ ở nhà nội trợ và chăm sóc con cái, gia đình thuộc diện cơ bản và trung lưu.
Lương Bàn Long khi nhỏ có thành tích học tập khá tốt, lại có năng khiếu vẽ, thậm chí còn được bố mẹ đăng ký cho theo học một lớp đào tạo nghệ thuật với hy vọng con trai lớn lên có thể trở thành một họa sĩ. Chỉ đáng tiếc, khoảng thời gian tươi đẹp không kéo dài lâu. Sau khi Lương Bàn Long lên cấp 2, cậu bé bắt đầu chểnh mảng học hành, mệt mỏi với áp lực học tập, kết bạn với những người không tốt, thường xuyên trốn học và đến các quán net để chơi bời. Vì điều này, Lương Bàn Long đã nhiều lần bị giáo viên và bố mẹ nhắc nhở, thế nhưng điều đó chỉ càng làm cậu thiếu niên thêm bất mãn.
Lương Bàn Long từng trốn vé tàu để đi từ Hoài Hóa đến Trương Gia Giới (tỉnh Hồ Nam), trốn khỏi nhà suốt 1 tuần mới quay về. Không lâu sau, cậu bé lại bỏ nhà đi lần thứ hai, bắt tàu đến Quý Dương (tỉnh Quý Châu). Tại đây, Lương Bàn Long bị thương ở chân, may mắn được cảnh sát cứu giúp và đưa về nhà. Hai lần bỏ nhà đi khiến bố mẹ Lương Bàn Long rất tức giận, phạt nặng và kiểm soát cậu bé nhiều hơn, thế nhưng cậu thiếu niên nổi loạn vẫn quyết tâm bỏ nhà đi lần thứ ba.
Tháng 11/2004, Lương Bàn Long khi ấy 14 tuổi đã trốn lên một chuyến tàu chở hàng đi đến Côn Minh. Tại đây, Lương Bàn Long gặp được Thư Thanh, 15 tuổi, cũng là một thiếu niên bỏ nhà ra đi. Cả 2 nhanh chóng kết bạn, sau đó cùng nhau lẻn vào sân bay Côn Minh để chơi đùa. Trong lúc nghịch ngợm, Lương Bàn Long và Thư Thanh đã cùng trèo lên cánh máy bay để chơi mà các nhân viên không hề biết gì.
Khoảng 8h10 ngày 11/11/2004, Lương Bàn Long và Thư Thanh vẫn mải chơi mà không hề biết máy bay đang từ từ cất cánh. Khi máy bay bắt đầu chạy trên đường băng với tốc độ rất nhanh, 2 cậu bé mới nhận ra nhưng đã quá muộn, không dám nhảy xuống vì quá nguy hiểm, chỉ có thể bám chặt vào nhau. Lương Bàn Long nhanh chóng nắm lấy một thanh kim loại nhưng Thư Thanh thì không may mắn như vậy. Thư Thanh không nắm được gì nên đã bị gió từ cánh máy bay thổi bay xuống đất. Khoảng 8h14, nhân viên mặt đất của sân bay Côn Minh tìm thấy Thư Thanh rơi từ trên không xuống và tử vong tại chỗ.
Về phần Lương Bàn Long, cậu bé đã cố gắng chui vào bên trong để giữ an toàn, thế nhưng nhiệt độ càng ngày càng hạ xuống khiến cậu bé lạnh cóng. Lương Bàn Long cảm thấy vô cùng chóng mặt, sau đó không hiểu tại sao đang từ rất lạnh chuyển sang rất nóng, thấy tay mình như bị lửa đốt. Thực tế, đây là ảo giác khi quá lạnh, cả người cứng đờ.
Khoảng cách từ Côn Minh đến Trùng Khánh là hơn 900 km, chuyến bay kéo dài khoảng 1,5 tiếng, trên độ cao hàng nghìn mét, ở nhiệt độ từ âm 20 độ C đến âm 30 độ C, oxy cực loãng, người bình thường cùng lắm chỉ trụ được nửa giờ, không ai nghĩ rằng Lương Bàn Long có thể sống sót được, ấy vậy mà kỳ tích vẫn xảy ra.
Sau khi máy bay hạ cánh, bộ phận hạ cánh được thu vào trong cabin, Lương Bàn Long may mắn nằm đúng vị trí khoảng trống nên không bị bộ phận hạ cánh chèn vào người. Cậu bé nằm cuộn tròn trong một góc, cố gắng tự động viên bản thân không được thiếp đi. Khi Lương Bàn Long sắp bất tỉnh, thiết bị hạ cánh từ từ mở ra.
Sau đó, các nhân viên mặt đất tiến hành kiểm tra tình trạng máy bay như thường lệ. Lúc này, họ bàng hoàng phát hiện cậu bé 14 tuổi đang nằm co ro bên trong khoang của cánh máy bay. Sau khi xác nhận cậu bé vẫn còn nhịp tim và nhịp thở, họ nhanh chóng gọi điện cho xe cấp cứu.
Sau khi được đưa tới bệnh viện cứu chữa, Lương Bàn Long đã qua cơn nguy kịch nhưng không tránh khỏi những di chứng nghiêm trọng. Do ở trong môi trường thiếu oxy hơn 1h, võng mạc và màng nhĩ của cậu bé đều bị tổn thương. Lương Bàn Long còn bị di chứng sợ độ cao. Suốt hơn 1 năm sau đó, cậu bé bị viêm tai giữa hàng không và mất thính lực do tiếng ồn. Một tai cậu bé bị xâm lấn, tai còn lại bị thủng màng nhĩ. Thị lực của Lương Bàn Long cũng bị giảm sút, chân và tay thường xuyên bị chuột rút.
Gia đình của Lương Bàn Long đã cố gắng đưa cậu bé đi khắp nơi để tìm cách chữa trị nhưng tình hình không mấy khả quan. Các chuyên gia nhận định rằng một phần là do vấn đề tâm lý mà cậu bé gặp phải. Lương Bàn Long đã tận mắt chứng kiến cái chết của người bạn Thư Thanh, luôn cho rằng chính mình là người khiến bạn mất mạng, cộng với nỗi sợ và sự đơn độc khi một mình bám càng máy bay suốt 1,5h nên khó lòng hồi phục được. Mãi đến hơn 4 năm sau, Lương Bàn Long mới dần dần quay trở lại cuộc sống bình thường.
Vì sự cố này, gia đình của Lương Bàn Long cũng đã khởi kiện hãng hàng không Tứ Xuyên vì bất cẩn gây ra tai nạn nghiêm trọng. Sau khi đôi bên dàn xếp, gia đình Lương Bàn Long được nhận khoản bồi thường 50.000 nhân dân tệ (gần 174 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại).
Sau khi trải qua ranh giới của sự sống và cái chết, cuộc sống của Lương Bàn Long cũng thay đổi. Anh đã nhận ra những sai lầm tuổi trẻ của mình và bắt đầu quay lại với nghệ thuật. Anh cũng đổi tên mình là Lương Tử Tùng với hy vọng sau khi sống sót qua thảm họa, anh có thể nhận được phước lành trong tương lai. Lương Tử Tùng đã chăm chỉ học tập và vẽ tranh, sau đó được nhận vào Học viện Mỹ thuật Tứ Xuyên - một trong 4 học viện nghệ thuật lớn nhất Trung Quốc.
Khi trưởng thành, Lương Tử Tùng đã kết hôn và có một cô con gái xinh xắn, chỉ đáng tiếc cuộc hôn nhân này không kéo dài được lâu. Cặp đôi ly hôn, Lương Tử Tùng đưa con về nhờ bố mẹ nuôi dưỡng. Trong những ngày vất vả mưu sinh, anh cuối cùng đã hiểu được nỗi lòng của bố mẹ mình năm xưa. Giờ đây, Lương Tử Tùng 32 tuổi, vừa nỗ lực vẽ tranh, vừa mở một cửa hàng chăm sóc thú cưng ở Trùng Khánh để kiếm sống.